+Aa-
    Zalo

    Lý giải vốn dư 14.000 tỷ đồng từ các dự án QL1, QL14

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ (QL) 1A và QL14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên) còn dư 14.259 tỷ đồng.

    Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ (QL) 1A và QL14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên) còn dư 14.259 tỷ đồng.

    Thực tế này khiến dư luận đặt vấn đề có phải do quá trình lập dự toán dự án không chính xác hay do chất lượng hạn chế, quy mô giảm...

    Lý giải số vốn dư từ các dự án này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Chưa có dự án nào mà Chính phủ phân công 3 Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo thực hiện các dự án và có sự phối chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương.

    Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, khi Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua các dự án nâng cấp QL1, QL14, lúc đó mới có 25/30 dự án được phê duyệt trên tổng mức đầu tư, còn lại là dự kiến. Chính vì vậy, khi đưa vào phê duyệt để triển khai thì giữa tổng mức đầu tư và các dự án do Quốc hội phê duyệt có chênh lệch 4.485 tỷ đồng.

    Đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Gia Lai.

    “Trước đây các đoạn đường thuộc dự án qua các địa phương không thống nhất, nhiều chỗ rộng 60 m, nhưng cũng có nhiều nơi qua thị xã, thành phố chỉ rộng 25 - 30m. Khi thực hiện dự án, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ và Quốc hội nâng cấp toàn tuyến với chiều rộng là 20,5m, thống nhất từ đầu đến cuối tuyến, nên không có chuyện "xin – cho". Điều này cũng góp phần giảm tổng mức đầu tư dự án. Bên cạnh đó, việc lập dự toán cho các dự án này đều được Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, chứ không phải thích lập làm thế nào cũng được”, Bộ trường Đinh La Thăng cho hay.

    Tính chung, dự án cải tạo, nâng cấp QL1, QL14 cũng đã giảm được hơn 1.070 tỷ đồng, do tiết kiệm 5\% theo chỉ đạo của Chính phủ; giảm hơn 1.700 tỷ đồng do trong quá trình triển khai đã điều chỉnh các hạng mục cho phù hợp; giảm được 6.290 tỷ đồng do rút ngắn thời gian thi công (QL1A rút ngắn được 1 năm, QL14 rút ngắn được 1,5 năm), do đó không  sử dụng đến chi phí dự phòng; giảm 686 tỷ đồng do công tác giải phóng mặt bằng nhanh.

    Được biết, ở dự án này, theo phân công của Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp làm việc với các địa phương có khó khăn để tháo gỡ giải phóng mặt bằng, mỗi quý đều họp giao ban một lần để kiểm điểm. Vì thế, chưa có dự án nào, công tác giải phóng mặt bằng nhanh như dự án QL1, QL14. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trực tiếp chỉ đạo phát hành trái phiếu và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thường xuyên đôn đốc đảm bảo chất lượng công trình. Kèm theo đó, là do sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT và sự phối hợp của các địa phương. Trong vài năm trở lại đây, tất cả các dự án giao thông không có dự án nào vượt tổng mức đầu tư nhờ việc đảm bảo, đẩy nhanh tiến độ thi công.

    Ngoài dự án QL1, QL14, Bộ GTVT đang rà soát, tổng hợp vốn dư các dự án BOT khác. Theo dự kiến ban đầu, các dự án BOT cũng giảm vốn đầu tư được khoảng trên 12.000 tỷ bằng việc đẩy nhanh tiến độ. Điều này cho thấy cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư ngoài xã hội vào xây dựng hạ tầng.

    Theo TTXVN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-giai-von-du-14000-ty-dong-tu-cac-du-an-ql1-ql14-a116942.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.