(ĐSPL) - Tốt nghiệp đại học ra trường, Tí "bụi đời" có nhiều cơ hội để vào làm việc tại các cơ quan ở xứ Huế nhưng anh vẫn quyết định khăn gói Nam tiến để “thử lửa”, học hỏi kinh nghiệm nơi xứ lạ. Và sau nhiều năm bôn ba xứ người, gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh, năm 2009, Tí "bụi đời" quyết định quay lại Huế, mở cửa hàng kinh doanh gạo và lập quỹ ủng hộ những người nghèo khó.
Sinh ra trong một gia đình kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, đông anh chị em ở con phố nhỏ phía Bắc TP Huế, ngay từ nhỏ, anh Trần Nam Trung (còn gọi là Tí “bụi đời”, SN 1978) đã chứng kiến nhiều việc làm thiện nguyện của cha mẹ. Và rồi, những việc làm nhân nghĩa ấy đã ngấm dần vào máu thịt của chàng trai trẻ.
|
Chân dung chàng trai mê làm việc thiện Trần Nam Trung, hay còn gọi là Tí "bụi đời" |
Nhấp ly trà đắng, Tí “bụi đời” tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2001, lúc này ở Huế có rất nhiều cơ quan, đơn vị nhận tôi vào làm việc. Nhưng với mong muốn được trải nghiệm, học hỏi và tiếp cận với môi trường làm việc năng động, thân thiện, tôi vẫn quyết định khăn gói lên đường vào Nam tìm kiếm việc làm. Tại đây, tôi được nhận vào làm việc ở một công ty công nghệ thông tin có tiếng tại thời điểm bấy giờ. Và trong gần 10 năm phiêu bạt kiếm sống nơi đất khách quê người, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp là trẻ em, người già lang thang cơ nhỡ cũng như nhiều hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ”.
Sau những lần gặp ấy, tấm lòng thiện nguyện vốn đã in sâu trong tâm trí chàng trai trẻ được dịp trỗi dậy. Qua công việc, anh tình cờ bén duyên với một trang web chuyên hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học và may mắn được tham gia vào các diễn đàn từ thiện của trang tổ chức tại Hà Nội và TP HCM. Từ đây, ý định gắn bó với người nghèo để nối nghiệp cha mình lại càng thôi thúc Tí "bụi đời" thực hiện. Năm 2009, sau gần 10 năm buôn ba xứ người, Tí "bụi đời" quyết định thu dọn “chiến trường”, quay trở về Huế sinh sống, lập gia đình và thực hiện nguyện vọng đã ấp ủ bấy lâu.
Về Huế, anh xin vào làm nhân viên cho một dự án phi chính phủ về môi trường. Để thực hiện ý định ấp ủ từ trước, anh đã bàn với vợ và cha là ông Trần Văn Lung (67 tuổi) mở cửa hàng kinh doanh gạo và thành lập quỹ ủng hộ người nghèo nhằm kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm giúp đỡ người nghèo, học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn. “Cha tôi đã từng dạy anh em chúng tôi, trong cuộc sống nhìn lên có thể mình chưa bằng ai nhưng cần nhìn xuống để thấy và chia sẻ với nhiều người kém may mắn hơn mình”, Tí “bụi đời” tâm sự.
Mới đầu, Tí “bụi đời” chỉ hỗ trợ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Huế, nhưng lâu dần anh thường xuyên tổ chức các chuyến đi cứu trợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo hiếu học ở các vùng sâu, vùng xa.
|
Trao quà cứu trợ lũ lụt tại các tỉnh miền Trung |
Mấy năm nay, những bệnh nhân nghèo đang điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế đã quen với hình ảnh một chàng trai nhìn rất “bụi đời” đều đặn đến thăm hỏi, động viên và trao những suất cơm, cháo miễn phí tận tay bệnh nhân và người nhà của họ. Ngoài Bệnh viện Trung ương Huế, anh còn phối hợp với bạn bè giúp đỡ, động viên và tặng quà cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện ở TP Huế. Được biết, tất cả nguồn lợi thu được từ việc bán gạo ở cửa hàng kinh doanh của gia đình, anh đều dành để hỗ trợ và giúp đỡ người nghèo, học sinh hiếu học ở vùng sâu, vùng xa.
Đầu tháng 9/2014, từ nguồn quyên góp, giúp đỡ của bạn bè, các nhà hảo tâm, anh Tí và bạn bè đã xây dựng xong ngôi nhà tình thương với tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng cho chị Nguyễn Thị Cúc (45 tuổi), trú tại phường Trường An, TP Huế.
|
Tí “bụi đời” bên căn nhà tình thương dành cho chị Cúc vừa mới được khánh thành |
Chia sẻ về dự định sắp tới, Tí “bụi đời” cho biết, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là mong ước đã ấp ủ từ lâu của bản thân. Do vậy, trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi bạn bè chung tay, góp sức cứu giúp các mảnh đời bất hạnh.
Ngoài ra, bên cạnh việc trao tặng cơm, cháo miễn phí cho các bệnh nhân, sắp tới, Tí “bụi đời” còn cố gắng triển khai mô hình nấu cơm phục vụ người nghèo đang hành nghề chạy xích lô, xe thồ và bán vé số dạo vào mỗi buổi trưa.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/long-thien-nguyen-cua-chang-trai-bui-doi-co-mau-lam-tu-thien-a56023.html