(ĐSPL) - Luật sư Lê Minh Công – Trưởng VP luật sư số VI là người đã hoạt động tố tụng trong rất nhiều năm. Ông là người đã bào chữa hàng trăm vụ án. Trải lòng với PV trong một chiều giáp Tết, luật sư đã kể về một trong những vụ án ông nhớ nhất. Câu chuyện diễn ra ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Lào Cai.
Theo luật sư Công, ngày 20/8/2013 UBND xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát ra thông báo 39/TB-BCĐ và Quyết định số 55/QĐ-UBND gửi đến Trần Văn Đ. và một số hộ dân ở 3 thôn Minh Tân, Minh Trang và Bản Trang xã Cốc Mỳ về việc ngày 22/08/2013 UBND xã sẽ tổ chức tháo dỡ lều lán dựng trái phép trên đường công vụ vào hồ thải của công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền.
Do biết được thông báo và Quyết định của UBND xã ngày 22/08/2013 sẽ tiến hành tháo dỡ lều lán nên khoảng 17 giờ ngày 21/8/2013 Trần Văn Đ. rủ Phàn A H. đến nhà Tẩn Thị Vân là người cùng thôn để lấy phân lợn. Được H. đồng ý nên Đ. và H. đem theo 2 vỏ bao tải cám cò đến nhà Vân lấy phân lợn, sau đó mỗi người chở một bao phân lợn đến khu vực hai chiếc lều dựng trái phép cất giấu ở đó. Khoảng 8h30 ngày 22/8/2013 lực lưỡng cưỡng chế gồm cán bộ công ty Mỏ tuyền đồng Sin Quyền và cán bộ xã Cốc Mỳ đến thực hiện theo kế hoạch số 28 ngày 20/8/2013 của UBND xã Cốc Mỳ.
Ông Nguyễn Trọng Q. phó chủ tịch xã Cốc Mỳ được UBND xã giao trực tiếp chỉ đạo lực lượng tháo dỡ lán số 2, lán số 3. Ông Vũ Xuân V. - Trưởng phòng bảo vệ công Mỏ tuyển đồng Sin Quyền được Công ty giao nhiệm vụ vận động các hộ dân tự tháo dỡ lều lán đã dựng trái phép nhưng các hộ dân không chấp hành.
Lúc đó Trần Văn Đ. bế một bao tải phân lợn đổ ra đường dùng để ném vào lực lượng thì lực lượng công nhân mỏ đồng đã dùng xẻng xúc đất lấp đi, lúc đó Đức tiếp tục bê bao phân khác đổ ra đường và dùng hai tay bốc phân hát thẳng vào mặt ngực ông Nguyễn Trọng Q. đang đứng chỉ đạo lực lượng cưỡng chế làm phân lợn dính đầy vào trước mặt phần kính mũ bảo hiểm đang đội trên đầu và phần áo ngực cổ áo của ông Q. và ông Vũ Xuân V. cũng bị phân hắt vào vai tay áo. Ngày sau đó Đ. đã bị lực lượng Công an viên và Công an huyện Bát Xát và bị khởi tố về 2 tội ”làm nhục người thi hành công vụ” và “làm nhục nhiều người”.
LS Lê Minh Công đã có 1 kỷ niệm đáng nhớ. |
Luật sư Công cho hay, Trần Văn Đ. là một người dân vùng núi nên thật thà nhưng tính tình nóng nảy. Để dẫn đến việc dùng phân ném người khác là do bức xúc việc đền bù và cưỡng chế thỏa đáng. Tại cơ quan điều tra, Đ. đã khai nhận hành vi nhưng theo luật sư Công tội danh của bị can không đúng.
Tại phiên tòa sơ thẩm luật sư Công đã phân tích hồ sơ tố tụng, chỉ ra được cơ quan điều tra và VKS cấp huyện đó vi phạm về tố tụng. Theo đó, tất cả văn bản điều tra, lấy lời khai đều không có đóng dấu, xác định là của cơ quan nào thu thập lấy lời khai đấy.
Thời điểm ban đầu khi hồ sơ chưa chuyển sang tòa, thì cơ quan điều tra không cho luật sư vào cuộc với lý do “đây là vụ án nhạy cảm ở vùng địa phương đang giải phóng mặt bằng”. Mặc dù đã làm kiến nghị nhưng nhiều lần bị cản trở, né tránh và không nhận được hợp tác của cơ quan điều tra.
