Theo trang Inkstone, những số liệu nghiên cứu mới cho thấy ngày càng nhiều phụ huynh Trung Quốc muốn gửi con em đi du học từ sớm, ngay từ khi các em chỉ mới 10 tuổi.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết chỉ tính trong năm 2019, hơn 700.000 trẻ em nước này đã được cha mẹ cho ra nước ngoài du học. Được biết, con số ngày nhiều hơn 6% so với những năm trước đó và dự kiến sẽ còn tiếp tục gia tăng trong các năm tới. Điều này đã làm dấy lên lo ngại của các quan chức Trung Quốc.
Theo đó, trong hội nghị toàn quốc vào tháng 1 vừa qua, bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết họ đang lên kế hoạch về một dự thảo nhằm "hạn chế trẻ vị thành niên đi du học nước ngoài". Cụ thể, các quan chức cho rằng việc có nhiều trẻ em còn quá nhỏ đã được cha mẹ gửi ra nước ngoài là điều không nên.
Ngày càng có nhiều trẻ em Trung Quốc được cha mẹ cho đi du học từ khi mới lên cấp 2. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự phản đối với quan điểm của bộ. Cụ thể, cha mẹ của bé Mingming (12 tuổi, đến từ Thượng Hải) cho biết con trai họ chuẩn bị lên đường đi du học sau khi một trường nội trú tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) tiếp nhận hồ sơ của cháu.
Họ tin rằng gửi cậu bé đến Mỹ từ khi học cấp 2 có thể tạo điều kiện cho cậu bé qua các bài kiểm tra và có nhiều cơ hội theo học tại những trường đại học, cao đẳng hàng đầu. Được biết, tình trạng này không phải hiếm gặp tại Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2016, có tới 80% gia đình giàu có tại Trung Quốc muốn gửi con đi du học từ sớm và xu hướng này vẫn gia tăng ngay cả trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào năm 2020.
Nguyên nhân của tình trạng này là do tại Trung Quốc, việc cạnh tranh để vào được một trường "điểm" ở địa phương là vô cùng khốc liệt. Các chuyên gia cho rằng chính áp lực học tập căng thẳng đã khiến các phụ huynh có xu hướng gửi con ra nước ngoài học tập để "dễ thở" hơn.
Mẹ của bé Mingming chia sẻ: "Trung Quốc không phải một nơi có nền giáo dục kém. Nhưng đối với bọn trẻ, áp lực học tập lại là một thứ khá khó khăn. Tôi biết rằng mọi con đường đều có thể dẫn tới thành công. Nhưng tôi hy vọng con đường của con trai mình không quá hẹp".
Bên cạnh đó, theo nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Chu Zhaohui, nhiều gia đình Trung Quốc tin rằng việc đưa con ra học ở nước ngoài sẽ giúp ích nhiều hơn cho bằng cấp và công việc chúng sau này.
Trong khi đó, cũng có nhiều người nhận định hệ thống giáo dục khắt khe của Trung Quốc khiến trẻ em không thể phát triển các sở thích và ưu điểm cá nhân, ví dụ như sở trường chơi thể thao.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Jiajia, người đã cho cậu con trai Yangyang sang Australia học từ năm lớp 7, cho biết ban đầu gia đình định cho cháu du học khi lên đại học. Tuy nhiên, họ đã thay đổi kế hoạch và đưa cậu bé đi sớm hơn vì thấy con có quá nhiều bài tập về nhà và không có thời gian chơi các môn thể thao ưa thích.
Được biết, trước khi đi Australia, Yangyang từng theo học tại một ngôi trường nổi tiếng dạy tốt ở quận Haidian, Bắc Kinh. Cậu bé yêu thích bơi lội và chơi bóng đá nhưng không thể dành thời gian hoạt động thể thao bởi có quá nhiều áp lực trên trường học.
Nhiều phụ huynh muốn đưa con mình ra nước ngoài để tránh áp lực học tập. Ảnh: Xinhua |
Cô Jia chia sẻ: "Trường học gửi mọi thứ về nhà từ điểm số tới xếp loại, khiến chúng tôi luôn lo lắng rằng con mình không thể vượt qua kỳ thi Zhongkao (kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông). Thật sự có quá nhiều áp lực".
Để giải quyết tình hình này, ông Chu Zhaohui cho rằng các nhà tuyển dụng nên lựa chọn sử dụng nhân tài học tập và tốt nghiệp đại học trong nước thay vì những người có bằng cấp quốc tế. Tuy nhiên, ông Chu thừa nhận: "Cuối cùng, đó vẫn là quyết định của riêng các phụ huynh đối với con em họ. Tôi không nghĩ rằng có thể có một chính sách nào cụ thể để ngay lập tức ngăn họ đưa con mình ra nước ngoài học tập".
Ông Xiong Bingqi, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 có trụ sở tại Thượng Hải, cũng đưa ra quan điểm tương tự và cho rằng Trung Quốc nên xem xét cải cách hệ thống giáo dục của mình.
Ông Xiong nói: "Để khuyến khích các bậc cha mẹ như Dong và Jia, chính phủ cần thúc đẩy một nền giáo dục cá nhân hóa hơn và thay đổi cách đánh giá học sinh".
Minh Hạnh (Theo Inkstone)