Diễn biến của sốt xuất huyết khi mang thai
Sốt xuất huyết khi mang thai là tình trạng nguy hiểm cần được theo dõi và xử trí kịp thời đúng cách để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm cho cả thai phụ và em bé. Lý do là vì khi mang thai, virus gây bệnh sốt xuất huyết có khả năng nặng gây bệnh nặng hơn do sức đề kháng yếu. Thêm nữa, quá trình theo dõi, điều trị bệnh nhân mang thai có phần khó khăn hơn.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Lê Thị Hiếu – Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến suy tuần hoàn do giảm thể tích, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng và có thể tử vong.
Sốt xuất huyết Dengue ở phụ nữ mang thai có thể gây nguy hiểm tới tính mạng mẹ và con. Diễn biến có sốt xuất huyết khi mang thai nhanh, gồm 3 giai đoạn sau:
- Giai đoạn sốt: Bệnh nhân sốt cao đột ngột, liên tục kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Người bệnh có thể chảy máu dưới da, chân răng, chảy máu cam, mệt mỏi.
- Giai đoạn nguy hiểm: Thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Giai đoạn này người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt. Đây được cho là giai đoạn nguy hiểm vì các biến chứng xảy ra ở giai đoạn này.
- Giai đoạn hồi phục: Sau 1 – 2 ngày của giai đoạn nguy hiểm, người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định, tiểu nhiều.
Sốt xuất huyết ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi ra sao?
Cơ thể phụ nữ mang thai có sức đề kháng yếu nên dễ nhiễm bệnh và bệnh nặng nhất, đặc biệt là khi mắc sốt xuất huyết ở thời kỳ đầu và cuối thai kỳ. Đáng chú ý, bệnh còn có thể truyền từ mẹ sang thai nhi dù tỷ lệ rất nhỏ.
Theo VietNamNet, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra sản phụ mắc sốt xuất huyết ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi vì tăng nguy cơ sinh non, sảy thai và băng huyết. Đó là những biến chứng thường gặp và đáng ngại nhất. Lưu ý, sốt xuất huyết không gây dị tật thai nhi.
Nguy cơ tiền sản giật, sảy thai thường xảy ra khi mắc sốt xuất huyết ở những tháng đầu thai kỳ. Ở cuối thai kỳ, thai phụ tăng nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân. Đặc biệt lo ngại khi chuyển dạ, sốt xuất huyết có thể gây xuất huyết nhiều, băng huyết sau sinh, nguy cơ tử vong cả mẹ và con.
Do đó, thai phụ cần được theo dõi chặt chẽ tại các bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ điều kiện xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ và sau sinh cho cả mẹ và em bé.
Biểu hiện của sốt xuất huyết trên phụ nữ mang thai có các đặc điểm lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nặng đến nhẹ như mọi đối tượng khác. Đầu tiên là sốt cao đột ngột, có thể kèm theo run rẩy. Người bệnh đau đầu dữ dội, đau mỏi người, nhức hốc mắt, ăn uống kém, buồn nôn, cơ thể sẽ bị mất nước, khát nước, tiểu ít...
Bệnh nhân xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, ra máu.
Một số triệu chứng như cô đặc máu, tăng nhẹ men gan, giảm nhẹ tiểu cầu cũng xuất hiện ở tình trạng thai kỳ bình thường, do đó sốt xuất huyết dễ bị bỏ qua với phụ nữ mang thai. Bệnh còn dễ bị nhầm lẫn với hội chứng HELLP (hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu ở thai phụ).
Khi mắc sốt xuất huyết, thai phụ nên đến các bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và nhập viện trong trường hợp cần thiết.
Khi nào phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết cần phải nhâp viện?
Nếu thấy có các dấu hiệu sau, thau phụ mắc sốt xuất huyết Dengue phải được đưa đến bệnh viện ngay: Vật vã, lừ đừ, li bì; Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; Gan to; Nôn nhiều; Xuất huyết niêm mạc; Tiểu ít; Xét nghiệm cho thấy máu biểu hiện cô đặc, tiểu cầu giảm nhanh.
Bệnh nhân có sốt xuất huyết Dengue nặng phải nhập viện điều trị tích cực khi có các triệu chứng sau: Bệnh nhân sốc (vật vã, li bì, lạnh đầu chi, da ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, kẹt); Xuất huyết nặng (chảy máu cam, chảy máu tiêu hoá, chảy máu âm đạo…); Suy tạng.
Ngoài các dấu hiệu trên, phụ nữ mang thai cần lưu ý thêm các dấu hiệu dưới đây:
- Thai ít máy, ra máu âm đạo, đau bụng cơn và bụng co cứng liên tục, đau dữ đội có thể triệu chứng của suy thai, rau bong non, sinh non, trẻ sinh nhẹ cân.
- Trong lúc chuyển dạ trẻ có thể bị suy thai cấp. Khi người mẹ có chỉ định sinh mổ thì có nguy có chảy máu nặng đe dọa đến tính mạng.
- Không có bằng chứng khoa học có sự truyền virus Dengue từ mẹ sang con khi trong bào thai khi chưa có chuyển dạ.
- Trong lúc chuyển dạ mẹ bị sốt xuất huyết Dengue có thể em bé sẽ bị sốt trong một, hai tuần tuổi, điều đó rất khó khăn để điều trị.
Với em bé, cần lưu ý các dấu hiệu gồm sốt cao từ 40 độ C trở lên hoặc hạ nhiệt độ dưới 36 độ C, cáu gắt, kích động hoặc li bì, bỏ bú, phát ban.
Điều trị sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai
Khi mắc sốt xuất huyết, phụ nữ mang thai cần được chăm sóc và theo dõi sức khỏe chặt chẽ, tránh chuyển nặng nhanh chóng, bất thường. Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine dự phòng và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên chỉ có thể điều trị triệu chứng.
Những trường hợp nhẹ có thể tự khỏi trong vài ngày. Nếu sốt cao trên 39 độ C, cần uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo, chườm mát. Trong trường hợp sốt dưới 39 độ C, có thể uống nhiều nước, sữa, nước hoa quả và chườm mát. Thuốc hạ sốt paracetamol có thể dùng cho phụ nữ có thai.
Nếu bệnh ở mức độ vừa và nặng, người bệnh phải được điều trị ở bệnh viện chuyên khoa lây hoặc khoa hồi sức có kết hợp với sản khoa. Bệnh nhân có thể được chỉ định truyền dịch, truyền máu hoặc với các chế phẩm của máu, chống sốc…
Bác sĩ CKII Lê Thị Hiếu lưu ý, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết không được tự ý truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ, không sử dụng các thuốc hạ sốt khác không phải paracetamol. Ngoài ra, cần theo dõi ở các khoa cấp cứu hoặc khoa lây và có sự kết hợp chuyên môn của bác sĩ sản khoa.
Biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết cho phụ nữ mang thai
- Nơi làm việc, sinh sống của thai phụ cần được thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.
- Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
- Đậy kín lu, hồ, thùng chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng.
- Với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, có thể thả cá để diệt lăng quăng.
- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ có mắc màn kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Đinh Kim (T/h)