(ĐSPL) - Sống giữa thành phố hoa lệ nhưng lương y Dương Phú Cường (54 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) dường như không đặt nặng quá vấn đề “cơm áo, gạo tiền” bằng chính nghề y của mình.
Bởi, với ông: Khám cho người như khám cho chính mình, bốc thuốc cho chính mình…. Có như vậy mới đảm bảo cho người bệnh được an toàn.
Tìm hỏi lương y Dương Phú Cường (54 tuổi, ngụ trên đường Quang Trung, Gò Vấp) không ai là không biết, bởi ông khác với những lương y khác là không giữ hay không giấu bài thuốc “sở trường” nào cho riêng mình. Mỗi bệnh nhân đến phòng khám của ông, không những được chữa bệnh mà còn được ông dạy cho cách tự chữa và phòng bệnh hữu hiệu.
Trò chuyện với chúng tôi ngay trong phòng khám, ông không ngần ngại chia sẻ đường đời đầy giông bão của mình. Nhưng với ông tất cả chỉ là dĩ vãng, là những kí ức của một thời khó khăn đời người ai cũng phải trải qua, không kêu ca, phàn nàn và luôn hướng tới một tương lai hướng thiện, không ham giàu sang phú quý.
Vốn là con người của Huế, nơi sinh ra những con người thân thiện và trìu mến, nên ông cũng thấy nhẹ nhàng và đầy thiện tâm dù thời thơ ấu của ông đầy bất hạnh. Khi vừa lên 6 tuổi, ông đã phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sớm mất đi tình thương gia đình, lại không được chăm sóc chu đáo, cộng với việc thể trạng rất yếu nên ông hay bị bệnh tật, không được khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác.
Từ đó, ông quyết dành nhiều thời gian cho việc đọc sách về thiền, nhất là tự tìm cách chữa bệnh cho chính mình. Gia cảnh nghèo khó, nên từ khi 10 tuổi ông đã tự nhủ phải cố gắng học hành và chỉ học những gì về nghề thuốc. “Khi ấy tôi thường thấy các thầy thuốc Đông y bốc thuốc dễ dàng quá, chỉ cần biết cây thuốc là bốc được. Còn Tây y thì lắm chữ nhiều điều kiêng kị mà khi ấy chẳng ai chỉ dạy cho đứa trẻ ốm đau như mình nên tôi tìm đến các nhà thuốc Nam từ thiện xin theo học cách nhận biết thuốc”, lương y Cường nhớ lại.
Thời thơ ấu dần đi xa, ông Cường cũng bắt đầu rời quê hương vào Nam cùng bạn bè lập nghiệp. Tại đây, khát khao học nghề y vẫn luôn bùng cháy trông ông. Để theo đuổi đam mê ông đã thong rong khắp các ngõ nghách Sài Gòn tìm nơi học nghề. Cuối cùng may mắn cũng mỉm cười với ông, ông được lương y Võ Văn Mừng nhận làm đệ tử đời thứ 5, được truyền lại toàn bộ kiến thức về Đông y. “Tôi với Đông y cũng là cái duyên cái nợ cả. Khi thấy tôi ham học, lại có tài nhận biết cây thuốc, sư phụ mới nhận tôi làm đệ tử, rồi ngày ngày chỉ dạy cho tôi từng chút một về các bài thuốc mà ông biết. Cũng từ giây phút đó tôi đã nghĩ mình sẽ gắn với nghiệp khám, chữa bệnh cứu người đến cuối đời”, lương y Cường chia sẻ.
Ông Cường luôn quan niệm: Khám cho người như khám cho chính mình. Việc làm khó khăn nhất của một lương y là phải tìm hiểu được cái nguyên nhân sinh bệnh trước sau đó mới đi tìm cách giải. Với một kim chỉ nam vừa chữa bệnh vừa truyền dạy cách chữa trị, ngày ngày hàng trăm bệnh nhân đã được ông Cường tận tay cứu chữa và truyền đạt lại các bài thuốc.
“Lương y là người dẫn thuốc có tác dụng giúp ích 10\% trong quá trình chiến đấu bệnh tật, muốn diệt tận gốc căn bệnh phần còn lại là do bệnh nhân. Có nhiều căn bệnh vừa nhập thuốc đã tan. Nhưng sau này sẽ có biến chứng. Vậy là thế nào để người bệnh luôn theo dõi được bệnh trạng của mình, làm sao để họ tự chữa được cho bản thân mới là điều quan trọng?”, câu hỏi này luôn đeo bám lương y Cường trong suốt những năm qua.
Bài thuốc chữa bệnh từ củ gừng. Ảnh minh họa. |
Bài thuốc từ củ gừng của lương y Cường
Nói về bài thuốc dân gian do chính mình tìm tòi và phát triển từ củ gừng, lương y Cường cho biết: “Củ gừng chữa được rất nhiều bệnh, từ những căn bệnh thường ngày đến những căn bệnh hiếm gặp. Đối với bài thuốc dùng củ gừng để chữa bệnh hậu sản của thai phụ hay có tên thường gại là “trúng hàn sau khi sinh”. Người phụ nữ sau khi sinh là giai đoạn rất yếu ớt dễ mắc bệnh. Trong thời kì này vì thiếu hiểu biết hoặc không được chăm sóc kĩ lưỡng nên phụ nữ hay mắc phải bệnh tưởng chừng vô hại nhưng thật sự rất nguy hiểm”.
Cách thức bào chế thuốc cũng rất đơn giản và tiết kiệm chi phí. Người bệnh chỉ cần sử dụng củ gừng, sau đó đem ra rửa sạch. Tiếp theo, đem củ gừng nướng trên ngọn lửa than rồi giã nát pha với lượng nước sôi nhất định để lấy nước uống. Còn bã gừng thì dùng sau khi ăn cơm.Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân phải tránh ăn các thức ăn mang tính hàn, tính lạnh, phải luôn ăn chín uống sôi. Nếu làm đúng như chỉ dẫn và kiên trì dũng thuốc, căn bệnh sẽ tan biến.
Lương y Cường còn chia sẻ thêm về những hồi ức đáng nhớ của mình trong công tác khám, chữa bệnh. Lần ấy, sau khi nhận được cuộc điện thoại từ một đồng nghệp (ngụ Bình Thuận) kể về một bệnh nhân mắc “bệnh lạ” mà các bệnh viện khu vực phải bó tay. Bệnh nhân gọi điện “cầu cứu” là một cô gái. Cô này cho biết mình có nhiều biểu hiện như sữa có mùi tanh hôi, bụng và tay chân thường hay lạnh buốt. Đứa con thì từ ngày sinh đến giờ vẫn ốm yếu không tăng cân được.
Chỉ vài câu hỏi qua điện thoại ông đã biết cô gái mắc chứng trúng hàn sau khi sinh hay còn gọi là bệnh hậu sản. Qua đó, ông dặn dò và bảo cô gái ấy lấy củ gừng đem nướng, giã nát pha nước sôi dùng uống, còn bã gừng thì ăn luôn sau bữa cơm. Ông Cường cho biết sau một tuần, cũng chính cô gái gọi điện thông báo cô đã dần hết bệnh, cháu bé sơ sinh trông mũm mĩm hơn trước nhiều. Bé uống được sữa mẹ, tăng cân nhanh và tay chân của cô cũng dần hết lạnh. “Cô gái không ngớt lời cảm ơn tôi và ghi lại công thức thuốc thật kĩ để chỉ cho mọi người bị bệnh giống như mình. Một thời gian sau, có dịp vào đây cô gái đã bế con và cùng chồng ghé thăm nhà tôi. Họ đem tiền, quà vào tận nhà tôi để cảm ơn”, lương y Cường tâm sự.
Lương y Cường kể, một lần khác, có dịp về thăm vùng núi rừng Quy Nhơn để tìm hiểu thảo dược quý hiếm bào chế thuốc cho phòng khám, sau nhiều ngày vất vả đào bới từng vách núi bờ sông để tìm kiếm thảo dược, cả đoàn người mệt nhoài tấp vào quán cháo vịt ven đường để nghỉ ngơi. Tại đây, mọi người ăn cháo vịt và uống nước giải khát, nhưng chẳng may đến chập tối thì mọi người bị “tào tháo rượt”, bệnh còn nghiêm trọng hơn khi xuất hiện tình trạng tiêu chảy cấp ở một số người có sức đề kháng yếu. Tình hình sức khỏe của mọi người vô cùng nguy kịch, buộc lòng phải quay đầu xe về thành phố Quy Nhơn đi cấp cứu. Trên đường đi, xe phải liên tục dừng lại vì các bệnh nhân bị đau bụng, tiêu chảy. Nhưng trong lúc ấy, cái khó mới ló cái khôn, chính giây phút này lương y Cường đã tìm ra cách chữa dứt hẳn cơn đau quái ác cho mọi người.
“Khi đó nguy lắm rồi, ai lấy cũng mệt lử, phần vì kiệt sức, phần vì cơn đau liên tục kéo dài. Thiết nghĩ nếu không có cách cầm cự hoặc chữa dứt thì sẽ rất nguy hiểm cho mọi người. Biết gừng có tác dụng giải độc rất tốt nhưng cũng không chắc nó có tác dụng với bệnh này hay không. Nhưng vì thấy đau quá không chịu được nên tôi đành liều một phen, tôi cầm chai rượu gừng dùng để xoa bóp tay chân đem ra uống thử. Ai dè ít phút sau thấy bụng bớt đau, rồi tôi cũng phân phát cho mỗi người một ít. Tầm 15 phút sau, các triệu chứng của tiêu chảy cấp cũng thuyên giảm, lúc này mọi người cũng cầm cự được cơn đau chờ xe đưa đến bệnh viện”, ông Cường chia sẻ.
Cũng nhờ chính lần “thập tử nhất sinh” ấy mà ông Cường đã tìm được tác dụng của gừng có khả năng chữa tiêu chảy cấp rất tốt. Ông cũng cho biết thêm cách bào chế rượu gừng để chữa tiêu chảy cấp. Dùng gừng tươi (gừng nhà trồng thì càng tốt - lương y Cường), rửa sạch và giã dập. Đem gừng phơi nắng cho ráo nước rồi cho vào trong lọ ngâm cùng với rượu trắng 35 độ. Rượu ngâm vài ngày là có thể dùng được. Ngoài tác dụng chữa tiêu chảy cấp rượu gừng còn có tác dụng chữa nhức mỏi, cảm lạnh…
Đối với ông, nghề y không chỉ là một cách kiếm sống mà đó là một phương thức, nghệ thuật sống có thể giúp ích cho đời. Đa số những cây cỏ, thuốc trong phòng khám của ông là những cây mà thường ngày chúng ta dễ bắt gặp bên ngoài. Với ông làm sao cho dân biết dân hiểu được thì mới hoàn thành nhiệm vụ lớn nhất của một người hành ghề y. “Tôi là vậy. Luôn mong sao cho mình có thể mang những điều tốt đẹp đến với người bệnh, biến mỗi người trong chúng ta thành một lương y để có thể chữa trị và phòng bệnh cho mình”, lương y Cường chia sẻ.
THÙY DƯƠNG
Bài đã được đăng trên chuyên trang Pháp luật và Cuộc sống – một chuyên trang của báo Đời sống và Pháp luật
Xem thêm video Dấu hiệu bệnh ung thư vú và cách chữa trị
[mecloud]i0YjFThzRW [/mecloud]