(ĐSPL) – Theo lịch, ngày mai (4/2) TAND tỉnh Bắc Giang sẽ đưa Lý Nguyễn Chung (SN 1988, tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) ra xét xử cấp sơ thẩm với hai tội danh là Giết người và Cướp tài sản.
Lý Nguyễn Chung chính là đối tượng gây ra vụ án giết người đã xảy ra cách đây 10 năm ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang khi ấy là một đứa trẻ mới 14 tuổi 8 tháng. Cùng với đó, Chung cũng chính là người khiến ông Nguyễn Thanh Chấn, người cùng địa phương phải khoác áo tù thay trong suốt 10 năm dòng dã.
Hành trình trốn chạy
Sau khi gây ra cái chết cho chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản. Trên đường về, Chung vứt con dao bị gãy chuôi xuống mương cách hiện trường khoảng vài chục mét. Đến nhà, Chung tắm rửa và ngâm bộ quần áo dính đầy máu để xóa dấu vết vụ án.
Đối tượng Lý Nguyễn Chung. |
Khi nhìn thấy chậu quần áo đầy máu của con trai mình, ông Chúc, bố Chung biết mọi chuyện. Thay vì khuyên con đầu thú, ông bàn với Chung trốn về quê gốc của mình ở Lạng Sơn. Tại Lạng Sơn, Chung kể lại sự việc với Lý Văn Phúc là anh trai của mình rồi đưa hai chiếc nhẫn cho Phúc. Biết chuyện, một lần nữa, Phúc lại vay tiền cho Chung để trốn vào Đắk Lắk, bắt đầu một cuộc đời mới của kẻ đồ tể khoác áo người lương thiện.
Theo tin tức trên báo Công an nhân dân cho biết, hơn 10 năm tự do ngoài pháp luật, thực ra với Chung cũng không sung sướng gì, hắn đã phải sống nhiều ngày trong trạng thái day dứt, ân hận. Khi ra đầu thú, hắn đã thừa nhận, hắn đã cố gắng sống yên ổn, lấy vợ, sinh con, nhưng quá khứ tội ác vẫn hiển hiện khiến hắn ăn không ngon, ngủ không yên.
Hắn cũng từng có 2 năm sang Trung Quốc làm thuê và đi một số tỉnh, thành kiếm sống, sau đó trụ lại lâu nhất ở Đắk Lắk. Tại thôn Đoàn Kết, xã Eakamut, huyện Eakar, hắn đã lấy vợ, sinh con tại thời điểm bị bắt vợ Chung đang mang bầu 8 tháng đứa con thứ hai.
Đúng thời điểm vợ đang mang bầu lại nghe phong thanh vụ án bị lật lại và các điều tra viên đã gọi hỏi từng nhân chứng trước đây, Chung đã bỏ trốn khỏi nhà. Hắn lang thang, thay đổi nhiều sim điện thoại. Một kiểm sát viên cho biết, Chung đã sử dụng khoảng gần 100 sim để tránh sự phát hiện của lực lượng truy bắt.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, Chung sống khép kín, không quan hệ với ai, cũng ít bạn bè nên cuộc sống lang thang trốn chạy khiến hắn mệt mỏi, ức chế. Đúng lúc đó, được sự thuyết phục, vận động của tổ công tác, vợ hắn đã tỉ tê khuyên chồng về đầu thú. Và cuối cùng, Chung đã chấp nhận ra đầu thú vào ngày 25/10, để thú nhận mình chính là hung thủ cướp đi sinh mạng của chị Hoan.
Những bi kịch từ bàn tay tội ác
Phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung vào ngày mai đã được không ít người dân mong đợ không chỉ bởi tội ác dã man mà đối tượng này đã gây ra. Điều đáng nói hơn cả là những hệ lụy từ bàn tay tội ác của Chung đã gây ra rất nhiều bi kịch khác.
Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, người phải thay Chung chịu số phận pháp lý của kẻ giết người là ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Chấn đã phải ngồi tù oan gần 10 năm. Hàng loạt cán bộ điều tra ép cung, xử bậy cũng đã bị truy cứu trách nhiệm.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thanh Chấn độ lượng cho rằng Lý Nguyễn Chung không liên quan gì đến án oan của ông. Đứng trên phương diện khoa học pháp lý về tố tụng hình sự, việc Nguyễn Thanh Chấn bị kết án oan do sự thiếu trách nhiệm, của cán bộ điều tra, xét xử.
Lý Nguyễn Chung không phải chịu thêm bất cứ trách nhiệm pháp lý nào trong việc này, vì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ngoài việc ông Chấn phải ngồi tù thì những người trong gia đình ông cũng phải sống trong bi kịch. Việc ông Chấn bị tù oan khiến gia đình bà, cả ba thế hệ điêu đứng kiệt quệ, mẹ già bị kỳ thị, con cái thất học, ly tán.
Trong đó phải kể tới công lao cũng như sức chịu đựng, miệt mài kêu oan cho chồng của bà Chiến, vợ ông Chấn. Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn nghẹn ngào kể lại chặng đường gian nan đi tìm công lý cho chồng.
Bà phải đi đến những huyện miền núi của tỉnh Đắk Lắk để tìm hành tung của hung thủ thật sự rồi cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Từ khi có được thông tin hung thủ thật sự là một thanh niên cùng làng giờ đã lấy vợ và sinh sống tại Đắk Lắk, có bao nhiêu lúa, gạo trong nhà, bà Chiến lại bán hết và vay mượn thêm tiền mua 3 chiếc máy ghi âm, 3 chiếc máy quay mini để đi thu thập bằng chứng. Khi tìm được địa chỉ của nghi phạm Lý Nguyễn Chung, họ đã lặn lội vào tận Đắk Lắk, lần theo dấu chân kẻ ác.
Chung đi 5 tỉnh, thay hàng trăm số điện thoại khi gặp “biến” khiến chúng tôi cũng phải lặn lội đi theo. Chỉ khi tiếp cận được nơi ở của Chung và có những chứng cứ chắc chắn chứng tỏ Chung là thủ phạm, chúng tôi mới dám mang tài liệu đến trình báo cho cơ quan điều tra của VKSND Tối cao.” – bà Chiến kể lại hành trình “thay cơ quan điều tra phá án” của mình.
Clip: Hoãn xử Lý Nguyễn Chung: Người dân đòi “tát” bị cáo
Việc Chung ra đầu thú, có thể là do hắn đã cùng đường, nhưng dù là lý do gì thì cũng có thể tin rằng chút lương tri cuối cùng trong con người hắn đã thức dậy, thức dậy một cách mãnh liệt.
Chút lương tri ấy đã giúp hắn chiến thắng nỗi sợ hãi tù tội và quan trọng hơn cả, nó đã giúp một con người vô tội là ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan vết nhơ mà ông đã phải gánh chịu giúp hắn suốt hơn 10 năm qua.
Thông tin thêm về vụ xét xử ý Nguyễn Chung vào ngày mai 4/2, nguồn tin VOV cho biết, so với phiên tòa ngày 29/9/2014, phiên tòa ngày 4/2 tới sẽ có sự thay đổi khi bà Ngọc Thị Vui không còn ngồi ghế chủ tọa phiên tòa mà thay vào đó là thẩm phán Ngô Quang Dũng.
Trao đổi với VOV sáng 3/2, thẩm phán Ngô Quang Dũng cho biết, đến sáng nay, TAND tỉnh Bắc Giang vẫn chưa nhận được quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án dân sự đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về trách nhiệm đối với việc cấp dưỡng cháu Nguyễn Văn Đức – con trai thứ hai của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan.
Về vấn đề này, theo các chuyên gia pháp lý, việc chưa tuyên hủy hai bản án dân sự đối với ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phiên tòa ngày mai vì HĐXX có thể tách phần dân sự để xét xử trong một phiên tòa khác.
Dự kiến, phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung sẽ diễn ra trong 1 ngày.