(ĐSPL) - “Bạn trai của cô gái là người sai, nhưng gây ra cái chết của cô gái là… xã hội”. Trong vô vàn comment trên mạng xã hội quanh việc nữ sinh 15 tuổi tự tử vì bị bạn trai tung clip nóng, thương xót có, lạnh lùng có mà miệt thị cũng có, đây là comment khiến người viết day dứt hơn cả.
Clip "nóng" này đã khiến nữ sinh 15 tuổi tìm đến cái chết |
Day dứt là bởi một câu hỏi: Mạng xã hội sinh ra để làm gì? Những Blog, Facebook, Zalo… có mặt trên đời này rõ ràng là nhằm kéo chúng ta xích lại gần nhau. Một cái “like” (thích), một lần “share” (chia sẻ), hai người không hề quen biết đã có thể dễ dàng kết nối.
Thế thì tại sao càng ngày càng có nhiều người chịu khổ sở, đau đớn, bế tắc, thậm chí tìm đến cái chết vì bị cộng đồng mạng dồn đuổi đến đường cùng? Phải chăng, những cú “share” trong thế giới ảo giờ đã mang ý nghĩa khác, không còn giữ được vẻ đẹp nhân văn vốn có của động từ "Share": Chia sẻ?
Khi thiếu nữ 15 tuổi tự tử bằng thuốc diệt cỏ, cũng có những comment bày tỏ lòng thương xót trên mạng xã hội, rằng: sao em dại dột quá, sao phụ công cha mẹ nuôi dưỡng, sao phải chết tức tưởi thế vì một kẻ chẳng ra gì? Tại sao sự đồng cảm quý báu ấy lại chẳng đến sớm hơn, giữa lúc cô bé suy sụp vì clip nóng lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, biết đâu đã cứu được một mạng người?
Trong một bức ảnh chụp lại facebook cá nhân của em, phía dưới những comment xỉ vả, người ta đọc được thủ bút sau cùng (nghi ngờ do chính nữ sinh viết trước khi tự tử). Cô gái nhỏ xin lỗi “tất cả mọi người”, lạy lục cầu xin cư dân mạng đừng bình phẩm (comment), đừng chia sẻ (share) clip, vì “em sắp không chịu đựng được nữa”.
Nhưng đáp lại lời khẩn cầu thể hiện nỗi đau đớn, xấu hổ và bế tắc đến tận cùng ấy vẫn chỉ là những comment chọc ghẹo, đùa giỡn hoặc rủa xả lạnh lùng. Và cho đến tận lúc này, khi cô gái đáng thương đã ngủ yên trong lòng đất, dưới bất kỳ bài báo nào viết về em, cũng vẫn có những comment tàn nhẫn, thậm chí nhờ “share” cái clip đã cướp đi mạng sống của một con người.
Những cú "share" tàn nhẫn đã cướp đi sinh mạng của thiếu nữ |
Cũng từ câu chuyện của nữ sinh 15 tuổi, người ta thảng thốt nhận ra: Gần đây, có quá nhiều cái chết oan ức vì bị mạng xã hội góp phần “bức tử”, và nạn nhân đều là các thiếu nữ đang độ trăng rằm, cùng rơi vào thảm cảnh tương tự. Làm gì bây giờ? “Đóng cửa” mạng xã hội chăng? Tất nhiên là không thể khi mà cả thế giới đã xem nó là công cụ giao tiếp không thể thiếu. Cũng khó có thể ngăn cấm trai gái yêu nhau và “vượt rào” trước thời hạn bởi rõ ràng trẻ em bây giờ dậy thì từ rất sớm.
Vậy thì lẽ nào, chúng ta đành bất lực trước sức mạnh tiêu cực của mạng xã hội? Chúng ta buộc phải chấp nhận một thực tế là sống trong thế giới phẳng này, mọi bí mật riêng tư đều có thể bị phơi bày? Và thể nào cũng có thêm những cái chết oan ức vì đời tư, nhân phẩm bị thiên hạ rêu rao, chà đạp?
Xót thương cho kết cục của những thiếu nữ “nhẹ dạ cả tin”, không ít người lên án những gã trai đê hèn đã tung clip, ảnh “nóng” lên mạng nhằm trả thù người yêu. Thực tế, họ mới chỉ lên án hành vi phạm tội, tức là bề nổi của tội ác chứ chưa nhìn thấu bản chất của vấn đề.
Giữa những comment thương xót muộn màng trên mạng xã hội, có một comment chỉ ra: “Hình như đàn ông Việt Nam chưa biết trân trọng người phụ nữ, cụ thể ở đây là người phụ nữ họ từng yêu!”. Nghe qua, có vẻ như đó là một kết luận “vơ đũa cả nắm” nặng nề, nhưng ngẫm kỹ thì thấy cũng có lý, nếu xét trên số lượng comment trêu ghẹo, miệt thị nữ sinh 15 tuổi được up lên chủ yếu bởi những người đàn ông.
Chưa kể, vì sao khi clip “nóng” được tung lên mạng, chỉ có người nữ xuất hiện trong clip là bị bôi nhọ, hạ nhục còn người nam, bạn trai của họ, thì chẳng hề hấn gì? Và vì sao các gã trai lại dám tung clip nóng của chính mình lên mạng? Phải chăng vì trong suy nghĩ, họ coi đó là chiến tích đáng để… khoe? Họ tung clip lên mạng vì cầm chắc trong thế giới ảo luôn có những kẻ “cùng một giuộc” chắc chắn sẽ lao vào bình phẩm, cười cợt và… “share” tiếp? Mạng xã hội – công cụ giao tiếp đã bị biến thành công cụ “gây án” theo cách quá dễ dàng!
Đáng sợ ở chỗ, không thể kết án họ giết người, mà chỉ có thể kết tội tàng trữ, loan truyền văn hóa phẩm đồi trụy, giao cấu với trẻ em… với khung hình phạt đôi khi chưa thực sự thỏa đáng. Còn bộ phận a dua kia thì tất nhiên không bị xử, vì đơn giản chẳng có cách nào xử hết. Và nếu như không muốn, họ cũng có thể tự cho mình “vô can” trong tòa án lương tâm.
Thật buồn khi nhận ra, mạng xã hội sinh ra là để kết nối nhân loại, nhưng cái không ít người đang đánh mất lại chính là… tình người, và chỉ bằng một lần “share”.
Có những cú “share” cứu cả ngàn cây xanh Hà Nội.
Có những cú “share” cứu cả một vụ dưa hấu “mất giá”.
Nhưng có những cú “share” cướp đi sinh mạng một con người.
Hãy dừng lại một giây thôi, để nghĩ trước khi “share”!
SÔNG THAO