Một chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 trong hàng ngũ của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) được Nga tài trợ, đã bị bắn rơi ở Libya.
Tiêm kích MiG-29 đã bị bắn hạ khi đang thực hiện chuyến bay tuần tra quanh thành phố biển Sirte. Phi công may mắn kịp nhảy khỏi chiếc máy bay và được đưa đi bằng trực thăng của Lực lượng Không quân Quốc gia Libya.
Trên mạng xã hội cũng đã phát hành một đoạn video quay cảnh phi công nói rằng máy bay chiến đấu của anh ta bị bắn hạ chứ không phải bị rơi do lỗi kỹ thuật.
14 máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum và máy bay ném bom Sukhoi Su-24 Fencer được Nga chuyển giao cho Libya vào tháng 5.
Vào tháng 5, những chiếc máy bay chiến đấu này đã bay từ Nga và dừng chân tại căn cứ không quân Hamedan ở phía đông Iran. Sau đó, họ bay đến căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở phía Tây Syria,
Các máy bay phản lực của Không quân Nga sau đó đã hộ tống họ đến căn cứ không quân Al-Jufra ở Libya, nơi nhóm Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar chỉ huy hoạt động.
MiG-29 là thiết kế tiêm kích phản lực thế hệ 4 được phát triển từ những năm 1970 nhằm đối địch với các tiêm kích cùng thế hệ của Mỹ gồm F-16 và F/A-18 của Mỹ.
MiG-29 cất cánh lần đầu tiên năm 1977, năm năm sau được biên chế cho quân đội. Trong một thời gian đây từng là loại máy bay tiêm kích chính của Lực lượng không quân Nga.
Với tốc độ tối đa hơn Mach 2,25 (trên 2.700 km/h) và trọng lượng cất cánh tối đa 18.000 kg, MiG-29 có thể hoạt động ở độ cao 18 km.
Đặc điểm chính của Mikoyan MiG-29 là khả năng cơ động. Chiếc máy bay này được xuất khẩu rộng rãi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Dòng máy bay chiến đấu này được trang bị một khẩu pháo tự động 30 mm Gryazev-Shipunov GSh-30-1 với 150 viên đạn cùng một số biến thể khác 100 viên. MiG-29 có thể mang theo tới 4.000 kg đạn.
Cho tới nay, còn khoảng 25 quốc gia sử dụng các biến thể MiG-29. Tại Đông Nam Á, có Myanmar và Malaysia đang duy trì những chiếc tiêm kích MiG-29.
Mộc Miên (Theo Defence)