+Aa-
    Zalo

    Ly kỳ chuyện giám định ADN để tìm chủ nhân cho con bò

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Xét nghiệm ADN cho người để xác định huyết thống không còn xa lạ trong cuộc sống hiện đại, tuy nhiên việc xét nghiệm ADN cho bò lại có thể xảy ra.

    Xét nghiệm ADN cho người để xác định huyết thống không còn xa lạ trong cuộc sống hiện đại, tuy nhiên việc xét nghiệm ADN cho bò để tìm ra chủ tưởng chừng như không có lại xảy ra tại các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh trong các phiên tòa tranh chấp.

    Đầu tiên có thể kể đến vụ tranh chấp bò diễn ra tại huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An, báo Pháp Luật Việt Nam đưa tin, do đặc thù khu vực bao quanh bởi núi rừng, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, bởi thế còn tồn tại một thói quen là thả rông trâu bò trong rừng. Có người thì hai ba ngày lên thăm một lần, có người một tháng, có khi vài tháng mới lên thăm trâu bò của mình. Có người từ lúc thả đến lúc lên thăm thì trâu bò cũng đã sinh ra được con bê con từ lúc nào không hay biết.

    Cũng chính vì lẽ đó, nảy sinh ra nhiều sự việc hi hữu giữa các chủ bò với nhau khi cả hai đều nhận con bò con mới sinh ra là của mình dù không biết nó sinh ra từ khi nào. Cũng có những gia đình thả trâu bò trên rừng nhưng không quản lý được dẫn đến bị người khác bắt đi làm thịt, có con thì bị thú giữ ăn thịt, có con thì chết vì bệnh tật do không được chăm sóc…

    Lực lượng chức năng tham gia lấy mẫu bò để đi giám định ADN xác định huyết thống. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam 

    Mới đây nhất là trường hợp của gia đình bà Lương Thị Thủy (trú tại bản Na Ngân, xã Nga My, Tương Dương, Nghệ An) cho rằng, năm 2015 gia đình bà có 4 con bò, thường chăn thả rông tại khu vực rừng Khe Sủng (bản Na Ngân). Vị trí thả bò cách nhà tầm 1-2km, cứ 2-3 ngày gia đình đến thăm và kiểm tra một lần.

    Đến tháng 9/2015, bà cho rằng con bò nhà mình ở cùng với đàn bò nhà anh Kha Văn Tuấn (trú cùng bản) nên đến đưa bò về.

    Tuy nhiên, anh Tuấn không đồng ý vì cho rằng con bò đó là bò của gia đình ông, thời điểm đó đã sinh thêm một con bê con, có giá trị được định giá khoảng 13 triệu đồng, con bê con khoảng 5 triệu đồng. Anh Tuấn cũng cho rằng gia đình anh có đàn bò tổng 8 con, thường chăn thả khu vực rừng Khe Pông, và cũng thường xuyên thăm kiểm tra bò.

    Việc tranh chấp diễn ra nhiều lần tuy nhiên hòa giải bất thành, bà Thủy làm đơn khởi kiện vụ án ra tòa án để được giải quyết theo quy đình của pháp luật.

    Để giải quyết vụ tranh chấp này, Tòa án nhân dân huyện Tương Dương đã phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm mô của ba con bò để xác định được huyết thống con bò tranh chấp thuộc về ai.

    Cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu mô tai ba con bò để đi giám định ADN. Theo quy định, ba chiếc kéo sẽ cắt ba phần mô tai ba con bò của nguyên đơn, bị đơn và con bò tranh chấp niêm phong cẩn thận, gửi ra Viện chăn nuôi để xét nghiệm. Người thua kiện trong vụ án tranh chấp sẽ là người chịu tiền xét nghiệm ADN và tiền án phí.

    Sau hơn 1 tháng, kết quả xác định con bò đang tranh chấp không có huyết thống với con bò của gia đình bà Thủy, tòa tuyên con bò thuộc về gia đình anh Tuấn. Tuy nhiên điều đáng nói là bà Thủy vừa không được bò, vừa mất kinh phí xét nghiệm ADN cho bò hơn 10 triệu và tiền án phí cũng “ngót ngét” ngang với giá con bò mà bà cho là của mình.

    Vốn là những hàng xóm thân tình nhưng vì hai con bò nên hai gia đình phải đưa nhau ra tòa để được giải quyết khiến cho mối quan hệ hai nhà trở nên căng thẳng, thậm chí còn “không nhìn mặt nhau”.

    Một trường hợp tương tự cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, báo VnExpress đưa tin, phiên tòa xét xử được đánh giá là kỳ lạ nhất Hà Tĩnh vừa được mở tại Tòa án nhân dân huyện Hương Khê khi Hội đồng xét xử phải dựa vào kết quả giám định huyết thống của bò để ra phán quyết.

    Chú bò mang tên "chị đẹp" tại Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh 

    Cụ thể, theo cáo trạng của vụ án, tháng 11/2015, con bò mẹ của gia đình ông Cương (nguyên đơn trú tại xã Phương Mỹ) sinh một con bê cái. Cưng chiều con vật, lão nông đặt tên là "chị đẹp", đem thả nuôi trong rừng cùng với nhiều đàn trâu, bò của các hộ dân trên địa bàn.

    Năm 2017, ông Quyết (bị đơn) được nhà nước hỗ trợ tiền mua một con bê cái 6 tháng tuổi. Ông đem thả chung vào rừng sinh sống cùng với đàn bò của ông Cương. Vài tháng sau, con bê nhà ông Quyết bị mất không rõ lý do, mọi nỗ lực tìm kiếm đều bất thành.

    Đến tháng 8/2018, trong lúc đi rừng, ông Quyết thấy "chị đẹp" của gia đình ông Cương có nhiều đặc điểm giống với bê con thất lạc nhiều tháng trước của mình nên lùa về chuồng, nhốt lại nuôi. Thấy hàng xóm bắt bò không rõ lý do, ông Cương yêu cầu trả song bị khước từ.

    Sự việc xảy ra khiến hai gia đình sứt mẻ tình cảm, ông Cương kiến nghị tới UBND xã Phương Mỹ nhờ giải quyết nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng nên làm đơn khởi kiện ông Quyết lên tòa án nhân dân huyện Hương Khê, yêu cầu trả lại con bò.

    Sau nhiều lần hòa giải bất thành, tòa án đã định giá con bò đang tranh chấp là 12 triệu đồng, đề nghị trước khi xét xử phải đưa đi xét nghiệm ADN, trưng cầu giám định huyết thống mẹ con giữa "chị đẹp" với hai bò mẹ liên quan (gồm bò mẹ của gia đình ông Cương và bò mẹ mà ông Quyết mua của một hộ dân trong huyện).

    Tại phiên xử, hội đồng xét xử cho rằng đây là tranh chấp hy hữu, để xác định bò thuộc về ai cần căn cứ kết quả giám định huyết thống của con vật.

    Kết quả xét nghiệm huyết thống hồi cuối tháng 2/2019 cho thấy, con bò đang tranh chấp có mối quan hệ huyết thống mẹ con với bò mẹ của gia đình ông Cương, khi 28/28 market được giám định có sự cho nhận.

    Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện, công nhận con bò thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Cương, buộc bị đơn là ông Quyết phải trả lại "chị đẹp" cùng 11 triệu đồng tiền chi phí giám định ADN cho nguyên đơn.

    Đồng thời, ông Cương có trách nhiệm hoàn lại cho ông Quyết 1,8 triệu đồng tiền công nuôi trong thời gian 187 ngày tranh chấp.

    Nghe xong phán quyết, ông Cương vui mừng, nói sau lần này sẽ rút kinh nghiệm, chăm sóc "chị đẹp" cẩn thận hơn. Ông Quyết không nói câu nào khi rời toà.

    Những sự việc hy hữu tưởng chừng như không thể lại xảy ra lại xuất hiện tại các phiên tòa về chanh chấp. Sự việc có thể diễn ra giữa chính những người hàng xóm. Đằng sau những phiên tòa tranh chấp không chỉ là thiệt hại về mặt kinh tế mà còn làm rạn nứt tình cảm xóm làng.

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-ky-chuyen-giam-dinh-adn-de-tim-chu-nhan-cho-con-bo-a287087.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan