(ĐSPL) – Liên quan đến sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Đinh Việt Thắng - TGĐ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khẳng định, nguyên nhân là do lỗi chủ quan của con người gây ra.
Sáng ngày 24/11, sau các sự cố hàng không nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trực tiếp chủ trì cuộc họp về công tác an toàn hàng không.
Tại cuộc họp, ông Đinh Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã khẳng định, sự cố mất điện tại ACC Hồ Chí Minh vào ngày 20/11 là do lỗi chủ quan của con người gây ra.
Sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất được xác định là do lỗi chủ quan của con người! |
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, hiện nay, nguồn điện cung cấp cho hệ thống điều hành không lưu tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và tiếp cận Tân Sơn Nhất (ACC Hồ Chí Minh) gồm 3 cấp: hệ thống điện lưới (bao gồm hai nguồn điện), máy phát điện dự phòng (gồm 3 máy phát) và 3 hệ thống lưu điện (UPS) để nguồn điện cho hệ thống không ngắt đột ngột.
Ông Thắng cũng giải thích thêm rằng, trong thiết kế đảm bảo 99,9\% nguồn điện sẽ không bao giờ bị ngắt nếu không có sự tác động của con người.
Lãnh đạo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, sau khi sự cố xảy ra, vào lúc 11h ngày 20/11, các nhân viên kỹ thuật của Công ty Quản lý bay miền Nam đã thực hiện công tác ngắt điện lưới để kiểm tra định kỳ hệ thống máy phát điện.
Sau khi tiến hành ngắt điện, 3 máy phát vẫn hoạt động bình thường. Đến 11h05 thì một hệ thống UPS báo lỗi.
“Theo quy trình, đáng lẽ trước hết các nhân viên kỹ thuật phải cô lập toàn bộ hệ thống UPS bị lỗi, rồi mới tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, kíp trưởng của ca trực là Lê Trí Tình đã thực hiện sai thao tác dẫn tới toàn bộ hệ thống điện bị sập. Và chính vì không nắm được kỹ thuật nên anh Tình chưa ngắt UPS bị lỗi mà đã nhấn nút ngắt tải nên hai hệ thống UPS còn lại cũng lập tức bị sập” – ông Thắng lý giải.
Ông Thắng cũng cho biết thêm rằng, về nguyên lý, khi hệ thống UPS bị sập thì cũng không thể mất điện được nếu nhân viên kỹ thuật đóng lại điện lưới. Tuy nhiên, khi xảy ra tình huống này, nhân viên kỹ thuật đã xử lý luống cuống, thay vì chạy ra đóng lại điện thì lại tiến hành sửa UPS nên mới gây ra sự cố trên.
Chủ trì cuộc họp về công tác an toàn hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu: "Toàn bộ số nhân viên yếu kém của Tổng công ty Quản lý bay phải cho nghỉ việc ngay". |
Sau khi sự cố xảy ra khoảng 14 phút, các nhân viên mới tiến hành đóng lại điện lưới, nhưng trong quá trình này, kíp trưởng Lê Trí Tình lại tiếp tục can thiệp sai vào UPS khiến UPS nhảy ngược lại và hệ thống lại tiếp tục mất điện. Đến 11h36, tức là sau 31 phút xảy ra sự cố thì nguồn điện phục vụ cho hệ thống mới được khôi phục hoàn toàn. Đến 11h40 cùng ngày, hệ thống điều hành bay mới có thể hoạt động trở lại.
Đánh giá về sự cố trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định: “Đây là một sự cố đặc biệt nghiêm trọng chưa từng xảy ra do lỗi chủ quan của con người. Sự cố này không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế của các hãng hàng không, không chỉ uy hiếp trực tiếp đến an toàn hàng không mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín của ngành GTVT và hình ảnh của đất nước".
Từ đó, tư lệnh ngành GTVT cũng kiên quyết yêu cầu các đơn vị liên quan cần chấn chỉnh công tác quản lý để không xảy ra bất cứ một trường hợp tương tự.
Về công tác nhân sự của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Bộ GTVT cho biết sẽ thành lập hội đồng để đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực từ Chủ tịch, Tổng Giám đốc đến các nhân viên của đơn vị này.
"Toàn bộ số nhân viên yếu kém của Tổng công ty Quản lý bay phải cho nghỉ việc ngay. Số có chất lượng trung bình sẽ cho đào tạo lại trong thời gian nhất định, nếu không được sẽ chấm dứt hợp đồng" - Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng sẽ cho thành lập tổ điều tra do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh làm tổ trưởng cùng các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan đến sự cố.
“Yêu cầu lãnh đạo Cục HKVN, Tổng Công ty Quản lý bay VN phải kiểm kiểm rõ trách nhiệm trong việc này và phải đình chỉ ngay công tác của tất cả những người có liên quan đến sự cố. Nếu cần thiết sẽ tiến hành xử lý hình sự đối với ngừoi trực tiếp gây ra xem có phải là cố tình phá hoại hay không" - lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.