Theo thông tin trên Toutiao, cách đây không lâu, bé trai họ Thạch (13 tuổi, ở Hồ Bắc, Trung Quốc) từng khiến cư dân mạng trầm trồ khi bình tĩnh cứu mình thoát khỏi tình huống nguy hiểm.
Cụ thể, vào 15h56 hôm xảy ra sự việc, bé trai ở nhà một mình. Vì thời tiết hôm đó khá lạnh nên cậu bé dùng lửa than để sưởi ấm. Không lâu sau, bé trai bất ngờ ngửi thấy mùi khói nên cúi xuống kiểm tra lò than, phát hiện đôi giày bông đặt gần đó bị bắt lửa.
Cậu bé lập tức ném đôi giày bông cháy ra khỏi cửa nhưng ngọn lửa lúc này đã lan rộng, bén vào khăn trải bàn gần đó. Tuy vô cùng sợ hãi nhưng cậu cố gắng giữ bình tĩnh để xử lý tình huống.
Đầu tiên, bé trai nhanh chóng kéo lò than tránh xa khu vực bàn ghế và các vật dễ cháy khác để ngăn lửa tiếp tục lan rộng, rồi chạy ra cửa sổ hô hoán nhờ người giúp đỡ.
Sau đó, cậu chạy lên tầng 2 lấy bình chữa cháy, rút chốt an toàn và hướng vòi phun xịt về phía chiếc khăn trải bàn đang bốc cháy. Chưa đầy 3 phút sau, ngọn lửa đã được dập tắt thành công.
Đoạn video ghi lại sự việc thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Nhiều người dành lời khen cho sự thông minh và nhanh trí của bé trai. Nếu cậu bé không kịp thời xử lý tình huống, để ngọn lửa lan rộng thì hậu quả rất khó lường.
Một số cư dân mạng lại lưu ý cha mẹ bé trai cần nhắc nhở con cẩn thận hơn khi sử dụng lửa để sưởi ấm trong lúc người lớn không ở nhà, tránh sự cố nguy hiểm tương tự xảy ra.
Hỏa hoạn rất nguy hiểm, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về cả người và tài sản. Do đó, việc huấn luyện kỹ năng ứng phó khi xảy ra hỏa hoạn cho mọi người, đặc biệt là cho trẻ em cần được quan tâm chú trọng.
Tất cả phụ huynh, giáo viên và người chăm sóc trẻ em nên hợp tác với nhau để dạy trẻ về các nguyên tắc cơ bản của an toàn cháy nổ. Theo thông tin trên báo Giáo Dục và Thời Đại, dưới đây là một số điều quan trọng nhất mà trẻ nên học.
Biết cụ thể vị trí lối thoát hiểm
Dù ở nhà hay ở trường, trẻ nên biết về các lối thoát hiểm. Trẻ lớn hơn đủ trưởng thành để hiểu các hướng dẫn về lối thoát hiểm hỏa hoạn gần nhất nằm trong khuôn viên nơi các em thường ở.
Các em cần biết những kỹ năng chính xác để trốn thoát. Điều này có thể được thực hiện thông qua thực hành diễn tập phòng cháy chữa cháy thông thường.
Cha mẹ và giáo viên cần dạy trẻ chạm vào tay nắm cửa trước khi mở để biết ở phía bên kia có lửa hay không. Đồng thời, yêu cầu các em tập bò trong buổi diễn tập chữa cháy vì khói độc có xu hướng bốc lên không trung khi xảy ra hỏa hoạn.
Hiểu biết về thiết bị phòng cháy chữa cháy
Trẻ em cũng nên biết về các thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy cơ bản, gồm bình chữa cháy, thiết bị báo khói, thang chữa cháy, vòi chữa cháy, chăn chữa cháy… Trẻ không nhất thiết phải học cách sử dụng từng thứ nhưng điều quan trọng là các em phải biết tác dụng của chúng.
Ví dụ, trẻ cần biết thiết bị báo động khói phát ra âm thanh cảnh báo lớn để báo hiệu có tai nạn hỏa hoạn. Khi nghe thấy âm thanh này, trẻ sẽ biết về đám cháy và có thể phản ứng với âm thanh đó theo cách đã được dạy.
Ngay cả những trẻ chưa được dạy cách chữa cháy bằng những thiết bị chuyên dụng, các em vẫn có thể được dạy sử dụng chăn chống cháy để che cơ thể khi thoát khỏi nơi đang cháy.
Bên cạnh việc tìm hiểu về lối thoát hiểm và biết cách thích hợp để thoát khỏi khu vực đang cháy, trẻ em cũng nên tìm hiểu về một kỹ năng quan trọng để chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp: Phương pháp dừng, thả và lăn.
Người lớn nên minh họa rõ ràng cho trẻ bằng cách tự thực hành để trẻ biết phải làm gì trong trường hợp các em hoặc quần áo của các em bắt lửa.
Giáo dục trẻ em về an toàn phòng cháy chữa cháy không khó vì các bé đều rất thông minh, chỉ cần chắc chắn rằng cha mẹ không bỏ lỡ bất cứ điều gì quan trọng trong quá trình dạy trẻ. Đặc biệt, trẻ cần được dạy đầy đủ về các nguyên tắc cơ bản của phòng cháy chữa cháy.
Một số biện pháp phòng ngừa khác
Trẻ em cần được dặn dò tỉ mỉ để hiểu rằng chơi với diêm, bật lửa hoặc bất kỳ vật dụng nguy hiểm nào khác dễ bắt lửa có thể dẫn đến những nguy hiểm nghiêm trọng.
Cha mẹ hoặc thầy cô nên cho trẻ biết những hậu quả có thể xảy ra do hành động thiếu cẩn trọng, để các em không cố gắng làm những điều này vì tò mò.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần chủ động kiểm tra định kỳ đường điện của gia đình. Nếu đường điện, đường gas quá cũ, dây điện bị hỏng hóc, bị hở thì cần được thay thế kịp thời. Không nên tự ý kéo điện, tự sửa chữa, cơi nới đường điện, dùng điện quá phụ tải.
Vào mùa đông, khi sử dụng lò sưởi hay các thiết bị giữ nhiệt khác, mọi người cần đặt thiết bị tránh xa các vật dễ cháy, không dùng để hong khô quần áo và phải tắt trước khi ra khỏi nhà.
Nếu dùng bếp than, lò sưởi thì cần chú ý thông gió, khi ra khỏi nhà cần đảm bảo lửa đã được dập, bếp đã được tắt. Đồng thời, cha mẹ dạy con ghi nhớ số điện thoại khẩn cấp như số cứu hỏa, cấp cứu…
Đinh Kim (T/h)