+Aa-
    Zalo

    “Mafia làng”, nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp đi làm ăn xa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nếu không chịu “nộp lệ phí", bản thân doanh nghiệp hay các gia đình sẽ bị “mafia làng” gây khó dễ, đập phá đồ đạc hoặc đánh người gây thương tích.

    (ĐSPL) - Nếu không chịu “nộp lệ phí” cho “mafia làng”, bản thân doanh nghiệp hay các gia đình sẽ bị nhóm này gây khó dễ, đập phá đồ đạc hoặc đánh người gây thương tích. Đó đang là một thực tế đáng báo động ở nhiều vùng quê Quảng Bình.

    Trong một phiên tòa xét xử vụ án giết người và cưỡng đoạt tài sản mới đây của TAND tỉnh Quảng Bình, các bị cáo chính là những thanh niên “vô công rồi nghề” ở vùng quê nghèo xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát luôn nhắc đi nhắc lại chính thói côn đồ, lòng tham của việc “siêng ăn nhác làm” đã đẩy những thanh niên tưởng chừng như chân chất thôn quê ấy vào vòng tù tội.

    Tự mình đặt ra “luật rừng”, tự cho rằng mình là người bản địa nên nắm quyền sinh quyền sát trong tay, từ đó kết bè kết phái tìm cách “làm tiền” của các doanh nghiệp hoặc những gia đình có ý định làm ăn tại đây. Và cái chết đầy oan uổng của ông Hồ Đức M., chủ một doanh nghiệp ở Bình Định đến khai thác ti tan tại xã Sen Thủy cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều thanh niên địa phương ngông cuồng và coi thường pháp luật.

    Cái giá phải trả cho các bị cáo vì tính côn đồ và coi thường pháp luật.

    Chuyện xảy ra vào trưa ngày 6/6/2015, sau khi đi dự đám cưới về cả nhóm gồm: Lê Đức Điền, Hồ Văn Nhuận, Lê Hữu Niệm, Lê Văn Tỉnh và Hồ Văn Trung, đều trú tại xã Sen Thủy tiếp tục đến nhậu tại một quán rượu ở trong xã. Tại đây, cả nhóm bàn nhau gọi điện xin tiền một số doanh nghiệp khai thác quặng titan đóng trên địa bàn xã và được vài doanh nghiệp đồng ý cho.

    Trong lúc đi qua gia đình ông Hồ Đức M., cũng là một doanh nghiệp khai thác quặng đóng trên xã, cả nhóm liền chạy thẳng vào nhà yêu cầu ông M. ra cho tiền để mua một thùng bia. Thấy ông M. không ra, Điền liền chửi tục và đe dọa lấy lốp xe, bẻ kính và gây khó khăn khi xuất quặng. Đang ngủ, nghe tiếng chửi bậy ông M. đi ra cầm thanh gỗ ở vách lán rượt đuổi Điền ra ngoài cổng.

    Thấy Điền bị đuổi ra khỏi cổng, cả nhóm bàn nhau quay lại để “dằn mặt” ông M. Khi đến nơi, Điền, Niệm và Nhuận liền xông vào dùng thanh gỗ đánh trả lại ông M. Sau một hồi giằng co, ông M. thấy mình bị đuối sức nên chạy vào chiếc ô tô gần đó đóng cửa để lánh nạn. Thấy nạn nhân bỏ chạy, cả nhóm cũng lập tức bỏ đi.

    Ngay sau đó, bà Lê Thị Kim L. (vợ ông M. - PV) đưa ông M. vào nhà nghỉ thì thấy ông co giật, sùi bọt mép và đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, ông M. đã tử vong trên đường đưa đến bệnh viện.

    Đến bây giờ, gần một năm sau cái chết của chồng mình, bà Lê Thị Kim L. vẫn còn nguyên đau xót và bức xúc khi nhắc đến những người đã gây ra cái chết của chồng.

    Khi hậu quả đáng tiếc xảy ra thì nhiều doanh nghiệp mới đứng lên nói sự thật.

    Bà L. kể lại: “Những người này họ quá tham lam, vì mấy ngày trước đó chúng tôi cũng đã cho họ tiền rồi. Thử hỏi, họ có làm việc gì cho chúng tôi đâu mà đến đòi tiền. Sáng hôm xảy ra sự việc, họ vào nhà tôi mà gọi chồng tôi đáng tuổi cha, chú họ bằng thằng này, thằng nọ rồi ngang nhiên xin tiền. Thử hỏi với thái độ như vậy, ông nhà tôi không bức xúc làm sao được. Không xin được thì họ đe dọa, thách thức để tiệt con đường làm ăn của chúng tôi”.

