Nếu bị viêm cấp tính mà không điều trị triệt để sẽ dẫn tới áp xe tuyến tiền liệt; còn nếu không điều trị đúng cách, dễ bị nhiều biến chứng như nhiễm trùng máu, viêm nội mạc cơ tim, bí tiểu cấp tính, viêm mào tinh hoàn...
Tuổi trẻ dẫn lời của PGS.TS. Vũ Lê Chuyên - Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM - cho biết, tuyến tiền liệt là một cơ quan nằm ở cổ bàng quang, bao quanh đoạn đầu của niệu đạo. Tuyến tiền liệt có chức năng giúp kiểm soát nước tiểu và sản xuất một số chất có trong tinh dịch. Viêm tuyến tiền liệt rất thường gặp ở đàn ông ở độ tuổi trung niên, có hoạt động tình dục.
Theo PGS Chuyên, nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính là do nhiễm trùng từ niệu đạo, nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm trùng qua quan hệ tình dục, có khi bị nhiễm trùng qua đường máu (ít gặp)... Nếu bị viêm cấp tính mà không điều trị triệt để sẽ dẫn tới áp xe tuyến tiền liệt. Còn nếu không điều trị đúng cách, dễ bị nhiều biến chứng như nhiễm trùng máu, viêm nội mạc cơ tim, bí tiểu cấp tính, viêm mào tinh hoàn...
Theo Sức khỏe & Đời sống, triệu chứng của bệnh viêm tuyến tiền liệt rất khó phát hiện vì nó có những điểm tương tự giống với một số bệnh như bệnh viêm nhiễm bàng quang hoặc niệu đạo. Viêm tuyến tiền liệt được chia thành 3 dạng với những triệu chứng điển hình khác nhau:
Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn cấp tính: Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn cấp tính xuất hiện rất bất ngờ với các biểu hiện: sốt; rét; cảm giác giống như cảm cúm; tuyến tiền liệt, phần dưới thắt lưng hoặc vùng sinh dục có cảm giác đau; tiểu rắt; đi tiểu khó khăn; đau khi xuất tinh; thỉnh thoảng trong tinh dịch hoặc nước tiểu có máu.
Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn mạn tính: Các triệu chứng ở dạng này gần giống với viêm tuyến tiền liệt cấp tính nhưng triệu chứng tiến triển chậm hơn. Đặc điểm của viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn là viêm kéo dài kèm theo các cơn đau từng đợt cách quãng. Sốt nhẹ, thường hay đi tiểu đêm và kéo theo cả viêm bàng quang tái phát cũng là những biểu hiện thường thấy. Đau quanh háng, bụng dưới hoặc sau lưng. Đau dương vật hoặc tinh hoàn. Gặp khó khăn trong việc cương dương…
Viêm tuyến tiền liệt là căn bệnh rất phổ biến ở nam giới. Ảnh: Trí thức trẻ |
Trường hợp viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn, nguyên nhân chủ yếu do nhiễm khuẩn từ dưới lên, kèm theo các bệnh hoa liễu sau các cuộc giao hợp. Chủng loại vi khuẩn gây viêm tuyến tiền liệt mạn tính thường là E.coli, ngoài ra còn các loại vi khuẩn khác có thể gây bệnh nhưng ít hoặc hiếm gặp hơn như clamydia, gonocoque, vi khuẩn lậu...
Biến chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn tính tùy thuộc vị trí tổn thương viêm: nếu ổ viêm ở chỏm tuyến tiền liệt sẽ phát triển thành những tổ chức xơ, gây ra tiểu khó vì xơ cứng cổ bàng quang, nếu viêm ở vùng đáy sẽ gây ra những đợt viêm kịch phát, nguồn gốc của những đợt đau và chảy mủ không liên tục. Đôi khi bệnh nhân còn bị hoại tử, bị vôi hóa tuyến tiền liệt ở chỗ bị viêm nhiễm, xuất tinh ra máu.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do khuẩn: Biểu hiện và triệu chứng bệnh khá giống với viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn mạn tính, nhưng người mắc bệnh không bị sốt. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy đau ở giữa bìu và hậu môn, trục trặc trong việc phóng tinh… Tính chất khác nhau chủ yếu của viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do khuẩn là không thấy vi khuẩn khi làm xét nghiệm nước tiểu và trong dịch của tuyến tiền liệt. Đôi khi sẽ có các tế bào mủ trong nước tiểu.
