National Interest đăng tải bình luận của nhà phân tích Timothy Heath cho rằng bất chấp sự phát triển quân sự, Trung Quốc vẫn có nguy cơ thất bại trong thực chiến.
Trung Quốc vẫn có thể thất bại nếu đụng độ với quân đội Mỹ hoặc Nga dù sở hữu nhiều vũ khí "khủng"? Ảnh minh hoạ: Getty |
Ông Heath nhận định: “Quân đội Trung Quốc gần như không có kinh nghiệm chiến đấu. Những năm gần dây, Trung Quốc được cho là đang phát triển kho vũ khí công nghệ cao ấn tượng, nhưng khả năng thực sự của các loại vũ khí và thiết bị này vẫn chưa rõ ràng, tồn tại nhiều lý do để hoài nghi”.
“Lần cuối cùng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia một cuộc xung đột lớn là từ năm 1979 khi xâm lược Việt Nam", ông Heath bổ sung. “Vào thời điểm đó, quân đội Việt Nam vừa kết thúc cuộc chiến với Mỹ và đồng minh trong khi PLA sử dụng lực lượng vũ trang tinh nhuệ. Cuối cùng, PLA lộ ra nhiều khuyết điểm vì binh sĩ có kỹ năng chưa hoàn thiện, lục quân khó điều hướng hoặc pháo binh còn bối rối chưa tính toán chính xác được khoảng cách bắn…”.
"Hiện nay, những cựu binh còn phục vụ quân đội Trung Quốc cũng sẽ nghỉ hưu trong vài năm tới. Điều đó có nghĩa là PLA sẽ sớm rơi vào tình trạng không có binh sĩ nào có kinh nghiệm chiến đấu trực tiếp", nhà phân tích Timothy Heath đánh giá.
Dĩ nhiên, vấn đề này cũng không có nghĩa là Bắc Kinh chắc chắn không thể "chiến thắng" trong một cuộc chiến lớn. "Thắng" trong trường hợp này chỉ có nghĩa là: một bên đạt được các mục tiêu chiến lược ngay lập tức trong khi ngăn đối thủ làm điều tương tự. Ông Heath quyết định phân tích dựa vào một số sự kiện lịch sử để giải thích vai trò của kinh nghiệm chiến đấu trong một cuộc chiến.
Vào đầu Thế chiến thứ II, quân đội Mỹ cũng thiếu kinh nghiệm nên đã vấp phải thất bại kinh hoàng khi lần đầu chạm chán Đức Quốc xã ở trận đánh đèo Kasserine, Bắc Phi năm 1943. Tuy nhiên, họ sở hữu các nguồn lực, ý chí chiến đấu và nền tảng thể chế - đào tạo, giáo dục và năng lực tự điều chỉnh chính thức để nhanh chóng phục hồi sau đó. Ngược lại, quân đội Iraq vào năm 1991 đã có kinh nghiệm, đã chiến đấu với Iran trong 8 năm bắt đầu từ 1980 nhưng thiết bị, học thuyết và thể chế không đầy đủ. Một liên minh ít kinh nghiệm do Mỹ lãnh đạo đã chiếm ưu thế trước người Iraq, một phần nhờ vào thiết bị, huấn luyện và ý chí của binh sĩ.
Ngày nay, quân đội Mỹ sở hữu nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn bất kỳ lực lượng vũ trang nào khác, nhờ các hoạt động triển khai lâu dài ở Iraq, Afghanistan và các nơi khác. Mặc dù vậy, điều gây tranh cãi là liệu trải nghiệm này trong chiến tranh cường độ thấp có mang lại ưu thế cho Mỹ trong kịch bản xảy ra cuộc chiến công nghệ cao với Trung Quốc hay không.
"Ở cấp độ chiến lược, một cuộc chiến giữa các lực lượng Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ liên quan đến chiến đấu cường độ cao mà cả 2 bên đều chưa từng trải qua", ông Heath cho biết. "Kết quả của một cuộc đụng độ ban đầu có thể đi theo bất kỳ cách nào. Với sự chuẩn bị và lên kế hoạch đầy đủ và trong hoàn cảnh lý tưởng, nhiều khả năng Trung Quốc có thể thắng thế trong trận chiến đầu tiên. Tuy nhiên, vì cuộc đụng độ ban đầu sẽ không kết thúc chiến tranh ngay sau đó nên các lực lượng Mỹ có thể được kỳ vọng sẽ sử dụng những lợi thế đáng gờm để thích nghi và cải thiện hiệu suất trong các cuộc giao chiến tiếp theo, giống như trong quá khứ".
"Liệu Trung Quốc đã có đủ nỗ lực để khắc phục những lỗ hổng lớn về chất lượng chỉ huy, sự nghiêm khắc đào tạo, hội nhập và các yếu tố khác quan trọng nếu cuộc xung đột kéo dài hay không? Thậm chí ngay cả khi đó, kết quả cuối cùng của một cuộc chiến kéo dài giữa hai cường quốc có thể sẽ được quyết định bởi các yếu tố ngoài tầm kiểm soát như sức mạnh kinh tế, sự gắn kết chính trị và quyết tâm quốc gia", ông Health kết luận.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo National Interest)