Một cô gái người Anh bị mất khứu giác cho biết, nếu không có bạn bè hay người thân, cô đã có thể chết do ngộ độc khí hay ngộ độc thức ăn mà không hay biết.
Mới đây, Metro đã đăng câu chuyện của cô Lucy Farrington-Smith, 25 tuổi, người Anh, người bị mắc căn bệnh mất khứu giác (anosmia). Theo Lucy, cô bị mất khứu giác, vị giác sau một trận cúm kéo dài cả tháng hồi đầu năm 2018 và đã phải sống chung với hiện tượng này suốt 2 năm qua.
Lucy tâm sự rằng việc mất vị giác không chỉ khiến cuộc sống của cô mất thú vị mà nó thậm chí còn khiến cô suýt chết.
Lucy chỉ mơ ước cô có thể cảm nhận được hương vị của thức ăn. |
"Căn bệnh này khiến tôi cảm thấy bị cách biệt. Từ chối những lời mời ăn tối hoặc uống rượu cùng bạn bè nhanh chóng trở thành bản năng của tôi khi tìm cách tránh xa khỏi những người có thể tận hưởng mùi vị.
Tôi đã chạy vào WC ở chỗ làm để khóc khi các đồng nghiệp khen ngợi chiếc bánh tự làm của một ai đó ngon thế nào. Tôi khóc khi nhớ người yêu nhưng không thể cảm nhận mùi hương của anh ấy vương trên áo tôi như trước đây.
Những ngày đầu mới mắc bệnh, tôi ở một mình trong bếp khi bật bếp ga, vòi nước đang mở. Bởi vậy, tôi không thể nghe thấy tiếng ga xì. Thật may mắn một người bạn bước vào phòng và kéo tôi ra do mùi ga nồng nặc, bốc ra ngoài sảnh. Nhưng tôi không ngửi thấy gì.
Mất khứu giác có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm. Tôi cảm thấy không thể tin tưởng bản thân, phải học cách dựa vào gia đình và bạn bè để nói sữa đã hỏng hay khí thải của chiếc xe phía trước quá mạnh nên đừng hít thở sâu.
Tôi sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để ngửi được mùi nước hoa của mẹ mình thêm một lần nữa - tôi từng rền rĩ mùi của nó quá mạnh.
Căn bệnh này có thể gây ra trầm cảm và khiến bạn cảm thấy bị cách ly khỏi thế giới", Lucy cho hay.
Nếu bạn tạm thời gặp tình trạng này, hãy tập trung vào những điều thú vị mà các giác quan khác đem lại cho bạn. Bạn cần biết rằng mình không cô đơn. Thậm chí trong những ngày tồi tệ nhất, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi cơn bão trôi qua cho tới khi những ngày “bình thường mới” đến.
Các bác sĩ đã không tìm ra nguyên nhân bệnh của Lucy nên cô đành phải học cách chung sống với tình trạng mới của mình.
Theo Thạc sĩ Bùi Hồng Vân của báo Sức khỏe & Đời sống, mất khứu giác theo thuật ngữ khoa học là Anosmia, nghĩa là “mất khứu giác” hay “điếc ngửi”. Khi bị mất khứu giác khiến con người không thể cảm nhận được mùi của hương hoa, thực phẩm, các mùi thơm hay thối, trong lành hay độc hại.
Có nhiều nguyên nhân gây ra mất khứu giác như: Hẹp hốc mũi bẩm sinh; biến dạng vách ngăn mũi; chít hẹp hốc mũi sau chấn thương; do chấn thương ở não; do tổn thương của thần kinh khứu giác; do các bệnh cúm, sổ mũi cấp tính, một số bệnh nhiễm khuẩn; do các hoá chất, hơi độc, bụi, chất ma tuý; do sự lão hoá của cơ thể...
Mất khứu giác là căn bệnh rất khó điều trị, khả năng phục hồi thấp. Ảnh minh họa |
Một khi đã bị mất khứu giác thì việc tìm lại là rất khó khăn. Nói cách khác là rối loạn khứu giác rất khó điều trị và khả năng phục hồi hoàn toàn không cao.
Tuy rối loạn khứu giác không gây giảm sút nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chẳng hạn có những trường hợp do điếc ngửi mà bệnh nhân mắc phải các tình huống: Ăn phải thực phẩm ôi thiu, nhiễm độc, ngồi trong phòng kín bị rò rỉ khí gas nhưng không biết... gây nên những hiểm họa khôn lường. Vì vậy, việc bảo vệ khứu giác rất quan trọng.
Cách tốt nhất để bảo vệ khứu giác là phòng và điều trị các nguyên nhân gây rối loạn khứu giác nói trên, như chữa các bệnh: Cảm, cúm, viêm đường hô hấp trên, viêm xoang... một cách triệt để.
Trong sinh hoạt mọi người nên đeo khẩu trang bảo vệ tránh khói, bụi, không khí lạnh… mỗi khi ra đường.
Nên có thói quen rửa mũi bằng nước muối sinh lý từ 2-3 lần hàng ngày hoặc mỗi khi đi ra ngoài về nhà để làm sạch niêm mạc mũi. Nếu phát hiện những thay đổi bất thường của khứu giác thì cần đi khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời.
Minh Khôi(T/h)