Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam đã đưa ra ý kiến trên và cho rằng, vì sao nhất định phải mua xe của Honda khi đại lý không đảm bảo bất cứ một quyền lợi gì cho khách hàng?
Giao dịch “mập mờ”, hợp đồng áp đặt và tuyệt nhiên không chịu trách nhiệm?
Các điều khoản hợp trong hợp đồng đặt cọc mua xe ô tô ngoài việc giao xe, đại lý Honda (viết tắt Honda) không phải chịu trách nhiệm khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra. Thậm chí phía Honda còn có thể thay đổi giá xe so với giá bán lẻ đề xuất ban đầu, nhưng không chịu trách nhiệm khi không thể giao xe cho khách.
Cụ thể, ngay tại điều 1.2 trong hợp đồng đặt cọc, phía Honda nêu rõ là có thể thay đổi giá trị chiếc xe tại thời điểm xuất hoá đơn nếu có sự chênh lệch về giá trị giữa tiền Đô La Mỹ và Việt Nam Đồng. Đến khoản III. 4 lại có quy định, nếu bên mua không chấp nhận với mức giá mới thì bên bán không phải trả lại tiền đặt cọc.
Ngoài ra, còn rất nhiều quy định ràng buộc khách hàng nhưng khi không thể giao xe cho khách, phía Honda lại yêu cầu khách phải đơn phương chấm dứt hợp đồng và tự xin rút lại tiền cọc.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, mẫu hợp đồng đặt cọc của hãng Honda là sai về mặt pháp lý và có dấu hiệu lừa dối khách hàng.
“Những hợp đồng mẫu mua bán hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Công thương. Trong hợp đồng mẫu do Bộ Công Thương ban hành có quy định rõ quyền và trách nhiệm của mỗi bên. Nếu phía Honda đưa ra những điều kiện bất lợi cho người tiêu dùng thì khi giải thích giao dịch dân sự này phải giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng theo đúng luật
Mẫu hợp đồng này của Honda phải kiến nghị lên Bộ Công thương để thay đổi lại, nếu cần thiết có thể căn cứ vào Luật cạnh tranh để xử phạt doanh nghiệp”, luật sư Hậu cho biết.
Khi được hỏi, liệu rằng có cách nào để người tiêu dùng khi muốn mua xe của Honda có được đầy đủ lợi ích chính đáng? Luật sư Hậu cho biết thêm, khách hàng phải thoả thuận lại với bên bán về các điều khoản trong hợp đồng, nếu hợp đồng toàn những điều khoản không có lợi hoàn toàn có thể tẩy chay.
Luật sư Hậu chia sẻ: “Người tiêu dùng khi mua hàng có quyền yêu cầu bên bán đảm bảo lợi ích của mình, phải chăm sóc khách hàng. Trên thị trường có rất nhiều hãng xe lớn có uy tín, sao nhất thiết phải ký kết hợp đồng với một hãng xe đặt quyền lợi của mình lên trên khách hàng?”.
Honda lợi dụng lòng tin từ chính những “thượng đế” của mình?
Nhiều khách hàng cho biết, khi làm hợp đồng họ cũng cảm thấy những điều khoản phía Honda đưa ra không có lợi cho mình nhưng tin tưởng vào uy tín của hãng nên vẫn quyết định đặt cọc.
Anh Vũ Khắc Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) đã đặt cọc để mua chiếc xe Honda CR-V 2.4L vào ngày 4/9. Đến ngày 10/9, anh Ngọc được hãng thông báo hết xe và yêu cầu anh đến rút cọc, khi đến làm việc, anh mới “ngớ người” khi phía hãng Honda phủi tay với mọi trách nhiệm. Không xin lỗi, không bồi thường, thậm chí phía đại lý Honda Long Biên còn gợi ý cho anh đợi lấy phiên bản mới với giá đắt hơn cả trăm triệu đồng.
Anh Ngọc cho biết: “Khi làm hợp đồng tôi cảm thấy có một số điều khoản không ổn nên yêu cầu thay đổi. Phía Honda nói với tôi là chỉ có một mẫu hợp đồng này, tôi có thể quyết định có ký hay không. Vì nghĩ đơn giản Honda là một hãng xe lớn nên chắc không có vấn đề gì nên tôi vẫn quyết địnhđặt cọc và ký vào”.
Để chuẩn bị mua xe, tôi đã phải bán chiếc xe đang sử dụng, vay lãi ngân hàng, hiện tại muốn đi đâu tôi phải đi taxi. Nhưng cách làm việc không minh bạch của Honda khiến tôi rất thất vọng”.
Có thể thấy dường như Honda Việt Nam đang lợi dụng việc khách hàng chưa nắm rõ về luật và lòng tin của người tiêu dùng đối với hãng để vụ lợi. Điều này khiến nhiều khách hàng hao tổn rất nhiều tiền bạc và công sức.
Đời sống kinh tế của người Việt ngày càng đi lên, việc sở hữu một chiếc ô tô dần trở thành “cơn khát” chung của nhiều người. Nhưng liệu có nhất thiết phải đầu tư vào một hãng xe luôn đặt lợi ích và vị thế của mình lên trên khách hàng?
Hoàng Giang – Thanh Phong