Khi quyết định “giấu mình” để thỏa niềm đam mê với phim ảnh, các diễn viên lồng tiếng luôn chấp nhận khó khăn và không ai còn nghĩ tới danh vọng. Với họ, trở về nhà sau ngày làm việc mệt mỏi, bật tivi để được nghe giọng mình khóc cười trên phim... là đã hạnh phúc lắm rồi!
Hữu thanh vô ảnh
Ẩn sau những thước phim đầy cảm xúc là giọt nước mắt, mồ hôi thầm lặng không phải ai cũng thấu của đội ngũ lồng tiếng. Họ chấp nhận giấu mặt để được thỏa niềm đam mê khóc cười cùng các nhân vật. Ngày ngày các nghệ sĩ làm bạn với phòng thu, micro, màn hình TV, kịch bản. Và gói gọn trong không gian ấy là những khóc cười, hỉ nộ ái ố, đủ cung bậc cảm xúc.
Lâu nay, mọi người vẫn nghĩ diễn viên lồng tiếng sướng hơn diễn viên đi quay, không phải chường mặt ra đường dãi nắng dầm mưa rong ruổi cùng đoàn phim. Thế nhưng, nếu không phải là người trong cuộc, thì sẽ không thấu hiểu được những nỗi vất vả của nghề “hữu thanh vô ảnh”.
Diễn viên Nguyệt Hằng – một trong những “cây” lồng tiếng phim hàng đầu của miền Bắc với 26 năm trong nghề than thở: “Thật ra, công việc lồng tiếng phim rất khó và vất vả, chứ không đơn giản chỉ đứng sau khớp miệng nhân vật. Thậm chí, khó hơn cả diễn viên quay ở phim trường rất nhiều! Diễn viên quay ở phim trường nói thế nào, thì chất giọng của họ vẫn y nguyên, từ cảm xúc đến cách diễn họ đều thể hiện tốt. Thế nên, việc nghệ sĩ lồng tiếng khi diễn lại phải đúng tinh thần của vai diễn, vừa khớp miệng vừa thể hiện đúng tâm trạng, tình cảm của nhân vật, quả thực đó là điều rất khó”.
Diễn viên Nguyệt Hằng. |
Cái khó nhất với diễn viên lồng tiếng có lẽ là điều tiết cảm xúc. Bước chân vào phòng thu, nghệ sĩ phải biết gạt bỏ mọi cảm xúc riêng tư, cá nhân để sống cho tròn vai với nhân vật của mình. Diễn viên phải hòa mình vào nhân vật để thể hiện đúng cảm xúc với nhiều tâm trạng khác nhau, vui buồn giận hờn, thậm chí có lúc phải điên cuồng theo nhân vật.
“Muốn lồng tiếng tốt, diễn viên phải hiểu được nhân vật đó có hợp với chất giọng và tính cách của mình hay không. Cái khó ở đây, nghệ sĩ chỉ dùng tiếng, nhưng vẫn phải đảm bảo “ăn mặt” diễn viên, phù hợp với tính cách của nhân vật, khớp khẩu hình miệng. Không ít trường hợp lồng tiếng bị lệch và không phù hợp với vai diễn. Nhưng, nếu tìm được chìa khóa, hiểu được tình cảm của nhân vật, khớp với khẩu hình miệng thì việc thể hiện rất thuận lợi. Đó chính là cái cảm giữa diễn viên lồng tiếng và nhân vật”, diễn viên Nguyệt Hằng bày tỏ.
Bên cạnh đó, công việc lồng tiếng cũng có sự khác biệt giữa phim nước ngoài và phim Việt. Điều này đòi hỏi người diễn viên phải nắm bắt nhanh nhạy để thể hiện cho phù hợp, mang đến một bộ phim hay cho khán giả.
“Tôi từng lồng tiếng khá nhiều phim nước ngoài... Cái dễ là đếm khẩu hình, rồi ướm vào lời tiếng Việt, làm sao để khớp với nhân vật. Nhưng khó ở chỗ, phải phụ thuộc vào cái cảm của nghệ sĩ lồng tiếng, vì ngôn ngữ khác nhau, thì khẩu hình cũng khác nhau, câu từ không chính xác hoàn toàn. Đôi khi, chúng tôi phải biên tập lại từ ngữ để làm sao khớp được khẩu hình miệng”, diễn viên Nguyệt Hằng cho hay.
“Rất nhiều phim truyền hình lồng tiếng, bắt buộc phải chọn những người có kinh nghiệm, màu sắc của giọng có thể vào được tất cả các vai. Đôi khi những diễn viên lồng tiếng như tôi bị làm nhiều quá... Thế nên, chúng tôi thường phải làm việc rất vất vả. Những người diễn viên lồng tiếng chẳng khác gì “làm dâu trăm họ”, không thể nào vừa lòng hết tất cả mọi người”, diễn viên Nguyệt Hằng chia sẻ.
