NDTV đưa tin, chính phủ Malaysia mới đây đã công bố báo cáo giải mật về vụ tai nạn máy bay nổi tiếng vào năm 1976 khiến nhiều quan chức hàng đầu của bang Sabah thiệt mạng.
Các chính phủ trước đây đã từ chối giải mật kết quả điều tra về vụ tai nạn - được mệnh danh là Thảm kịch Double Six – bất chấp lời kêu gọi trong nhiều năm qua của các nhà lãnh đạo bang Sabah yêu cầu công khai báo cáo.
Truyền thông thế giới từng đồng loạt đưa tin về vụ tai nạn xảy ra vào ngày 6/6/1976, khi chiếc máy bay Air Nomad N-22B do Úc sản xuất, chở ông Tun Fuad Stephens, tân Thủ hiến bang Sabah lúc đó, cùng các quan chức khác, đã bị rơi khi chuẩn bị hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Kota Kinabalu. Toàn bộ 10 hành khách và phi công duy nhất đều thiệt mạng.
Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, các nạn nhân đang trên đường trở về từ đảo Labuan gần đó, sau cuộc họp với các đối tác liên bang để đàm phán về các điều khoản cho phép khai thác trữ lượng hydrocarbon khổng lồ của Sabah để phát triển ngành công nghiệp dầu khí quốc gia do tập đoàn năng lượng khổng lồ Petronas dẫn đầu.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Anthony Loke cho biết báo cáo về vụ tai nạn hiện đã được đăng tải công khai trên trang web của Bộ Giao thông vận tải, theo đó gia đình các nạn nhân cuối cùng cũng có thể biết chuyện gì đã xảy ra sau 47 năm chờ đợi.
Theo báo cáo, phi công 42 tuổi của hãng hàng không Sabah Air không chịu ảnh hưởng bởi ma túy hay rượu. Tuy nhiên, một trong số các cuốn nhật ký lịch trình của ông này bị đốt cháy và một cuốn khác bị đánh cắp.
Hồ sơ cho thấy hiệu suất và thành tích đào tạo của phi công là “kém”. Các bằng chứng cũng cho thấy ông mệt mỏi và có dấu hiệu rối loạn dạ dày. Người này đã bay hai chuyến trong ngày và thời gian làm việc đã vượt quá ngưỡng cho phép hơn 1 giờ.
Bên cạnh đó, trên máy bay lúc đó có 2 phi công nhưng một người đã bị cho nghỉ để nhường chỗ cho hành khách. Máy bay chở thêm hành lý của một chuyến bay khác cất cánh trước đó và việc bốc xếp hàng không đúng cách đã ảnh hưởng đến trọng tâm của máy bay. Cũng theo kết quả điều tra, không có bằng chứng máy bay bị hỏng hóc, bị phá hoại hay cháy nổ.
“Mọi sự cố hay tai nạn máy bay đều phải được điều tra một cách minh bạch và kỹ lưỡng để có thể tạo niềm tin toàn cầu vào khả năng của Malaysia trong việc xây dựng một ngành hàng không đáng tin cậy đáp ứng các tiêu chuẩn cao”, ông Loke cho biết.
Mộc Miên (Theo NDTV)