(ĐSPL) - Mực nước ở các sông trên địa bàn Quảng Nam đang lên, trong ngày 14 và dự kiến kéo dài cả ngày 15/12, hàng vạn học sinh ở các vùng “rốn lũ” phải nghỉ học…
Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 14/12, Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết do tình hình lũ lớn chia cắt nhiều khu vực nên đã có văn bản gửi Phòng GD&ĐT ở các địa phương theo dõi tình hình mưa lũ cụ thể để chủ động cho học sinh nghỉ học nếu thấy không an toàn.
Và trong ngày, hàng chục nghìn học sinh ở vùng bị ngập lụt của tỉnh Quảng Nam đã được các trường chủ động cho nghỉ học.
Báo Tiền Phong thông tin thêm, ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, sáng 14/12 đơn vị đã có thông báo cho 22.087 học sinh nghỉ học từ hôm nay 14/12 do mưa lũ làm ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện. Trong tình hình nước lũ chưa rút thì sẽ tiếp tục cho nghỉ học ngày mai (15/12).
Hàng nghìn học sinh ở huyện Đại Lộc phải nghỉ học trong ngày 14/12. Ảnh Tuổi trẻ. |
Phòng GD&ĐT TP. Hội An cũng cho biết, đã thông báo cho học sinh các vùng thấp trũng như phường Cẩm Kim, Thanh Hà, Cẩm Nam, Cẩm Phô nghỉ học từ chiều ngày 14 và ngày 15/12 do mưa lũ chia cắt đường.
Còn tại vùng “rốn lũ” Đại Lộc, để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngành Giáo dục Đại Lộc đã chỉ đạo cho các trường trên địa bàn cho học sinh nghỉ học khi lũ lên chia cắt đường sá.
Báo Công an nhân dân đưa tin, theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 3 ngày từ 12 đến 14/12, trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 80-180mm, có nơi mưa rất lớn trên 200mm.
Từ sáng 14/12, mực nước trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn lên nhanh, gây ngập sâu ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là tại các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình và TP Hội An.
Điều 13. Phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập (Thông tư Số: 34/2010/TT-BCT 1. Xây dựng phương án a) Chủ đập chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo địa bàn; b) Nội dung phương án phải liệt kê được các đối tượng bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng và biện pháp đối phó, khắc phục hậu quả phù hợp với từng tình huống lũ khác nhau. 2. Chủ đập phải thông báo (qua điện thoại hoặc fax) cho tổ chức dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du: a) Việc vận hành đóng mở các cửa xả lũ theo quy định; b) Việc xả lũ khẩn cấp; c) Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ điều tiết chống lũ, thông báo số liệu các lần quan trắc, đo đạc mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu đập; Lưu lượng vào hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, lưu lượng tháo qua tuốc-bin; dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ trên cơ sở lưu lượng dự báo vào hồ. 3. Chủ đập chịu trách nhiệm lắp đặt các hệ thống cảnh báo và thông báo tới các chủ đập phía thượng/hạ lưu; báo cáo ngay Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương trong trường hợp nguy hiểm sắp xảy ra do đập hư hỏng hoặc nguy cơ vỡ đập. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Tổng hợp