+Aa-
    Zalo

    Mánh lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi của 2 phụ nữ trẻ tuổi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi thế chấp xe ô tô cho ngân hàng vay hơn 700 triệu đồng, 2 người phụ nữ trẻ làm giả giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe, rồi thực hiện phi vụ lừa đảo chủ tiệm cầm đồ.

    Sau khi thế chấp xe ô tô cho ngân hàng vay hơn 700 triệu đồng, 2 người phụ nữ trẻ làm giả giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe, rồi thực hiện phi vụ lừa đảo chủ tiệm cầm đồ.

    Làm giả giấy tờ xe đã thế chấp cho ngân hàng để đi lừa

    Lê Thị Kim Thơm, SN 1991, không có chỗ ở cố định, nay đây mai đó và sống bằng nhiều nghề khác nhau. Do không có tiền chi tiêu, Thơm quyết định mang chiếc xe Honda Civic đi cầm cố ngân hàng. Qua xem xét hồ sơ và tài sản thế chấp, ngân hàng TMCP Kiên Long chấp thuận cho Thơm vay 710 triệu đồng, thời hạn vay là 1 tháng.

    Sau khi thế chấp xe để vay tiền, Thơm nảy sinh ý định dùng chính tài sản thế chấp này để lừa đảo. Do giấy tờ bản chính xe của Thơm được ngân hàng Kiên Long giữ, nên để lừa người khác, Thơm thuê người làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô nói trên.

    Để thực hiện phi vụ lừa đảo, Thơm lôi kéo bạn của mình là Nguyễn Thị Kim Hiền, SN 1992, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM tham gia. Thơm sử dụng 1 giấy chứng minh nhân dân giả mang tên mình, nhưng dùng ảnh thẻ của Hiền dán vào, cầm theo giấy đăng ký xe giả từ TP.HCM lên TP.Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk để lừa cầm cố tài sản cho 1 chủ tiệm cầm đồ.

    Ngày 25/4/2018, Thơm và Hiền đến tiệm cầm đồ để cầm cố xe. Chủ tiệm cầm đồ đồng ý cầm tài sản của Thơm với giá 500 triệu đồng.

    Bằng mánh khóe tinh vi, 2 phụ nữ lừa được hàng trăm triệu của chủ tiệm cầm đồ. (Ảnh: H.Y)

    Do chưa kiểm tra tình trạng pháp lý xe, chủ tiệm cầm đồ chưa giao tiền cho Thơm. Lúc này, Thơm và Hiền đưa ra lý do cần tiền gấp và được chủ tiệm đưa trước 150 triệu, số tiền còn lại sẽ đưa sau khi kiểm tra tình trạng xe.

    Được “giải ngân” 150 triệu, sợ bị lộ, Thơm và Hiền không chờ nhận số tiền còn lại, lập tức trở lại TP.HCM. Số tiền lừa đảo được, Thơm giữ 50 triệu, số còn lại chia cho đồng bọn cùng tham gia phi vụ lừa đảo ngoạn mục này.

    Từ kẻ lừa đảo tự biến mình thành nạn nhân

    Hai ngày sau khi thực hiện thành công phi vụ lừa đảo, Thơm dùng chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Thị Ánh, dùng ảnh của Hiền dán vào, rồi làm giả hợp đồng thuê xe ô tô. Hợp đồng đề ngày 21/4/2018 thể hiện việc Thơm cho Nguyễn Thị Ánh thuê xe.

    Thơm dùng hợp đồng giả này, đến Công an phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM tố cáo việc Ánh thuê xe của mình đã hơn 1 tháng nhưng không trả, cũng không liên hệ được nên nghi ngờ người này lừa lấy mất xe.

    Tại công an, Thơm còn trình bày, qua định vị, Thơm biết chiếc xe của mình đang ở TP. Buôn Ma Thuột và đề nghị công an thu hồi xe trả lại cho mình.

    Về phần chủ tiệm cầm đồ, sau khi không liên lạc được với Thơm để xác minh pháp lý của tài sản cầm cố, nghi ngờ mình bị lừa nên đến công an trình báo sự việc. Kèm với đơn tố cáo, chủ tiệm cầm đồ còn cung cấp 1 giấy chứng minh nhân dân giả mang tên Lê Thị Kim Thơm (dán ảnh Hiền), 1 giấy đăng ký xe giả và 1 USB chứa đoạn clip thời điểm Hiền và Thơm đến cửa tiệm cầm cố tài sản.

    Vào cuộc xác minh theo đơn tố cáo của chủ tiệm cầm đồ và của Thơm, cơ quan điều tra phát hiện dấu hiệu gian dối, lừa đảo của Thơm và Hiền nên triệu tập 2 đối tượng lên làm việc. Tại cơ quan điều tra Công an TP.HCM, Thơm và Hiền đã phải thừa nhận hành vi phạm tội.

    Cơ quan điều tra sau đó khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức đối với Thơm và Hiền. Quyết định đề nghị truy tố của Công an TP.HCM đối với Hiền, Thơm được VKSND cùng cấp phê chuẩn và truy tố các bị can về các tội danh nêu trên.

    Một ngày tháng Tám, TAND TP.HCM đưa 2 bị cáo ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, Thơm thừa nhận do cần tiền chi tiêu nên nảy sinh ý định lừa đảo. Nói về việc vì sao lên tận TP.Buôn Ma Thuột lừa đảo, Thơm lý giải để tránh bị phát hiện vì ở quê thường “cẩu thả” và dễ hơn trong việc thẩm định tài sản cầm cố.

    Theo Thơm, sau khi bị phát hiện hành vi lừa đảo, Thơm đã bồi thường cho chủ tiệm cầm đồ số tiền 190 triệu đồng. Nhờ đó, chủ tiệm cầm đồ làm đơn xin giảm án cho Thơm.

    Còn Hiền thừa nhận đã giúp sức tích cực cho Thơm chiếm đoạt tài sản của người khác. Cả hai thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận và mong được HĐXX xem xét, tuyên mức án nhẹ để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.

    Sau giờ nghị án, HĐXX đã nhận định,, hành vi của Thơm và Hiền là nguy hiểm cho xã hội, cần thiết phải cách ly các bị cáo khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ sức giáo dục riêng và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội. Từ nhận định này, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thơm 7 năm tù gian; bị cáo Hiền 5 năm tù giam về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

    Công Thư

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (133)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/manh-lua-chiem-doat-tai-san-tinh-vi-cua-2-phu-nu-tre-tuoi-a335995.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan