+Aa-
    Zalo

    Lùm xùm của bà Phương Hằng và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: Lấy sao kê của người khác có vi phạm pháp luật?

    (ĐS&PL) - Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi để lộ sao kê tài khoản ngân hàng của khách hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Tối 24/8, cộng đồng mạng xôn xao khi bà Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng - tức Dũng "lò vôi") livestream chia sẻ về chuyện từ thiện. Đáng chú ý, nữ CEO này bất ngờ lên tiếng tố ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Phía này cho biết hiện đang giữ khoảng 1,9kg giấy tờ sao kê từ tài khoản ngân hàng của "ông hoàng nhạc Việt".

    Chưa dừng lại ở đó, bà Phương Hằng còn cho biết với số lượng giấy sao kê kể trên, số tiền người dân ủng hộ không chỉ có 1,8 tỷ đồng như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã làm từ thiện trước đó. Thay vào đó, CEO Công ty cổ phần Đại Nam còn công bố số tiền thực sự trong tài khoản từ thiện của nam ca sĩ lên đến hơn 96 tỷ đồng.

    Bà Hằng cũng lên tiếng nếu trong một tuần nữa Đàm Vĩnh Hưng không công khai bản sao kê tổng số tiền từ thiện anh nhận được, bà sẽ tung bằng chứng và nhờ pháp luật can thiệp.

    Trước vụ việc này, nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao bà Phương Hằng lại có giấy tờ sao kê từ tài khoản ngân hàng của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng? Ai là người cung cấp những thông tin này cho bà Hằng? Liệu việc bà Phương Hằng lấy bản sao kê tài khoản ngân hàng của Đàm Vĩnh Hưng có vi phạm pháp luật?

    ba phuong hang tuyen bo dang giu giay sao ke cua mr dam lay sao ke cua nguoi khac co vi pham phap luat
    Bà Phương Hằng và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

    Trao đổi với PV ĐS&PL, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho biết, dữ liệu ngân hàng nói chung và thông tin tài khoản ngân hàng nói riêng thuộc loại tuyệt đối bảo mật. Cụ thể Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định về “Bảo mật thông tin” như sau: "... Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    Cùng với đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

    Theo quy định tại Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì ngân hàng chỉ được phép cung cấp thông tin trong ba trường hợp: (1) theo yêu cầu của khách hàng hoặc khách hàng cho phép; (2) theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhà nước, cơ quan pháp luật (toà án, công an, cơ quan thuế,...); (3) cho việc phục vụ hoạt động nội bộ.

    Như vậy, trừ các trường hợp trên, thì thông tin của khách hàng phải được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng bảo mật tuyệt đối, không được tiết lộ hoặc cung cấp cho bất kỳ cá nhân nào dưới mọi hình thức.

    “Theo quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 47, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, thì hành vi: Làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng .Đối với tổ chức vi phạm thì phạt gấp 2 lần mức này" căn cứ theo Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

    Đồng thời, tùy tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, mà người thực hiện còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, luật sư Kiên thông tin.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm. Đồng thời, bên vi phạm nếu gây thiệt hại cho người bị tiết lộ thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

    Luật sư Kiên cũng nhấn mạnh: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ và việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý... Chính vì vậy, mọi hành động xâm phạm những điều đó sẽ là hành vi vi phạm pháp luật”.

    Khánh Ngân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lum-xum-cua-ba-phuong-hang-va-ca-si-dam-vinh-hung-lay-sao-ke-cua-nguoi-khac-co-vi-pham-phap-luat-a511202.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan