(ĐSPL) - Thấy bàn bên góp tiền để trả sau chầu nhậu, nhóm của Công lên tiếng “trả thay” khiến hai bên mâu thuẫn. Trong lúc ẩu đả, Tây dùng dao đâm Phong tử vong.
Theo báo Infonet, sáng 29/12, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, đưa các bị cáo Đỗ Văn Tây (SN 1987), Tô Mạnh Công (SN 1989, cùng ngụ tại thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) ra xét xử về các tội danh Giết người và Cố ý gây thương tích.
Liên quan đến vụ án, bị cáo Phạm Văn Phúc (SN 1995, ngụ cùng địa chỉ) cũng bị truy tố ra trước tòa về hành vi Cố ý gây thương tích.
Các bị cáo Công-Phúc-Tây (từ trái qua) tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: báo Infonet |
Báo Tri thức trực tuyến cho hay, theo cáo trạng, khoảng 17h ngày 1/2, nhóm của Tây đến nhậu ở quán thịt chó tại thị trấn Krông Kmar và gặp Phúc cùng Phạm Lê Quang Phong (23 tuổi, ngụ thị trấn Krông Kmar) ngồi bàn kế bên.
Khi tàn cuộc, nhóm Phúc góp tiền trả thì Công nói sang "đi nhậu mà cũng góp tiền, để đó tao trả cho”. Sau lời nói của Công, hai bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau.
Yếu thế, Phong và Phúc chạy trốn, rồi lẻn vào một tiệm cơ khí lấy hai thanh sắt đến nhà Công trả thù. Khi Công và Tây về thấy hai thanh niên đang đứng trước ngõ nên cầm dao đuổi chém.
Trong lúc ẩu đả, Tây dùng dao đâm Phong dẫn đến tử vong. Còn Công sau khi bị Phúc dùng thanh sắt đánh vào đầu, bị cáo này lấy dao đâm vào lưng đối thủ, khiến Phúc gục xuống đường.
Theo kết quả giám định thương tật, Phúc bị thương tích 24%, Công bị thương tích 12%, Tây cũng bị thương tích 3%.
Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ban đầu Công nhận hết tội thay Tây. Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, bị cáo này thay đổi lời khai, nói ra sự thật của vụ án.
Trước vành móng ngựa, Công giải thích việc nhận tội thay do nghĩ cả hai bị cáo là bạn thân, ai cũng có con nhỏ, bị cáo Công muốn một người đi tù, để Tây ở nhà để phụ giúp gia đình.
Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)