Bị mang tiếng là nghề “giấu mặt ăn tiền”
Ca sĩ có khi quên lời, diễn viên có khi quên thoại và diễn viên lồng tiếng cũng có lúc rơi vào tình huống khó. Đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi - cây lồng tiếng “vàng” của các bộ phim Hong Kong chia sẻ: “Đôi khi lồng hết trường đoạn xong, mới phát hiện xưng hô bị lẫn lộn, ngược với nhân vật, nên phải lồng lại từ đầu. Cái khó khăn với nghệ sĩ lồng tiếng là không bao giờ được xem hết một bộ phim, kèm theo áp lực về thời gian phải lồng xong bao nhiêu tập/ngày. Trong khi đó, nghệ sĩ lồng tiếng không được đọc kỹ kịch bản, nhất là về danh xưng. Thế nên, trong phòng thu, diễn viên vừa cầm kịch bản, vừa sửa thoại, vừa lồng nên khó tránh khỏi sai sót”.
Bên cạnh những khó khăn về mặt kỹ thuật, tay nghề, thời gian thì các diễn viên lồng tiếng còn bị “quá sức” vì không có người làm. Thực tế, dàn diễn viên lồng tiếng tốt, dày dạn kinh nghiệm ở miền Bắc không có nhiều người, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy người như Nguyệt Hằng, NSND Hương Bông, Hương Dung,...
Thế mới có chuyện khán giả thấy khó chịu, nhàm chán vì thường xuyên phải nghe những giọng nhân vật na ná nhau. Lâu nay, lồng tiếng phim vẫn bị mang tiếng là nghề “giấu mặt ăn tiền”. Nhưng không phải vậy, vẫn còn đó những trăn trở mỗi khi nhắc tới cát-xê.
Đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi. |
Diễn viên Đạt Phi than thở: “Có một nỗi buồn chung của các diễn viên lồng tiếng phim mà tôi không thể thay đổi được. Giá trị và cường độ lao động của nghệ sĩ lồng tiếng rất cao, nhưng cát-xê nhận được lại rất thấp. Cát-xê được tính theo tập, ví dụ một tập phim 45 phút, có khi nghệ sĩ phải lồng trong hơn 1 giờ đồng hồ mới xong, chưa kể thức làm xuyên đêm cho kịp thời hạn, nhưng cát-xê họ nhận chỉ được hơn 100 nghìn đồng. Ở miền Nam, “đất” thể hiện của diễn viên lồng tiếng khá rộng, số lượng khá đông. Nhiều bạn trẻ lồng tiếng rất giỏi, nhưng có thực mới vực được đạo. Nếu cát-xê thấp, thì họ không dại bung hết sức để làm. Nếu chỉ đánh giá về chất lượng mà bỏ qua mức thù lao thì quả là bất công với các nghệ sĩ”.
“Thật ra, tiền nhiều hay ít còn phụ thuộc vào sự cống hiến của diễn viên. Chứ làm gì có chuyện diễn viên “giấu mặt ăn tiền”. Khó lắm! Nhiều hôm, nói liên tục hàng tiếng đồng hồ trong một phòng kín, chỉ kịp ăn vội cơm hộp, bánh mỳ rồi lại làm. Quần quật từ 8h sáng đến 11h đêm, nghỉ giải lao tới 1h30 sáng lại làm tiếp, cũng có khi đuối lắm. Nhưng vì đam mê, tôi vẫn theo đuổi tới cùng”, diễn viên Nguyệt Hằng nói. Diễn viên lồng tiếng Thiên Bảo cũng có nhiều tâm sự khi nhắc đến cát-xê. “Người ngoài chỉ mới hiểu sự việc trên câu chữ thôi, chứ phải “lâm trận” mới biết kiếm tiền dễ hay không”, Thiên Bảo cho biết.
Đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi chia sẻ: “Áp lực lớn nhất của nghệ sĩ lồng tiếng khi bước vào phòng thu là phải truyền tải được cảm xúc tới nhân vật mình đảm nhận. Nghệ sĩ không thể áp đặt bản thân vào nhân vật, mà phải thổi hồn. Với phim nước ngoài, người lồng phải bám sát những nhân vật mà mình chuyển âm. Phải làm thế nào để khán giả cảm giác những nhân vật trong phim là người Việt, chứ không phải người nước ngoài. Thậm chí, với một câu thoại đơn giản, cũng phải biến thành rất Việt Nam, rất đời để không bị sa đà vào kiểu viết”.
Hà Linh
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 36