Liên quan đến vụ Huyền Như lừa 4.000 tỷ, các luật sư đề nghị khởi tố Tienphong Bank (TPB) về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước.
Ngày 26/12/2014, phiên tòa xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo tiếp tục diễn ra với phần tranh luận của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Trong đó, các luật sư đề nghị khởi tố Tienphong Bank (TPB) về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước.
Tienphong Bank sai phạm gì?
Trong phần trình bày luận cứ bảo vệ VietinBank, Luật sư Lê Hồng Nguyên (Đoàn Luật sư TP. HCM) và Luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn Luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu) đều cho rằng nguồn tiền của công ty CK Phương Đông (ORS) và công ty An Lộc gửi vào VietinBank là của TPB xuất phát từ các giao dịch đã được cơ quan quản lý Nhà nước xác định là vi phạm quy định của pháp luật.
Chứng cứ được dẫn tại tòa cho thấy, tháng 8/2011, Ban Lãnh đạo TPB đã có chủ trương gửi tiền vào các tổ chức tín dụng (TCTD) để được hưởng lãi suất (LS) cao hơn LS thị trường liên ngân hàng.
Thực hiện chủ trương này, Lê Thị Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm nguồn vốn của TPB đã trình Uỷ ban đầu tư (UBĐT) của TPB và được phê duyệt cấp hạn mức giao dịch cho ORS dưới hình thức hợp đồng tư vấn/môi giới đầu tư chứng khoán và công ty Quản lý quỹ Lộc Việt.
Sau đó, Thanh Phương liên lạc và thỏa thuận với Huyền Như về việc TPB thông qua ORS, Quỹ Lộc Việt và các công ty con gửi tiền vào VietinBank.
Huyền Như đồng ý thỏa thuận LS ghi trong hợp đồng (HĐ) là 14\%/năm, LS ngoài HĐ từ 5,2 - 5,5\%/năm và chi riêng cho cá nhân Phương là 2\% trên tổng số tiền gửi của TPB.
“Giao dịch này được thực hiện khi chưa có hướng dẫn NHNN là vi phạm quy định tại Điều 106 Luật Tổ chức tín dụng 2010” - Luật sư Nguyên khẳng định.
Đồng thời việc TPB ký HĐ Tư vấn môi giới mua chứng khoán với ORS nhưng ORS không thu phí tư vấn của TPB mà ORS lại phải trả LS cho TPB từ 18.8\% - 20\%/năm cho thấy bản chất là việc TPB cho vay đối với ORS.
Việc cho vay, đầu tư trái phiếu khi các doanh nghiệp không có dự án đầu tư, không hoạt động sản xuất kinh doanh đã vi phạm Điều 4 Nghị định 52/2006/NĐ-CP của Chính Phủ, Điều 7 Quy chế cho vay 1627/2001 của NHNN.
Các bị cáo trong vụ "đại án" Huyền Như lừa 4.000 tỷ tại phiên phúc thẩm. |
Luật sư đề nghị khởi tố TienPhong Bank
Trong phần tiếp theo của bài tranh luận, các luật sư tiếp tục đưa ra các luận cứ chứng minh Huyền Như đã có ý đồ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các công ty ngay từ đầu. Các chứng cứ cũng cho thấy các công ty này không trực tiếp giao dịch với VietinBank mà chỉ giao dịch với Huyền Như.
Chính vì thế, các cá nhân đứng ra gửi tiền cũng không thực hiện trách nhiệm chủ tài khoản (TK), không theo dõi hoạt động trên TK thanh toán, không thực hiện lấy sao kê TK. Ngoài ra, khi có giao dịch lạ nhưng vẫn chấp nhận mà không báo cho VietinBank.
Đặc biệt, chủ TK ORS biết Huyền Như đã trích tiền từ TK ORS nhưng vẫn chấp nhận ký khống lệnh chi, vô tình tiếp tay giúp Huyền Như lừa đảo và chiếm đoạt tiền.
Công bố lời khai của ông Nguyễn Hữu Chương - Chủ tịch HĐQT Công ty An Lộc khi làm việc với Cơ quan Điều tra cho thấy: Toàn bộ đàm phán, giao dịch thỏa thuận, soạn thảo các hợp đồng đều do TPB thực hiện.
“Công ty An Lộc khẳng định là không có giao dịch gì với VietinBank. Tiền là do TBP gửi vào VietinBank để hưởng lợi” - Luật sư Nguyên nhấn mạnh lời khai của Chủ tịch HĐQT Công ty An Lộc.
Các Luật sư khẳng định, hành vi sai phạm của TPB không khác gì hành vi sai phạm của Maritime Bank, ACB, Navibank. VietinBank hoàn toàn không biết nguồn tiền gửi của TPB, nội dung thỏa thuận ngầm với LS vượt trần giữa cá nhân Huyền Như với TPB.
NHCT hoàn toàn không có lỗi đối với các sai phạm của lãnh đạo và nhân viên TPB, ORS và An Lộc; không có lỗi đối với sự tắc trách của các nhân viên TPB, ORS và An Lộc. Do vậy, VietinBank không chịu trách nhiệm về các thiệt hại của An Lộc, ORS.
Kết thúc phần tranh tụng, Luật sư Trương Xuân Tám nói: Nhân danh công dân hành nghề Luật, được đọc những chứng cứ trong hồ sơ một cách công khai và trình bày công khai trên tòa này, tôi đề nghị HĐXX khởi tố vụ án cố ý làm trái xảy ra tại TPB và tìm đến tận cùng vấn đề mới ngăn chặn được những nguyên nhân và điều kiện có thể xảy ra các vi phạm trong này.
Từ đó làm lành mạnh hoạt động tín dụng ngân hàng và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giúp kinh tế phát triển.