+Aa-
    Zalo

    Ly hôn chia tài sản: Bài toán cuộc đời – giải dễ hay khó?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tiền bạc và ái tình luôn là những vấn đề khiến con người phải đau đầu, nhất là khi phải giải quyết chúng cùng một lúc như trong các vụ án ly hôn chia tài sản.

    Tiền bạc và ái tình luôn là những vấn đề khiến con người phải đau đầu, nhất là khi phải giải quyết chúng cùng một lúc như trong các vụ án ly hôn chia tài sản. Làm thế nào để không bị thiệt thòi trong việc phân chia tài sản khi ly hôn? Bài viết dưới đây sẽ là những tham khảo hữu ích mà bạn không thể bỏ qua.

    Tâm điểm phân chia tài sản khi ly hôn của vợ chồng ông B, bà N.

    Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đồng tình rằng “tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”. Chẳng thế mà nam ca sĩ Justin Bieber dù yêu say đắm người tình Hailey Baldwin và quyết định kết hôn nhanh chóng sau chưa đầy 1 năm hẹn hò vẫn đủ “tỉnh táo” để làm một bản thỏa thuận hôn nhân nhằm bảo vệ khối tài sản khổng lồ của mình nếu có ly hôn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những quyết định khôn ngoan như chàng ca sĩ kia dẫn đến việc phần lớn các vụ án chia tài sản khi ly hôn đều kéo dài với những thủ tục rắc rối.

    Nếu để nói về những vụ ly hôn đình đám thời gian vừa qua, hẳn ai cũng nghĩ tới câu chuyện của vợ chồng ông B và bà N - đồng sở hữu của một tập đoàn lớn một thời đã tốn rất nhiều giấy mực của truyền thông. Vấn đề phân chia tài sản của họ phức tạp và kéo dài vì liên quan đến cổ phần và quyền điều hành của tập đoàn C. Hai bên đều có những bằng chứng về sự cạnh tranh, ủng hộ cũng như vu khống trong việc kiểm soát tập đoàn. Tài sản chung cần phân chia không chỉ bao gồm tài sản chung là cổ phần liên quan mà còn là những tài sản khác ngoài tập đoàn của hai bên như bất động sản, tiền bạc…đặc biệt là sự nắm quyền trong tập đoàn chiếm 60% thị phần của thị trường trong nước ở lĩnh vực họ kinh doanh.

    Chắc hẳn, nếu biết sẽ có lúc ly hôn và  phân chia tài sản khá ồn ào thế này, ông B và bà N cũng thầm ước giá như từng có một bản thỏa thuận hôn nhân liên quan đến việc chia tài sản khi ly hôn. Những ồn ào quanh vụ ly hôn này đã được cả báo chí nước ngoài quan tâm và gọi nó là “vụ ly hôn thập kỷ”. Câu chuyện phân chia tài sản của cặp vợ chồng trên đến nay vẫn chưa có hồi kết do những bất đồng về việc định giá tài sản, kiểm toán doanh nghiệp cũng như quyền nuôi và trợ cấp cho các con chung. 

    Vậy phải làm thế nào trong những trường hợp ly hôn có tài sản không chỉ là tiền bạc như thế này? Theo ý kiến của luật sư Lê Hồng Hiển - Hãng Luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự, với tài sản hữu hình có thể xác định được như tiền, vàng bạc đá quý, cổ phần...sẽ dựa vào thỏa thuận của hai bên hoặc nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Tòa án phân chia theo luật định. Tài sản vô hình là giá trị thương hiệu doanh nghiệp sẽ cần phải có một đánh giá độc lập để có thể xác định và phân chia. Vì tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều đơn vị, công ty có khả năng định giá, trưng cầu giá trị thương hiệu cụ thể nên cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề xung quanh liên quan đến tài sản trong trường hợp này chính là sự tự thỏa thuận. Sự tự thỏa thuận của các bên khi phân chia tài sản được khuyến khích trong khi ly hôn vì giúp quá trình ly hôn diễn ra nhanh chóng hơn và giảm được đáng kể chi phí để yêu cầu Tòa án giải quyết.

    Những phương án phân chia tài sản theo luật định

    Việc phân chia tài sản khi ly hôn được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật như là: Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật dân sự; Luật Đất Đai, Bộ Luật Tố tụng Dân sự.

    Nguyên tắc xác định khối tài sản chung vợ chồng:

    - Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

    - Tài sản riêng của vợ chồng được hai bên thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung. Dựa vào nguyên tắc này thì các bạn có thể xác định được đâu là tài sản chung mà bạn có quyền yêu cầu Tòa án phân chia khi ly hôn. Các bạn nên lưu ý, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung và được chia theo quy định của pháp luật.

    Để chia tài sản khi ly hôn, hai bên có thể lựa chọn thỏa thuận với nhau trong việc phân chia tài sản hoặc yêu cầu Tòa án xác định theo thủ tục tố tụng dân sự.

