Trong khi người dân cho biết, cách chữa bệnh của "thần y" Võ Hoàng Yên không hiệu quả thì Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bình Thuận cho biết, cá nhân ông chưa đồng ý về mặt tay nghề và cách chữa bệnh của ông Yên.
Những ngày qua dư luận đang xôn xao về hoạt động khám chữa bệnh của "thần y" Võ Hoàng Yên (SN 1975, quê Cà Mau, tạm trú tại tỉnh Bình Thuận).
Trả lời báo Người Lao động, ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Bình Thuận, hiện tại ngoài phòng thuốc nam tại Hưng An Tự ở xã Gia An (huyện Tánh Linh) thì ông Võ Hoàng Yên còn đăng ký khám bệnh tại phòng thuốc nam Phước Thiện Hưng Nghĩa Tự tại khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. Đây là một cơ sở khám chữa bệnh do người khác đứng tên, được sở Y tế tỉnh Bình Thuận cấp phép vào tháng 1/2019, ông Yên là người giúp việc chuyên môn.
Địa điểm nơi "thần y" Võ Hoàng Yên từng nhiều lần đến hành nghề chữa bệnh. Ảnh: Báo Giao thông |
Theo ông Hồng, hàng tháng, theo quy định thì các cơ sở khám chữa bệnh phải có báo cáo hoạt động cho phòng y tế.
"Ngoài ra chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra từng cơ sở y tế hằng năm. Còn đánh giá về hoạt động chuyên môn hiệu quả như thế nào, như trường hợp các phòng thuốc của ông Yên thì không thể đánh giá chuyên sâu được. Tuy nhiên, từ những ồn ào của dư luận vừa qua thì sắp tới thanh tra sở sẽ có kế hoạch kiểm tra những cơ sở này" - ông Hồng nhấn mạnh.
Trong khi đó, trả lời báo Giao thông, ông Trần Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bình Thuận, đơn vị mà ông Võ Hoàng Yên đăng ký là hội viên sinh hoạt tại Chi hội Đông y xã Gia An (huyện Tánh Linh) từ năm 2015, cho biết: Ngoài phòng khám thuốc nam Phước Thiện Hưng Nghĩa Tự, ông Võ Hoàng Yên còn đăng ký khám bệnh tại phòng thuốc tại Hưng An Tự. Tại 2 cơ sở này ông Yên chỉ là phụ việc chuyên môn, không đứng tên chủ cơ sở chữa bệnh.
Theo ông Tuấn, cá nhân ông chưa đồng ý về mặt tay nghề và cách chữa bệnh của ông Yên, còn hiệu quả chữa bệnh phải có hội đồng đánh giá.
"Qua theo dõi và một số đồng nghiệp đóng góp ý kiến, tôi cũng đặt ra nhiều câu hỏi về người này. Vài tháng trước khi xảy ra sự việc lùm xùm, cá nhân tôi cũng nghi ngờ. Sự việc xảy ra (ông Yên bị tố lừa đào) đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y học cổ truyền tỉnh Bình Thuận”, ông Tuấn bày tỏ.
Người giáp mặt "thần y" nói gì? Chia sẻ với PV báo Giao thông, anh Giàu (ngụ xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) cho biết, người dân các tỉnh đến khám bệnh ở Tịnh độ cư sĩ Phật hội việt Nam Hưng Nghĩa Tự khá đông. “Có mấy lần ổng xuống mà tôi chưa gặp. Dân địa phương đến chữa bệnh một lần rồi sợ không dám đến chữa nữa. Cách chữa không hiệu quả, với lại bị đau nên không đi khám lại”, anh Giàu cho hay. Từng giáp mặt "thần y", bà Nguyễn Thị Thanh Tuyết (thôn An Bình, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân) cho biết, bà bị đau lưng, đau khớp và cũng thường xuyên làm công quả ở chùa này, "hay tin thầy lâu lâu mới về một lần nên tôi đến khám bệnh xem ra sao...". “Lần đó thầy không trực tiếp chữa nhưng có đệ tử khám bệnh cho tôi. Người ta đấm… đấm, người ta làm mạnh tay dữ lắm nhưng sau đó về nhà cũng không hết bệnh”, bà Tuyết kể. |
Hoàng Yên (T/h)