Suốt 22 năm qua, bà giáo Hồ Hương Nam (phường An Dương, quận Hồ Tây, TP.Hà Nội) đã dùng lương hưu của mình mở “Lớp học tình thương”, dạy chữ cho những em nhỏ khuyết tật.
Lớp học xuất phát từ tình yêu thương của “người mẹ lái đò”
Cuộc đời bà giáo Hồ Hương Nam đã có hàng chục năm cống hiến trên bục giảng, mang tri thức đến với biết bao thế hệ học trò. Từ năm 1954, bà tập kết ra Bắc và tham gia công tác giảng dạy tại các trường cấp 1, cấp 2 trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 1977 nghỉ hưu. Đến năm 1998, bà mở lớp học dành cho trẻ khuyết tật. Lớp học ban đầu chỉ có 2 học sinh, nhưng đến nay luôn có đều đặn 15-18 học sinh.
Tại trường THCS An Dương, mọi người đã quen với vóc dáng gầy, nhưng bước đi nhanh thoăn thoắt của bà giáo Hồ Hương Nam đã gần tuổi cửu thập. Từ cái tâm đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn khuyết tật đã thôi thúc bà mở “Lớp học tình thương” để dạy chữ, dạy người cho các em. Điều khác lạ của lớp học là bà giáo sẽ vừa làm hiệu trưởng, vừa là giáo viên nhưng không hưởng lương. “Tôi không bán chữ” là câu nói được bà nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc nói chuyện với PV Đời sống & Pháp luật.
Nhà giáo Hồ Hương Nam và các em học sinh tại lớp học tình thương. |
Đã có những giai đoạn, lớp học tình thương đứng trước nguy cơ “đứt gánh giữa đường” do không có địa điểm để dạy học. Đến năm 2002, cô Trần Thị Vân – Hiệu trưởng trường THCS An Dương đã dành giúp đỡ cho bà Nam một phòng rộng khoảng 12m2 để tổ chức lớp học. Nhớ lại những ngày khó khăn, bà giáo ngấn lệ xúc động.
Những “đứa con đặc biệt” của bà giáo Hồ Hương Nam
Khi mới mở lớp, bà phải đến từng nhà vận động từng em học sinh khuyết tật. Thế nhưng, phụ huynh của các em tỏ ra thờ ơ và từ chối để các em tới lớp của bà Nam. Với tấm lòng của một người giáo viên, một người “ mẹ hiền thứ hai”, bà vẫn kiên trì khuyên nhủ rồi giao hẹn với phụ huynh, nếu một tháng mà gia đình không thấy cháu tiến bộ, bà sẽ trả cháu về gia đình. Đáp lại kì vọng của bà, các em học sinh trong lớp rất ngoan và học ngày càng tiến bộ. "Tiếng lành đồn xa", nhiều gia đình có người khuyết tật gửi con em mình vào lớp học tình thương.
Thoắt cái đã 22 năm, 62 em học sinh dưới sự dạy dỗ tận tình của bà giáo mà thông thạo được mặt chữ, con số, có được hành trang bước ra cuộc sống ngoài xã hội. Trước khi bắt đầu mỗi buổi học, bà giáo Nam luôn có thói quen mở băng cát – xét phát 2 bài hát: “ Đảng cho ta mùa xuân” và “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” cho các em học sinh nghe và nhớ về vị cha già của dân tộc. Trong lòng bà luôn tâm niệm, mình là người có tấm lòng vì nước vì dân, cống hiến hết khả năng sức lực và trí tuệ cho Tổ quốc và Nhân dân.
Các em học sinh chăm chỉ học bài tại lớp học. |
Hiện lớp học có 18 học sinh, mỗi em một số phận. Bởi các em học sinh đều khuyết tật dạng câm điếc, khuyết tật tứ chi, trẻ tự kỉ, bệnh down,... Khác với những học sinh bình thường, thời gian để các em nhớ con chữ cần rất nhiều thời gian. Mỗi học sinh lại tiếp thu với trình độ khác nhau, ở một dạng khuyết tật, lứa tuổi khác nhau nên cách dạy cũng không thể giống nhau. Do đó, bà đã đi học các lớp nghiệp vụ sư phạm về dạy trẻ em khuyết tật và bà tự soạn giáo án, tự dạy thử nghiệm để tìm ra cách riêng phù hợp với mỗi học sinh.
Trong lớp học của bà giáo, có một số hoàn cảnh rất đặc biệt khó khăn và đáng thương như em Nguyễn Phương Anh (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) vừa bị câm điếc, bố mất sớm, mẹ lấy chồng khác, hiện em ở với bà ngoại tuổi đã cao. Em Đỗ Kim Thúy (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) mẹ mất từ nhỏ, liệt nửa người bên trái. Em Lưu Hồng Dương (cụm 8, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) bị liệt tứ chi, chân tay co quắp, phải đi xe lăn đến lớp hàng ngày. Nhưng trong học tập các em đều có rất nhiều cố gắng và chăm chỉ đi học đầy đủ từ thứ 2 đến thứ 6 mỗi tuần.
Nhìn bà giáo 88 tuổi tâm huyết không một phút nghỉ ngơi, đi lại giữa các bàn để chỉ dạy cho các em. Học sinh này được bà nắm tay hướng dẫn tập viết, học sinh khác bà lại dạy cách làm tính. Những cuốn vở tập tô, tập viết, que tính bày ra trước mặt bàn của những em học sinh quá tuổi học đếm mà không ai khỏi chạnh lòng. Nếu được sống đúng độ tuổi có lẽ các em cũng đã lấy chồng, lập gia đình.
Bà giáo Nam hướng dẫn em học sinh Nguyễn phương Anh trong lớp học tình thương. |
Năm 2014, bà được phong tặng Danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô. Bà đồng thời được nhận Huân chương Lao động hạng 3 và Danh hiệu Tuổi cao - Gương sáng của Hội Người cao tuổi TP.Hà Nội.
Bà tâm sự với PV: “Cuộc đời đi dạy để lại trong tôi nhiều kỉ niệm lắm bởi lớp học này các em rất tình cảm. Có thời gian năm 2000, tôi bị xe đi đường đâm ngã, sau đó tôi phải đi bó bột ở bệnh viện. Có một học sinh tên Nguyễn Thị Thoa hôm nào cũng đến chăm sóc, khiến tôi vừa cảm động vừa thương. Có năm vào ngày 20/11, mỗi em cầm giấu sau lưng một bông hoa kéo nhau lên tặng khiến tôi rơi nước mắt. Những điều giản dị như vậy làm tôi thấy vô cùng hạnh phúc.”
Tâm nguyện “còn được sống là còn cống hiến” của bà giáo vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu mở lớp. Thế nhưng ở tuổi 88, bà không thể chắc mình còn thể dạy các em học sinh được bao lâu. Trong lòng bà không phải nỗi lo về bệnh tật hay tuổi già mà bà lo không biết về sau, ai sẽ là người chèo lái chở con đò nhỏ trên đó có “những đứa con” yêu thương của bà đến với bến bờ tri thức.
Bùi Thu Hà