+Aa-
    Zalo

    Luật sư nói không có cơ sở quy kết cho ông Thanh, bà Bích đồng phạm và trốn thuế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 17/1, phiên toà phúc thẩm đại án VNCB tiếp tục phần đối đáp, tranh luận giữa luật sư với đại diện Viện Kiểm sát.

    Ngày 17/1, phiên toà phúc thẩm đại án VNCB tiếp tục phần đối đáp, tranh luận giữa luật sư với đại diện Viện Kiểm sát. Việc thu hồi hay không thu hồi số tiền 5.600 tỉ đồng từ ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích là vấn đề được tranh luận khá căng thẳng tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm đang diễn ra.

    Tại tòa, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên bảo vệ quyền lợi cho ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích, cho rằng việc VKS quy kết cho ông Thanh, bà Bích đồng phạm và trốn thuế là không có cơ sở.
    Luật sư Uyên cũng nêu rằng, hiện cơ quan tố tụng chưa kiên quyết thu hồi tiền khắc phục hậu quả, gián tiếp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Thanh, bà Bích. Ngoài Phạm Công Danh, các bị cáo khác không phải bồi thường.

    Các khoản tiền Phạm Công Danh trả cho ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích được cho là vật chứng, bị thu hồi nhưng các khoản khác trả cho một số ngân hàng khác, Cty Hải Tiến lại không bị xác định là vật chứng, không bị thu hồi.

    Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên tổng hợp 20 vụ án đã được xét xử về về tội danh tương tự như vụ án Phạm Công Danh, trong đó có nhiều vụ được dư luận đặc biệt quan tâm, nhưng không có vụ án nào thu hồi, xử lý vật chứng như vụ án Phạm Công Danh.

    Hơn 5.600 tỷ đồng đã được Bản án sơ thẩm tuyên thu hồi từ ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích do xác định đây là vật chứng trong các hành vi cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay của Phạm Công Danh và đồng phạm. Theo Bản án, số tiền này bị Phạm Công Danh rút ra từ Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), trả cho ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích cho các giao dịch khác. Việc thu hồi hay không thu hồi số tiền này đã được tranh luận khá căng thẳng tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm.

    Cũng liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Đôn Hùng- Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh là luật sư có nhiều kinh nghiệm trong các vụ án liên quan đến ngành ngân hàng, đã có những bình luận, phân tích rất đáng chú ý về vấn đề này.

    Bản chất xử lý vật chứng không có tính chất trừng phạt

    Theo luật sư Hoàng Đôn Hùng phân tích thì Bộ luật Hình sự có quy định về biện pháp tư pháp là thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đây là biện pháp cưỡng chế, có tính chất trừng phạt, áp dụng với người phạm tội với các tội danh có hành vi vụ lợi như chiếm đoạt tài sản, thu lời bất chính (buôn lậu, cờ bạc …). Với các tội danh không mang tính chất vụ lợi như cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay thì không có khái niệm tài sản do phạm tội mà có. Do đó, với vụ án Phạm Công Danh, bản án sơ thẩm không xác định số tiền hơn 5.600 tỷ đồng trên là tài sản do phạm tội mà có. Bản án sơ thẩm xác định số tiền hơn 5.600 tỷ đồng trên là vật chứng và thu hồi trả cho VNCB. Vấn đề đang tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm Phạm Công Danh là số tiền này có phải vật chứng không, nếu có thì có thể thu hồi để trả cho VNCB không?

    Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, vật chứng là những gì có thật, có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội, được các cơ quan có thẩm quyền thu thập theo đúng trình tự trong quá trình xử lý vụ án. Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ được cơ quan tố tụng thu thập để chứng minh tội phạm. Khi vụ án được xử lý, tức việc chứng minh tội phạm đã hoàn thành, cơ quan tố tụng phải ra các quyết định xử lý các vật chứng đã được thu thập trước đó. Pháp luật quy định các biện pháp xử lý vật chứng có thể là: tịch thu với những vật cấm lưu hành (súng, đạn …), với tài sản do phạm tội mà có (với những hành vi vụ lợi như chiếm đoạt, buôn lậu …); trả lại cho chủ sở hữu những tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép … Bản chất của xử lý vật chứng không có tính chất trừng phạt, chỉ là thủ tục tố tụng xử lý những gì đã thu thập nhằm chứng minh tội phạm, khi việc chứng minh đã hoàn thành.

