(ĐSPL) - Nhiều người có sức khỏe nhưng không lao động mà giả tàn tật, giả khó khăn để lợi dụng lòng tốt của người khác là rất đáng lên án.
Điển tích về thành ngữ “cá chuối đắm đuối vì con” kể rằng: Cá chuối mẹ bất chấp mạng sống, ngày ngày quăng mình lên bờ, nằm chờ đàn kiến bâu vào, rồi quẫy mình xuống nước để đàn con có cái ăn. Khi nằm trên cạn, số phận con cá chuối vô cùng mong manh.
Rồi một hôm, cá chuối mẹ nhảy lên quá xa bờ, nó lại chờ cho đàn kiến bu đến đông, da khô rộp cả, nó bèn vội vàng nhảy xuống. Nhưng lúc ấy, kiệt sức, nó giãy lung tung. Đến khi tìm được ao thì cá chuối đã chết, nó chìm xuống tận đáy, đến chiều thì nổi lên. Biết chuyện cá chuối mẹ chết, con cóc thương xót mới nói rằng: Chị cá chuối này mới đáng thương làm sao, tận tình với con, đắm đuối vì con mà chết.
Nhiều người đã lợi dụng và bôi bẩn lòng tốt như đối tượng Đinh Thị Lệ (đang bế em bé bị ung thư). |
Giai thoại về nhà văn Nga Arkađi Gaiđa kể rằng: Một lần, tại ga xe lửa Matxcơva, cảnh sát đã bắt được quả tang một gã đạo chích khi gã đang thò tay vào túi một chàng sinh viên. Anh này đang loay hoay lộn hết túi trong tới túi ngoài để tìm tiền mua vé tàu, thì thừa cơ, gã đạo chích đứng phía sau đã luồn tay vào túi anh ta... Viên cảnh sát hỏi chàng sinh viên: “Anh thử kiểm lại các túi xem có mất gì không?”.
Anh sinh viên lục lại khắp người một lượt nữa. Bất chợt anh giơ lên tờ 10 Rúp, kêu to với vẻ hết sức ngạc nhiên: “Lạ nhỉ! Đây không phải của tôi. Tôi làm gì có số tiền lớn đến thế này. Ai đã nhét vào túi tôi thế không biết?”.
Người đàn ông bị nghi là kẻ móc túi ấy chính là nhà văn Arkađi Gaiđa.
Thế giới này luôn đầy ắp những câu chuyện về lòng tốt, về tình người, tình mẫu tử.
Ai qua lại hoặc đang mưu sinh ở bến xe Giáp Bát, Hà Nội, dạo này đều nhói lòng trước cảnh một bà mẹ bế con nhỏ, nói là cháu bị ung thư máu, lang thang, vật vờ để xin tiền chữa bệnh. Nhìn cảnh cháu bé, máu loang lổ một bên tai trên tay người mẹ tiều tụy, không ít người đã giúp đỡ bằng tiền. Có nhiều người còn cảm thương đi xin tiền hộ người mẹ.
Kinh khủng thay, đó chỉ là chiêu lừa xảo quyệt của người đàn bà tự xưng là mẹ kia.
Người “mẹ” ở bến xe Giáp Bát trong câu chuyện này đương nhiên không phải là con cá chuối, bởi vì ả đã giả dối để lừa đảo những tấm lòng bác ái.
Thời nay, tuy người ta không còn lạ lẫm với những hành động đầy dã tâm như dùng trẻ con để cầu xin lòng thương hại của mọi người, mà vẫn thường xuyên có người bị “mắc bẫy”. Việc này có thể được diễn giải rằng họ biết mình có thể bị lừa, nhưng sự xúc động quá đỗi trước nghịch cảnh bi ai “nhân tạo”, đã chiến thắng nỗi nghi hoặc trong lòng.
Dù thế nào, đó vẫn là bản tính, là sự lên ngôi của lòng nhân hậu hay sự tương thân, tương ái. Trong bối cảnh mà cách cư xử của con người có những gam màu xám thì lòng nhân hậu, sự tương thân có giá trị chỉ lối.
“Cá chuối đắm đuối vì con” là thành ngữ gây xúc động, nói về tình mẫu tử.
Nhưng chuyện “đóng kịch” để lừa đảo, lợi dụng những tấm lòng nhân hậu thì rất đáng lên án, quả là quá quắt, thực là “củ chuối”.
Theo thông tin trên báo Vietnamnet, Trưởng Công an xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên (Hà Nam) - ông Phạm Quang Khải - cho biết: "Người “mẹ” kể trên là Đinh Thị Lệ, đối tượng lừa đảo đang trốn khỏi địa phương, có biệt danh “Lệ lừa” đã gây nhiều điều tai tiếng”.
BÙI QUÝ
Xem thêm video: Chưa tìm thấy thiết bị phóng xạ thất lạc: Hiểm họa tiềm ẩn