Tại phiên tòa, luật sư đã đề nghị tất cả những văn bản này đều không có giá trị để đánh giá chứng cứ. Hội đồng xét xử đề nghị VKS cho ý kiến, VKS trả lời “ở đây địa phương thì thường xuyên làm như thế,quen rồi cho nên lấy hồ sơ rồi không cần làm lại”.
“Theo ảnh chụp của ông Vẻ sau khi vụ việc xảy ra thì vết bẩn trên áo ông V. có hình dạng vệt nhỏ, ngắn theo chiều dọc hoàn toàn khác với vết bẩn do bị phân hắt vào trên người ông Q. như từng mảng dính cục, bết lại một khu vực. Ngoài ra tại nơi xảy ra vụ việc có rất đông người, tình hình lại lộn xộn nên có thể vết bẩn trên người ông V. là do va quệt hoặc bị đất bẩn dây vào mà có. Cũng theo biên bản xác định hiện trường chỉ thể hiện vị trí của anh Đ. và ông Q. ở gần nhau khi xảy ra sự việc mà không có ông Vẻ.” – trích dẫn từ quan điểm luật sư trong phiên tòa Sơ Thẩm.
Tại phiên tòa Sơ thẩm, luật sư Lê Minh Công đã chỉ ra rằng những tất cả hồ sơ, bản ảnh và sơ đồ hiện trường cơ quan điều tra chỉ chứng minh vi phạm với một người. Như vậy đã có thể bác yếu tố “làm nhục với nhiều người.” Khi tranh luận tại phiên tòa, VKS của huyện Bát Xát đã phải chấp nhận. Kết thúc phiên tòa cấp sơ thẩm đã bác bỏ được yếu tố “làm nhục nhiều người” của bị can Đ. vì không có căn cứ.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại khi Đ. vẫn còn tội danh “làm nhục người thi hành công vụ”. Nhận thấy Đ. là một người thật thà, sống ở vùng miền núi lâu năm. Gia đình Đ. khá hoàn cảnh, lại 2 con nhỏ đang đi học. Đ. lại là lao động trụ cột trong nhà, thu nhập chính bằng làm nông nghiệp nếu mà phải ngồi tù thì gia đình càng thêm khó khăn. Luật sư Công lại tiếp tục tìm hiểu nhằm giúp đỡ người đàn ông tội nghiệp này.
Tại phiên tòa Phúc thẩm, khi kháng cáo lên tòa án tỉnh Lào Cai, luật sư Công đã làm những văn bản trao đổi với VKS của tỉnh. Trong hồ sơ có bút lục đánh máy in, nhưng bất ngờ xuất hiện một bút lục số 22a “thực hiện kế hoạch giải phóng cưỡng chế mặt bằng, mời đồng chí Trần Trọng Q. đến tham dự”. Như vậy đồng chí Trần trọng Q. không phải là người có chức vụ tham gia giải phóng mặt bằng.
Bút lục 22b có nội dung viết tay ghi “phân công đồng chí Trần Trọng Q. làm phó ban giải phóng mặt bằng”. Tại phiên tòa, luật sư đã bác được bút lục này, VKS tỉnh Lào Cai đã công nhận bị can này không phạm tội “đối với người thi hành công vụ”.
Như vậy sau 2 phiên tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã bác bỏ được 2 tội danh cho bị can. Kết thúc vụ án, bị can Trần Văn Đ. chỉ bị quy vào tội “gây rối trật tự công cộng”.
Trải lòng với PV, luật sư Công nói gia đình anh Đ. đã vỡ òa trong sự vui mừng. Không phải vì được giảm tội mà anh Đ. đã được chịu hình phạt đúng với hành vi và tội danh của mình.
Đó là câu chuyện vị luật sư này có thể sẽ nhớ mãi trong nghề “bào chữa đúng người đúng tội” của mình. “Nghề bào chữa luôn nhiều điều bí ẩn và đầy khó khăn. Nhưng điều mà luật sư luôn mong muốn bị can dù có mắc sai lầm chịu hình phạt đúng tội”