+Aa-
    Zalo

    “Mái ấm” của những mảnh đời bất hạnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong tình yêu thương bao la, vô bờ bến của những vị sư cô vừa làm cha, vừa làm mẹ ở chùa Đức Sơn, hàng trăm số phận tưởng chừng bị cuộc đời chối bỏ ấy đã lớn lên...

    Trong tình yêu thương bao la, vô bờ bến của những vị sư cô vừa làm cha, vừa làm mẹ ở chùa Đức Sơn, hàng trăm số phận tưởng chừng bị cuộc đời chối bỏ ấy đã lớn lên và trưởng thành. Thay bằng những nỗi buồn, ở ngôi chùa này, người ta chỉ nhìn thấy những niềm vui và niềm hạnh phúc.

    Mối lương duyên đặc biệt

    Nghe được câu chuyện cảm động về mái ấm tình thương này, chúng tôi quyết định vượt hơn 8km từ thành phố Huế đến với chùa Đức Sơn, tọa lạc thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Theo sự chỉ dẫn của người dân ở đây, chúng tôi men theo con đường lởm chởm đất đá thuộc thôn Cư Chánh và tìm đến với chùa Đức Sơn.

    Đứng ngoài cổng chùa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng cười nói, ríu rít vui đùa của lũ trẻ. Hôm ấy là Chủ Nhật, bọn trẻ không phải đến trường nên các em có thời gian ở chùa vui chơi, phụ giúp các sư cô việc trong chùa. Thấy có người lạ đến, một sư cô lớn tuổi ở trong niềm nở tiếp đón và mời chúng tôi vào trong. Hỏi ra mới biết đó chính là sư cô trụ trì chùa Thích Nữ Minh Tú.

    Sư cô kể rằng, chùa Đức Sơn trước đây vốn chỉ là một Niệm phật đường nhỏ từ huyện Nam Đông chuyển về. Năm 1986, chứng kiến cảnh cha mẹ các cháu bị tai nạn do bom mìn, đói khổ, bệnh tật, bọn trẻ còn quá nhỏ, không cha không mẹ, không nơi nương tựa khiến cho các sư cô rất đau lòng. Từ đấy, nhà chùa đã hình thành trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thiện nguyện.

    Lúc đầu chỉ 3-5 em, sau số lượng gia tăng, hiện chùa đang nuôi dưỡng hơn 150 em. Chính vì vậy, việc nuôi dạy các em đối với các sư cô ở đây cũng gặp không ít khó khăn, vất vả. Mỗi em đến đây đều có hoàn cảnh khác nhau: Bị bỏ rơi lúc mới sinh, bố mẹ chết sớm hoặc bị tâm thần, mất khả năng nuôi dưỡng... Bằng tình yêu thương của các sư cô, các em được nuôi dưỡng, học hành đầy đủ.

    Mái ấm hạnh phúc

    Được sự chỉ dẫn của sư cô Thích Nữ Liên Bình, chúng tôi đi thăm chỗ ở của các em. “Các trẻ em ở đây căn cứ vào độ tuổi, giới tính và tình trạng bệnh tật mà chùa bố trí chỗ ở. Nam, nữ, trẻ sơ sinh, hay trẻ bị khuyết tật bẩm sinh đều ở dãy nhà riêng", sư cô cho biết.

    Đến khu sinh hoạt chung của trẻ, chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào một lớp học mẫu giáo. Thấy có người lạ đến cho quà, các em vòng tay lại chào và cảm ơn. Nghe bọn trẻ ríu rít, chúng tôi cảm nhận được sự vui vẻ, bình yên của những đứa trẻ thiệt thòi may mắn được cưu mang nơi đây.

    Theo sư cô Liên Bình, hầu hết các em khi bị bỏ rơi đến đây đều không có họ tên, quê quán, ngày tháng năm sinh rõ ràng nên được chùa đặt theo họ của Đức Phật. Bé trai thường đặt họ là “Cù Thiện”, còn bé gái được đặt họ là “Kiều Thiện” để mong các em luôn có được cái tâm thiện lương.

    Tại mái ấm này, các em được nuôi dạy như một gia đình lớn, hàng ngày ngoài giờ lên lớp, các em còn được học phụ đạo, học võ, học bơi. Những em có năng khiếu được học nhạc, máy tính...

    Cùng giúp đỡ các sư cô ở chùa chăm sóc các trẻ em còn có các cô bảo mẫu, bác sĩ và các bạn sinh viên tình nguyện. Mọi chi phí hoạt động ở đây đều nhờ vào sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện.

    Bên cạnh đó, chùa đã và đang phát triển cơ sở: Vườn rau sạch, quán cơm chay và se nhang... không chỉ cho các em lớn biết cách làm vườn, nấu cơm chay, phục vụ bàn mà còn giúp các em khuyết tật biết tham gia lao động.

    Cũng giống như bao bạn bè khác, em Nguyễn Thị Hiền Lương, 14 tuổi, bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng và được các sư cô ở trong chùa cưu mang.

    “Các sư cô ở đây như những người cha người mẹ vậy, luôn chăm lo cho chúng em từ bữa ăn, cái mặc cho đến việc học hành, dạy cho chúng em những điều hay lẽ phải. Ngoài giờ lên lớp, em cũng thường xuyên phụ các sư cô làm các công việc nhà, chăm sóc trẻ sơ sinh để đỡ đần phần nào công việc của họ”, em Lương xúc động nói.

    Hàng ngày, khi mà những đứa trẻ vẫn còn đang say giấc, các sư cô phải thức dậy vào lúc 4h để lo việc Phật sự, sau đó, vào bếp chuẩn bị bữa sáng rồi tắm rửa, thay tã... cho các em nhỏ.

    Việc chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ của những bậc làm cha làm mẹ đã khó khăn thế nhưng với những người xuất gia ở đây, họ xem không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu thương, sự nâng niu đối với mảnh đời bất hạnh.

    Bên cạnh việc chăm lo cho các em từ cái ăn, các mặc đến việc học hành, các sư cô hướng các em đến những suy nghĩ và việc làm thiện, dạy dỗ các em những điều hay lẽ phải, nhất là tình đoàn kết, thương yêu lẫn nhau.

    “Mong muốn lớn nhất của tôi là các cháu được khỏe mạnh và trưởng thành. Nhưng sâu xa hơn, tôi vẫn muốn những bậc sinh thành hãy nghĩ tới cuộc đời các cháu để các cháu đỡ đi phần nào sự thiệt thòi trong cuộc sống, để chúng lớn lên có ích cho xã hội và không cảm thấy mặc cảm về thân phận của mình”, sư cô Thích Nữ Minh Tú cho hay.

    Hoàng Lộc

    Bài đăng ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 185

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mai-am-cua-nhung-manh-doi-bat-hanh-a301756.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan