(ĐSPL) - Như tin đã đưa, lũ kép, lũ chồng lũ đã xảy ra ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Sáu năm đã lặp lại. Năm 2010 đã xảy ra lũ kép rất lớn tại Hà Tĩnh, Quảng Bình. Và năm nay (2016), lũ lại chồng lên lũ.
Tại Quảng Bình, người dân chưa kịp hoàn hồn sau trận lũ vừa qua. Các trường học, bệnh viện, công sở, nhà dân vừa được dọn dẹp xong, nay nước lũ mang đầy bùn đất lại ập vào. Hàng nghìn học sinh ở Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Thị xã Ba Đồn phải nghỉ học tránh lũ.
Ảnh: Lê Quốc Châu |
Người dân làm lán tạm cho trâu bò, gia súc nhỏ, gia cầm trú ẩn trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Quốc Châu |
Trên cây cầu vượt lũ xã Châu Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình), nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, người dân làm lán tạm cho trâu bò, gia súc nhỏ, gia cầm trú ẩn. Rất nhiều xe cộ, đồ dùng gia đình cũng được người dân tập trung lên đây tránh lũ.
Đến sáng 1/11, nước lũ đã dâng ngập và chia cắt nhiều địa bàn như xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch), xã Quảng Hải (TX Ba Đồn). Mưa lớn cộng với việc các hồ thủy lợi xả nước cũng khiến các thôn Cao Xuân, Kim Nại (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) bị ngập trong nước lũ.
Mưa lũ tiếp tục gây ngập nhiều nhà dân tại Quảng Bình. |
Tại huyện Tuyên Hóa, các xã ven sông Gianh như Châu Hóa, Văn Hóa... cũng bị ngập lụt. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện, có 476 nhà ngập; trụ sở UBND các xã: Mai Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa và 9 trường học bị ngập. Mưa lớn cũng xảy ra tại TP Đồng Hới vào sáng 31/10.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND các cấp đã có công điện yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó; nhiều trường học tại TP Đồng Hới, huyện Lệ Thủy, huyện Tuyên Hóa... đã chủ động cho học sinh nghỉ học để về tránh lũ. Hiện, nước sông Kiến Giang tại Lệ Thủy, sông Gianh tại Tuyên Hóa, sông Son tại Bố Trạch đang lên.
Nước sông Ngàn Sâu dâng cao, từ chiều 31/10, người dân bắt đầu di chuyển vật nuôi tới cùng an toàn. |
Nước bao vây chợ Kỳ Anh. |
Tại Hà Tĩnh, tính đến 16h ngày 31/10, lượng mưa đo được tại huyện Hương Khê là 317mm, huyện Kỳ Anh 455,5mm, TP Hà Tĩnh 129,7mm.... Từ tối 30/10, Nhà máy thủy điện Hố Hô đã xả điều tiết qua tràn với lưu lượng 387m3/giây, cộng với việc mưa lớn khiến tuyến đường liên xã vào 2 xã Phương Điền và Phương Mỹ thuộc huyện miền núi Hương Khê bị ngập sâu, cô lập hoàn toàn. Hiện, Hương Khê đã có 7 xã bị ngập trở lại. Người già và trẻ em đã được người thân di chuyển đến nơi an toàn. Khoảng 1.000 con trâu, bò cũng được người dân đưa lên rừng để tránh lũ.
Nhiều tuyến đường tại huyện miền núi Hương Khê bị ngập sâu, gây cô lập hoàn toàn. |
Trong vòng chưa đầy một tháng, bà con tại một số địa bàn ở Quảng Bình, Hà Tĩnh phải 2 lần chạy lũ. Ruộng đồng, làng mạc, nhà cửa bị lũ nhấn chìm trong biển nước. Người dân miền Trung đang đuối dần, có thể đâu đó có người kiệt sức sau lũ.
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 139/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão: “Điều 22. Vi phạm quy định trong khắc phục hậu quả lụt, bão 1. Phạt tiền từ 5 triệu – 10 triệu đồng đối với hành vi chiếm dụng hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng của lụt, bão. 2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại hàng hóa hoặc giá trị hàng hóa đã chiếm dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này”. |
PVMT
[mecloud]v7JB1B1XLi[/mecloud]