Muốn phòng và tránh bệnh về tuyến tiền liệt, gây viêm, ung thư, mỗi quý ông nên thực hiện tối thiểu 3 việc quan trọng sau đây.
Một là, chú ý tập thể dục đúng cách
Theo các chuyên gia, việc tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng sức đề kháng, cải thiện quá trình tuần hoàn máu, từ đó giúp tuyến tiền liệt tiết dịch mạnh mẽ. Thông qua hoạt động này sẽ góp phần làm cho tuyến tiền liệt tự tiêu giảm các triệu chứng viêm rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tập thể dục cường độ quá cao cũng có thể gây xung huyết, làm tắc nghẽn tuyến tiền liệt, phù, vì vậy có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu tăng lên. Do đó, để đảm bảo việc tập đúng về bài tập và cường độ, cách tốt nhất là tuân theo lịch tập đều đặn 30 phút mỗi ngày.
Hai là, chú ý chế độ ăn uống hợp lý
Viêm tuyến tiền liệt chỉ là một nhánh nhỏ trong các bệnh về tuyến tiền liệt, nhưng nguy hiểm là ở chỗ nó có thể dẫn đến căn bệnh chết người.
Người viêm tuyến tiền liệt cần hạn chế đồ cay nóng. Ảnh: Sức khỏe Đời sống |
Trong những năm gần đây, tỉ lệ người mắc bệnh về viêm tuyến tiền liệt càng ngày càng cao, có thể xuất phát từ nguyên nhân áp lực công việc, các thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh. Vì vậy, để phòng tránh bệnh này, cách tốt nhất là điều chỉnh ngay thói quen ăn uống. Việc này sẽ mang lại tác dụng lớn trong việc phòng bệnh.
Những thực phẩm nên ăn
Nghiên cứu cho thấy những loại thực phẩm tốt nhất cho tuyến tiền liệt bao gồm: Cà chua, mơ, ổi, dưa hấu, đu đủ, nho đỏ... vì chúng chứa nhiều chất lycopene, đặc biệt là trong cà chua có hàm lượng chất này cao nhất.
Các loai hạt (quả óc chó, hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ…) cũng là một lựa chọn tốt. Một nghiên cứu của Giám đốc khoa tiết niệu lâm sàng Đại học Hamburg - Eppendorf (Đức) Bác sĩ Hartwig Hulande cho thấy, Uống vitamin E là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa bệnh viêm tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, trà cũng chứa nhiều chất có thể làm ức chế bệnh viêm tuyến tiền liệt. Các chất có trong trà gồm flavonols, catechins, có vai trò lớn trong việc phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt. Đây là lý do rất thích hợp cho nam giới duy trì đều đặn món đồ uống này.
Thực phẩm không nên tránh:
Thức ăn cay
Thức ăn cay như hành, tỏi sống, ớt cay, hạt tiêu và các món thức ăn cay khác có thể gây giãn mạch và tắc nghẽn, xung huyết khí quản. Vì vậy, một số bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính nếu có thói quen ăn uống cay thì nên tiết chế.
Rượu
Đối với những người trẻ thường xuyên uống rượu hoặc thậm chí nghiện rượu, đa phần đều có sự liên quan đến bệnh viêm tuyến tiền liệt sau này. Họ là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, khi đã có bệnh rồi thì khả năng điều trị khỏi rất thấp, vì thói quen uống rượu làm cho bệnh tiếp tục tái phát.
Ba là, duy trì tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc
Nam giới một khi đã bị bệnh về tuyến tiền liệt thường đi kèm với chứng lo âu và rối loạn cảm xúc. Chỉ cần họ biết rằng mình mắc bệnh là sẽ phải chấp nhận việc phải uống thuốc liên tục, vì thế sẽ dễ sinh ra mệt mỏi, căng thẳng và thất vọng.
Tuy nhiên, để chữa được bệnh này, bạn lại phải duy trì một tâm trạng vui vẻ, thoải mái, tin tưởng vào khả năng điều trị thì bệnh tình mới có thể giảm nhẹ. Vì vậy, việc cần thiết là bạn phải duy trì trạng thái cảm xúc tích cực, tự phải điều chỉnh tâm trạng của mình.
Vũ Đậu(T/h)