Số liệu quan trắc sáng 25/10 cho thấy, từ 19h ngày 21/10 đến 19 giờ ngày 24/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm.
Một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Tam Lãnh (Quảng Nam) 288mm, Vĩnh Tú (Quảng Trị) 272mm, Trường Thủy (Quảng Bình) 221mm, Hồ chứa nước Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) 196mm; Phú Tân (Cà Mau) 179mm.
Cơ quan khí tượng thuỷ văn nhận định, từ ngày 25/10 đến hết ngày 26/10, ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam có tổng lượng 80 - 180mm, có nơi trên 280mm; khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Quảng Ngãi có tổng lượng 60 - 120mm, có nơi trên 150mm.
Hệ quả của mưa lớn kéo dài là từ ngày 25/10 đến 27/10, trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3,0 - 5,0m, hạ lưu từ 1,0 - 3,0m.
Đỉnh lũ trên các sông khả năng lên mức báo động (BĐ)1 - BĐ2, có sông trên BĐ2; riêng sông Kiến Giang (Quảng Bình) khả năng lên mức BĐ2 - BĐ3. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.
Trước diễn biến thiên tai còn phức tạp, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có nhiều văn bản điều hành công tác ứng phó. Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới là tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống, sản xuất.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; đồng thời, cập nhật thường xuyên bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động biện pháp ứng phó.
Việt Hương (T/h)