3 khẩu thần công này được đúc bằng đồng vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820), nằm trong một bộ đặt tên là "Bảo quốc An dân Đại tướng quân" đánh số thứ tự từ một đến ba.
Một nhóm ngư dân trong lúc đánh cá ở vùng biển Hà Tĩnh thì lưới bị vướng vào "vật lạ" dưới đáy biển. Để cứu lưới, chủ tàu cá thuê thợ lặn đến giúp. Khi lặn xuống, nhóm thợ phát hiện con tàu cổ với 3 khẩu súng thần công nên âm thầm gỡ lưới và giấu nhẹm bí mật này.
Ít ngày sau, họ lặn trục vớt tàu đắm cùng 3 khẩu thần công lên và tính bán kiếm tiền. Khi một khẩu đang trên đường bán sang Trung Quốc thì bị bắt giữ. Hai khẩu còn lại sau đó cũng được vận động giao nộp...
Thả lưới bắt được... 3 khẩu thần công
Sau hơn 10 năm được trục vớt từ đáy biển lên, 3 khẩu thần công bằng đồng vẫn đang được bảo quản tại hành lang Bảo tàng Hà Tĩnh. Ông Lê Bá Hạnh - Phó GĐ Bảo tàng Hà Tĩnh - kể, khoảng tháng 8/2003, một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Quảng Nam khi đang thả lưới trong vùng biển đảo Mắt, cách Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hơn 30 hải lý thì bất ngờ lưới bị mắc không thể kéo lên được. Để cứu lưới, họ đã thuê một nhóm thợ lặn ở làng chài xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) lặn gỡ lưới.
Khi lặn xuống, nhóm thợ lặn bất ngờ phát hiện lưới bị vướng vào một con tàu cổ bị chìm, bên trong có 3 khẩu pháo. Biết gặp "lộc" lớn, nhóm thợ lặn "nháy" với nhau chỉ gỡ lưới không tiết lộ gì. Ít ngày sau đó, nhóm này đã âm thầm trở lại vị trí con tàu đắm lặn lấy cổ vật. Tuy nhiên, do 3 khẩu pháo quá nặng, họ đành thỏa thuận với chủ tàu ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) cẩu trục vớt con tàu đắm cùng cổ vật lên.
Hì hục hơn 2 tuần, cả nhóm mới trục vớt được con tàu cổ nặng 45 tấn cùng 3 khẩu thần công được đúc bằng đồng. Như thỏa thuận trước, chủ tàu lấy 1 khẩu thần công, 2 khẩu còn lại thuộc về nhóm thợ lặn xã Cẩm Lĩnh là anh Phạm Tiến Phương và Trần Trọng Thưởng.
2 trong số 3 khẩu thần công đang được bảo quản tại Bảo tàng Hà Tĩnh. |
Sau khi ông chủ tàu người Thạch Kim có được khẩu thần công đắt giá, ông này đã bán cho một lái buôn để đưa sang Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đi được vài chục cây số đến huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thì bị công an phát hiện, tịch thu và bàn giao cho Bảo tàng Hà Tĩnh. Từ thông tin của ông chủ người Thạch Kim, cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh đã tìm về xã Cẩm Lĩnh, nơi đang cất giữ 2 khẩu thần công còn lại để thuyết phục, xin đưa về Bảo tàng Hà Tĩnh bảo quản vì đây là bảo vật quý hiếm, mang giá trị lịch sử.
Tuy nhiên, nhóm thợ lặn Cẩm Lĩnh kiên quyết không chịu bàn giao. Phải dày công thuyết phục, nhờ những bậc cao niên trong làng giúp vài lời, cuối cùng nhóm thợ lặn cũng đồng ý bàn giao 2 khẩu thần công cho Bảo tàng Hà Tĩnh quản lý với điều kiện hỗ trợ họ 40 triệu đồng gọi là kinh phí trục vớt. Bảo tàng Hà Tĩnh chấp nhận. Từ đó, 3 khẩu thần công được "quy về một mối" và lưu giữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh.
Báu vật vô giá
Ông Nguyễn Trí Sơn - Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh - cho biết, sau khi nhận ba khẩu thần công này, Bảo tàng đã bảo quản và phục chế rất công phu bằng cách xây bể, thực hiện ngâm rửa qua nhiều lần nước lạnh và hóa chất thì lớp hà bên ngoài mới bong ra và lộ rõ những hoa văn và chữ đắp nổi trên thân súng rất độc đáo. Hoa văn được đúc nổi rất tinh tế, công phu và được nạm bạc rất cầu kỳ, hiếm thấy ở những khẩu thần công khác. Mặc dù bị chìm dưới đáy đại dương gần 200 năm nhưng nó vẫn còn giữ được sự nguyên vẹn, kể cả những họa tiết nhỏ.
Theo nghiên cứu, 3 khẩu thần công này được đúc bằng đồng vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820), nằm trong một bộ đặt tên là "Bảo quốc An dân Đại tướng quân" đánh số thứ tự từ một đến ba. Hình dáng, kích thước và các hoa văn trang trí trên thân súng đều giống nhau.
Mỗi khẩu nặng hơn 1,2 tấn, dài 2,43m, đường kính thân súng 40cm, đường kính nòng súng 11cm; giữa thân súng có hai quai chạm khắc hình rồng và hai tai tròn làm giá đỡ cho súng. Các hoa văn trên thân súng thể hiện các đề tài truyền thống như cúc dây, rồng chầu mặt nguyệt, đầu rồng, mây, chấm tròn, đường tròn đồng tâm. Rồng chầu mặt nguyệt bao quanh bài minh văn chữ Hán.
Cũng theo ông Sơn, 3 khẩu thần công này là báu vật được tôn sùng như thần linh truyền nối các đời sau thờ cúng. Đó là biểu tượng uy quyền của nhà vua, sức mạnh của một đất nước đang phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, là báu vật rất quý hiếm, có giá trị nổi bật, tiêu biểu quốc gia.
Năm 2006, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia phục chế lại khẩu thần công thứ hai bằng cách thuê thợ nạm bạc lại phần hoa văn bị bóc bạc khi những người dân trục vớt lên. Đến năm tháng 12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận 3 khầu thần công này là bảo vật Quốc gia.