    Theo Bản án sơ thẩm, Phạm Công Danh có hành vi cố ý làm trái khi rút 5.190 tỷ đồng từ VNCB không có chứng từ. Số tiền này được chuyển cho ông Trần Quí Thanh trả nợ cho giao dịch cá nhân khác. Ông Trần Quí Thanh đã chuyển số tiền này cho nhiều người khác, những người này lại dùng để trả nợ các khoản vay tại VNCB.Về hành vi vi phạm quy định về cho vay, Phạm Công Danh rút tiền vay của VNCB qua các công ty của mình, sau đó bên vay tại VNCB lại chuyển cho các công ty, cá nhân khác trước khi chuyển cho ông Trần Quí Thanh (500 tỷ đồng), bà Trần Ngọc Bích (119 tỷ đồng). Ông Thanh, bà Bích tiếp tục dùng số tiền này cho các mục đích cá nhân khác.

    “Các khoản tiền trên được Tòa sơ thẩm xác định là vật chứng và thu hồi từ ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích để trả lại cho VNCB. Việc thu hồi này không xuất phát từ bất cứ sai phạm nào của ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích. Quyết định thu hồi số tiền này không đồng nghĩa với việc buộc ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích phải chịu trách nhiệm tài sản về hành vi của Phạm Công Danh. Tuy nhiên, hậu quả của hành vi này là ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích bị mất tiền khi không có lỗi. Theo quy định pháp luật, toàn bộ số tiền trên không phải là vật chứng vì các lý do sau: tất cả số tiền này không còn tồn tại vào thời điểm xét xử sơ thẩm.Khi Tòa sơ thẩm quyết định thu hồi, ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích không còn quản lý số tiền này. Số tiền 5.190 tỷ đồng đã được chuyển cho VNCB, hiện đang do VNCB quản lý. Các khoản còn lại Tòa sơ thẩm không xác định được ai đang quản lý để thu hồi. Tất cả số tiền này không hề được thu thập, quản lý theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự”- luật sư Hùng trao đổi.

    Giao dịch ngay tình được pháp luật bảo vệ

    Theo luật sư phân tích thì về bản chất, Tòa sơ thẩm đã thu hồi “giá trị khoản tiền” từ ông Thanh, bà Bích nhằm mục đích khắc phục hậu quả cho VNCB chứ không phải là thu hồi “vật chứng”, là một vật cụ thể đã được thu thập trước đó, để chứng minh tội phạm. Không thể căn cứ vào quy định pháp luật về xử lý vật chứng để thu hồi một tài sản không tồn tại hoặc thu hồi “giá trị khoản tiền” như Bản án sơ thẩm đã quyết định. Bên cạnh đó, việc ông Thanh, bà Bích nhận những khoản tiền này xuất phát từ các giao dịch ngay tình, được pháp luật bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự nên không thể buộc ông Thanh, bà Bích trả lại số tiền này.

    Luật sư Hùng phân tích rằng: Để dễ hiểu, có thể lấy ví dụ thay vì trả nợ cho ông Trần Quí Thanh, Phạm Công Danh dùng tiền rút từ VNCB đi ăn phở. Khi xét xử hành vi phạm tội của Phạm Công Danh thì Tòa sẽ không thể áp dụng quy định pháp luật về xử lý vật chứng để buộc người bán phở trả lại tiền tô phở. Vì giao dịch mua bán phở là giao dịch ngay tình, người bán phở không thể và không có nghĩa vụ phải biết Phạm Công Danh dùng tiền rút từ VNCB để mua phở. Đồng thời, tiền của Phạm Công Danh trả cho tô phở cũng đã được người bán phở trả tiền điện, trả tiền nước, trả tiền nguyên liệu, nhân công, tiền thuế. Không thể xác định được đồng tiền Phạm Công Danh rút từ VNCB đang ở đâu.

    Thực tiễn áp dụng pháp luật chưa có vụ án nào xác định và thu hồi vật chứng như Bản án sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh, kể cả những vụ án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm như Dương Chí Dũng tại Vinalines, Phạm Thanh Bình tại Vinashin, Huỳnh Thị Huyền Như tại Vietinbank, vụ án tại Công ty cho thuê tài chính II Ngân hàng Nông nghiệp …

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-su-noi-khong-co-co-so-quy-ket-cho-ong-thanh-ba-bich-dong-pham-va-tron-thue-a178741.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan