(ĐS&PL)Từ việc không xử lý triệt để những sai phạm được nêu tại Kết luận thanh tra số 2623/KL-TTCP đã xảy ra tình trạng “sai phạm chồng sai phạm” tại DA KCN Phú Tân. Trong đó, sau khi thu mua thành công Công ty CP đầu tư xây dựng công nghiệp Nam Kim (đến nay Công ty Nam Kim chỉ thực hiện duy nhất dự án KCN Phú Tân), Kim Oanh Group đã đẩy mạnh việc thực hiện các bước quy hoạch lại dự án (DA). Đồng thời, Công ty Nam Kim đã dùng nhiều hình thức khác nhau như ký hợp đồng vay vốn, góp vốn…Tuy nhiên, đây là những dấu hiệu của việc huy động vốn trái luật và Công ty Nam Kim lấy toàn bộ diện tích đất còn lại của DA thế chấp ngân hàng.
Huy động vốn trái luật từ hàng trăm khách hàngNgày 29/11/2019, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương về việc Điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư DA KCN Phú Tân thì thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư được căn cứ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 và khoản 4 Điều 40 Luật Đất đai 2014, DA thuộc quyền quyết định và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, chỉ đạo nhà đầu tư hoàn chỉnh nội dung hồ sơ đầu tư DA để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Như vậy, có thể hiểu rằng những quyết định liên quan đến DA KCN Phú Tân phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mới được thực hiện.
Cảnh hoang vắng tại ĐA KCN Phú Tân
Tuy vậy, ngày 4/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã ký Quyết định số 20/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 (Quy hoạch phân khu) KCN Phú Tân và quyết định này thay thế cho Quyết định số 2933/QĐ-UBND ngày 22/6/2006 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Phú Gia thuộc Khu liên hợp Bình Dương.
Đến ngày 30/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chính thức ban hành Quyết định số 1447/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương về Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị - dịch vụ Phú Hòa (một phần chuyển đổi của KCN Phú Tân) với tổng diện tích là 266.968 m2 (hơn 26,6 ha), quy mô dân số khoảng 10.717 người.
Cuối năm 2019, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã có văn bản xác định: “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại KĐT - dịch vụ Hòa Phú đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của DA nên chưa thực hiện xác định nghĩa vụ tài chính theo giá thị trường”.
Trong khi đó, bằng hình thức khác nhau Công ty Nam Kim đã ký hợp đồng vay tiền của hàng trăm người nhưng có dấu hiệu huy động vốn trái phép của khách hàng để thực hiện DA. Theo tài liệu chúng tôi có được, từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019 Công ty Nam Kim đã có 651 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng với tổng số tiền khoảng hơn 405 tỷ đồng (chưa kể giao dịch tiền mặt). Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng…
Không chỉ dừng ở đó, ngày 8/10/2019, Công ty Nam Kim do bà Nguyễn Thị Nhung làm Tổng Giám đốc đã ký Hợp đồng thế chấp số 0058/2019/BĐ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh bằng KCN Phú Tân để bảo lãnh cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi do ông Nguyễn Thuận làm Tổng giám đốc vay hơn 1.085,8 tỷ đồng, với thời hạn 5 năm (từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2024). Ông Nguyễn Thuận là chồng của bà Đặng Thị Kim Oanh và là bố của bà Nguyễn Thị Nhung.
Cần sớm có sự vào cuộc từ các cấp chính quyền
Với tình trạng pháp lý của hai DA nêu trên và có hàng trăm giao dịch được ký hợp đồng bằng hình thức vay tiền như nêu ở trên liệu có tác động xấu đến quyền lợi của khách hàng, những nhà đầu tư tại DA Phú Tân?.
Nói về điều này, ông Lại Văn Tư- chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) cho rằng: Đây là một hình thức huy động vốn trá hình của chủ đầu tư và đã vi phạm nghiêm trọng Luật Kinh doanh BĐS được ban hành năm 2014, đã được điều chỉnh sửa đổi những vấn đề phát sinh trong mua bán, chuyển nhượng, kinh doanh dịch vụ BĐS… Trong đó, quy định việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 55, Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS.
Thực tế, trước khi thu mua Công ty Nam Kim, Kim Oanh Group đã “thâu tóm” Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) trong thực hiện DA KĐT - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú (KĐT Tân Phú) có diện tích 43ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (DA cùng nằm trong Khu liên hợp Bình Dương. Liên quan đến KĐT Tân Phú, cuối năm 2019 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (nay là Tổng Công ty CP Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương – TCT Bình Dương). Trong khi đó, sau khi thu mua Công ty Tân Phú và triển khai DA Kim Oanh Group đã bịThanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 08/QĐ-XPVPHC ngày 12/02/2018 đối với Công ty Tân Phú do đã có hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định và đã bàn giao Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu Công ty nghiêm túc chấp hành Quyết định, thực hiện ngừng việc tổ chức thi công xây dựng tại dự án và phải lập thủ tục xin phép xây dựng theo quy định. Tuy vậy, bằng nhiều hình thức khác nhau như ký hợp đồng vay vốn đầu tư Kim Oanh Group đã ồ ạt huy động vốn từ hàng trăm khách hàng khác nhau tại DA KĐT Tân Phú.
Những diễn biến nêu trên cho thấy, với mục tiêu tạo lực để phát triển của “siêu” DA Khu liên hợp Bình Dương, chính quyền tỉnh Bình Dương đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt cho nhiều doanh nghiệp địa phương, nhưng những biệt đãi này dường như đã bị biến tướng với những hệ lụy nhãn tiền. Đã đến lúc chính quyền tỉnh Bình Dương cần có giải pháp đủ mạnh để giải quyết dứt điểm thực trạng “thâu tóm” doanh nghiệp với mục đích “xẻ thịt” những DA “chết” rồi huy động vốn như của Kim Oanh Group nêu ở trên.
Theo Truyền hình Người đưa tin