    Bức xúc của bà L. cũng đã phần nào phản ánh được một thực tế ở các làng quê hiện nay. Đám trai làng trong xã không có trình độ, không có việc làm, lêu lổng, tụ tập nhậu nhẹt, quậy phá. Đáng chú ý là bị cáo cầm đầu trong vụ án này là Lê Đức Điền chỉ mới học hết lớp 1 và không có nghề nghiệp gì. 

    Sau cái chết tức tưởi của ông M., ba bị cáo Điền, Niệm, Nhuận bị trừng phạt tổng cộng 46 năm tù, nhưng nỗi đau, mất mát của gia đình bị hại thì vẫn còn mãi. Và điều đáng nói đằng sau đó là những hành động côn đồ, coi thường pháp luật của một đám trai làng làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của một địa phương cũng như để lại nỗi sợ hãi cho các doanh nghiệp khi có ý định đến làm ăn tại đây.

    Một giám đốc doanh nghiệp (xin được dấu tên) khai thác titan ở xã Sen Thủy cho hay: "Việc nhóm người này trộm cắp, gây gỗ, “xin đểu”, đập phá xe cộ, chặn đường đánh dằn mặt đã trở thành chuyện cơm bữa ở đây. Nhưng vì muốn yên chuyện để làm ăn và sợ bị trả thù, nhiều doanh nghiệp đành phải chi tiền cho cái khoản gọi là “luật rừng” này mà không dám tố cáo lên cơ quan chức năng".

    Mới đây nhất vào đêm 11/3, do không chịu nghe lời và đóng phí “bảo kê” khi thuyền của gia đình khai thác trên sông Long Đại, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, gia đình ông Lê Thanh C. (52 tuổi, ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh) đã bị một nhóm côn đồ xông vào nhà đập phá.

    Ông C. cho biết: “Cả gia đình tôi đang ngủ thì có 2 đối tượng người cùng thôn bất ngờ xông vào nhà dùng đá đập phá am thờ của gia đình. Phá xong, hai đối tượng này còn lấy luôn am thờ ném vào nhà khiến các kính cửa của nhà tôi vỡ tung toé. Bên ngoài đường, khoảng 10 đối tượng mang hung khí đến đứng chửi bới, phá cửa quán của con trai tôi. Chúng còn lớn tiếng doạ giẫm gia đình tôi".

    "Nguyên nhân cũng tại lâu nay khi thấy gia đình tôi có một cái thuyền nhỏ khai thác cát trên sông Long Đại, bọn chúng đã đánh tiếng bắt gia đình tôi nộp tiền lệ phí, tiền “bảo kê” nhưng tôi cương quyết không nộp nên chúng mới đến đập phá nhà tôi như thế”, ông C. bức xúc nói.

    Đập phá nhà cửa để “dằn mặt”khi người dân không chịu nộp “lệ phí”.

    Cũng theo lời ông C., bất cứ thuyền của hộ dân nào khai thác cát trên sông Long Đại đều phải qua một “trạm thu phí” của đám côn đồ này và đóng tiền từ 200.000 đồng/thuyền.

    Trao đổi về sự việc trên, Đại tá Đoàn Thanh Tuyên, Trưởng Công an huyện Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo về việc một nhà dân trên địa bàn bị đập phá trong đêm và đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc. Còn những hành vi của đám người này như thế nào thì cần phải điều tra nên chưa thể kết luận được".

    Vụ việc ở huyện Lệ Thủy, hay ở huyện Quảng Ninh chỉ là những vụ việc cụ thể khi hậu quả đã xảy ra và người dân không còn cách nào khác là lên tiếng để tìm sự giúp đỡ. Nhưng còn biết bao con người, doanh nghiệp khi đi làm ăn xa ngoài việc nỗ lực để làm ăn thì họ lại phải gồng mình chống chọi với cái gọi là “mafia làng” kia mà không dám lên tiếng bởi cái gọi là “phép vua thua lệ làng”.

    Cái “lệ làng” mà một bộ phận nhỏ đám người địa phương đang đặt ra giống như một cơn gió độc, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời không chỉ mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn mà còn ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư vào các địa phương.

    Xuân Hương

    [mecloud]NbwDZPIz8m[/mecloud]


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mafia-lang-noi-am-anh-cua-cac-doanh-nghiep-di-lam-an-xa-a122887.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.