    Trường hợp hai bên tự thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản, việc thỏa thuận bắt buộc phải lập thành văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

    “Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.”

    Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản sẽ là căn cứ pháp lý cho thấy sự phân chia tài sản chung giữa vợ và chồng khi ly hôn.

    Nếu các bên không tự thỏa thuận được với nhau về việc phân chia tài sản chung thì nhờ Tòa án giải quyết. Về nguyên tắc, tài sản chung được chia đôi nhưng tính đến các yếu tố sau theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:

    “a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
    b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
    c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
    d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”

    Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác (khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

    Cách để không bị “thiệt” khi ly hôn, chia tài sản

    Để có thể giành được quyền lợi về tài sản của mình khi ly hôn cũng như không bị thiệt thòi khi Tòa án phân chia tài sản, bạn cần lưu ý:

    Trường hợp hai bên tự thỏa thuận phân chia tài sản:

    Thỏa thuận phải được lập thành văn bản. Văn bản phải có đầy đủ và chi tiết thông tin về tài sản cũng như cách phân chia, thời điểm có hiệu lực của văn bản. Những tài sản có đăng ký sở hữu như nhà, xe...khi phân chia phải tiến hành thủ tục công chứng tại cơ quan có thẩm quyền. Sau khi có sự phân chia với những tài sản này, hai bên phải tiến hành đăng ký cập nhật lại thông tin về tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu riêng của mình với tài sản đó.

    Ví dụ: Sau khi lập văn bản thỏa thuận về việc phân chia quyền sử dụng đất tại Văn phòng công chứng, các bên cần tiến hành thủ tục Đăng ký biến động/ sang tên...tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

    Trường hợp yêu cầu Tòa án phân chia tài sản:

    Căn cứ của Tòa án khi phân chia tài sản chung là yêu cầu của các bên khi ly hôn. Nếu một bên có yêu cầu cụ thể về phân chia tài sản trong khi bên còn lại không có yêu cầu thì đương nhiên sẽ giải quyết theo yêu cầu cụ thể của một bên trừ trường hợp Tòa án xét thấy cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà mẹ, trẻ em. Vì thế, khi làm đơn ly hôn và muốn nhờ Tòa án phân chia tài sản, bạn cần đưa ra yêu cầu cụ thể, rõ ràng.

    Trong trường hợp không có yêu cầu cụ thể hoặc yêu cầu của hai bên đối lập nhau thì Tòa án sẽ dựa vào các yếu tố quy định tại Điều 59 về Nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Để giành được lợi thế, bạn cần:

    • Kê khai tài sản chung rõ ràng và đầy đủ: tránh trường hợp kê khai thiếu sẽ không được giải quyết và bạn sẽ gặp rắc rối khi thỏa thuận với đối phương về việc chia số tài sản đó.
    • Chứng minh vợ/chồng có lỗi dẫn đến ly hôn (ngoại tình, bạo hành...): người có lỗi dẫn đến ly hôn sẽ bị xem xét để được chia phần sở hữu nhỏ hơn người còn lại.
    •  Đảm bảo quyền lợi và đóng góp trong suốt thời gian chung sống.

    Có rất nhiều khó khăn mà bạn sẽ gặp phải trong quá trình phân chia tài sản khi ly hôn như chứng minh nguồn gốc tài sản riêng của mình để nó không bị nhập vào tài sản chung, chứng minh lỗi của bên còn lại dẫn đến việc ly hôn bằng các chứng cứ được pháp luật công nhận là hợp pháp...Vì thế, nếu không phải là người có hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm thực tế thì bạn khó mà có thể giải quyết việc chia tài sản nhanh chóng và có lợi cho mình. Do đó, cách hiệu quả nhất mà chúng tôi có thể gợi ý cho bạn trong quá trình chia tài sản khi ly hôn chính là nhờ sự tư vấn, trợ giúp pháp lý từ phía luật sư, các văn phòng, công ty, hãng Luật.

    Các luật sư là những người có nhiều kinh nghiệm thực tế, có kiến thức pháp luật chắc chắn sẽ là chỗ dựa vững chắc của bạn để bạn có thể yên tâm giành được những quyền và lợi ích tốt nhất cho mình khi ly hôn.

    Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề phân chia tài sản khi ly hôn. Trường hợp còn bất cứ điều gì chưa hiểu rõ hoặc có thắc mắc nào cần giải đáp, bạn có thể liên hệ với dịch vụ ly hôn của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự qua địa chỉ website: https://dichvulyhonhanoi.vn/ hoặc Hotline tư vấn miễn phí 24/24: 0917894567 - Điện thoại: 0243 200 7447 để được giải đáp và tư vấn tận tình.

    Tuấn Anh 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-hon-chia-tai-san-bai-toan-cuoc-doi-giai-de-hay-kho-a251145.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan