Quán nhỏ nằm sau chợ Bà Chiểu, không tên nhưng lại cực nổi tiếng, được các lứa học trò gọi chung là "quán 47". Đến đây, ngoài việc ăn ngon, giá rẻ, thì phải kể đến cả màn tính tiền đi vào... huyền thoại mà thế hệ học sinh nào cũng nhớ mãi.
Xem video:
[mecloud]XcNRDhJKNF[/mecloud]
Nằm trong một con hẻm nhỏ phía sau lưng chợ Bà Chiểu, nối liền ra đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, quán ăn vặt ở số 47 Phó Đức Chính từ bao lâu nay đã là điểm đến quen thuộc của nhiều thế hệ học trò. Có những người đã mài đũng quần ở quán từ những năm còn đeo khăn quàng đỏ, cho đến khi học hết cấp 3, lên Đại học... nhưng vẫn quay về quán tìm lại những hương vị và kỉ niệm tuổi học trò.
Quán nhỏ không tên được các lứa học trò gọi chung là "quán 47". Quán 47 có đủ món ăn vặt mà giới trẻ khoái khẩu như phá lấu, bắp xào, há cảo, cá viên... Cách đây 10 năm, thực đơn của quán dài sọc những tên gọi các món ăn với giá chỉ 1 nghìn, 2 nghìn/ dĩa. Theo thời giá và sự phát triển của xã hội, các món ăn phải tăng dần từ 5 nghìn lên 8 nghìn, và đến bây giờ mức giá của mỗi món ăn vẫn giữ ở mức từ 8 nghìn - 15 nghìn/ dĩa tùy món. Quán mở cửa từ 14h chiều nhưng đến 17h là thời gian đông khách nhất do nhiều tốp học sinh ghé đến sau khi tan trường.
Quán luôn có 4 đến 5 nhân viên phục vụ. |
Đến quán 47, ngoài việc ăn ngon, giá rẻ, thì không thể kể đến màn tính tiền đi vào... huyền thoại mà thế hệ học sinh nào cũng nhớ mãi. Đến bây giờ, thỉnh thoảng nhiều khách lần đầu tiên đến quán, khi ăn uống no say, gọi tính tiền thì lập tức bị "choáng" vì cô chủ quán tính nhẩm siêu hay, đọc "rap tính tiền" siêu nhanh đến chóng mặt, khi dứt lời thì cả bàn vỗ tay rần rần tán thưởng.
Cô chủ quán tên là Nguyễn Thị Nghĩa, 53 tuổi, thường được gọi là cô Mười. Cô là người gốc Bắc vào Sài Gòn đã lâu, dù chỉ học đến lớp 9 nhưng khả năng tính toán của cô khó ai có thể bì lại. Các nhân viên ở đây tính tiền không thể nhanh hơn cô chủ. Khách luôn thắc mắc vì sao cô ấy có thể nhìn từng chiếc dĩa trên bàn và đọc vanh vách không vấp một con số nào, khi cộng lại thì hoàn toàn chính xác? Những khi được hỏi "bí quyết", cô đều chỉ có một câu trả lời duy nhất: "Vì cô quen rồi...".
Thời đi học, cô Mười rất... dốt Toán, cô nói rằng cô chỉ thích học Văn, nhưng sau này do cuộc sống đưa đẩy, phải bươn chải với nhiều công việc kinh doanh, buôn bán, nên dần dà cô học được cách tính nhẩm rất nhanh và hầu như chưa bị nhầm lẫn bao giờ. Khách đến quán 47 đa số đều giữ im lặng và cả... nín thở khi đến tiết mục "tính tiền" đặc sắc ở quán này.
Thành Trung, học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh sau khi chứng kiến màn đọc rap của cô chủ thì há hốc mồm, nói: "Lần đầu tiên mình thấy một người có thể tính tiền nhanh đến thế, mình hoàn toàn không nghe rõ cô ấy cộng cái gì với cái gì, nhưng lúc nhóm mình tính lại thì đúng như cô ấy tính".
Còn Kim Thoa, SV Đại học Công nghệ TP.HCM thì chia sẻ: "Nhìn cô ấy tính tiền mà mình muốn... đứt hơi thay cho cô luôn. Sao mà siêu thế không biết!"
Các học sinh đến đây đều rất quý cô Mười chủ quán vì cô phục vụ mọi người rất tận tình. "Có nhiều nhân viên lắm nhưng cô lúc nào cũng hỗ trợ các chị nhân viên, cô bưng bê, lau chùi bàn ghế, không câu nệ gì cả. Lâu lâu cô còn hỏi chúng mình ăn có vừa miệng không, khách ở đây đến một lần là cô cũng nhớ mặt, lần sau đến cô niềm nở tiếp đón, thấy thích lắm", một học sinh lớp 11 trường THPT Võ Thị Sáu chia sẻ.
Ngày trước, quán của cô Mười có khoảng 2 nhân viên nữ cũng có khả năng tính nhẩm và "đọc rap" như cô, tuy nhiên 2 cô gái này đã nghỉ việc để đi lấy chồng và lo công việc riêng nên hiện tại trong quán chỉ còn mình cô có thể tính tiền nhanh như vậy. Cô chia sẻ: "Mấy đứa nhân viên ngày trước cô chỉ mấy lần là biết cách nhẩm liền, có đứa còn tính nhanh hơn cô ấy chứ. Còn các bé nhân viên bây giờ tuy dễ thương, thật thà nhưng hơi nhát và chậm nên cô có "truyền nghề" thì các em cũng không biết cách nói".
Trước đó, cô Mười bán nước, bán chè ở Hồ Con Rùa, quận 1. Sau này cô mới chuyển về quận Bình Thạnh mở quán ăn vặt tại nhà. Thời đó, quán của cô rất "hot" trong giới học trò vì thực đơn đa dạng những món ăn khoái khẩu dành cho học sinh. Bếp nấu ngay tại cửa ra vào nên có thể nhìn thấy khâu chế biến đảm bảo vệ sinh, ngon miệng, đã mắt, học trò nào đi qua cũng nhìn vào thèm thuồng nên rủ bạn bè đến ăn cho đông vui.
Cô Mười nói, ngày xưa học trò đến quán đông hơn bây giờ nhiều. Bây giờ các em có nhiều sự lựa chọn hơn vì xuất hiện nhiều quán Hàn, quán Nhật, đời sống cũng được nâng cao nên học sinh thích ngồi hàng quán sang trọng hơn để uống trà sữa, ăn kem, cafe. Vì lẽ đó nên các món ăn vặt vốn gắn bó với biết bao thế hệ học trò ngày trước, nay chỉ còn một số ít học sinh thích ăn.
"Cô cũng nghiên cứu đủ cách để tìm ra những món thích hợp với học sinh bây giờ nhưng không cạnh tranh nổi, đành quay về bán mấy món... truyền thống bất hủ này vậy! Ngày xưa cô bán đá me ở Hồ Con Rùa đắt khách lắm, giờ tụi học trò hổng thèm uống đá me nữa, nghĩ cũng buồn", cô cười hiền, chia sẻ.