"Lời thề" là cuốn tiểu thuyết ghi lại lời kể của những sinh linh gốc Việt đã sống, đã chết, đã tồn tại đời đời kiếp kiếp trên Hoàng Sa của nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh (SN 1959), tại thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Ông là tác giả của hàng trăm kịch bản sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình và tiểu thuyết như: Ngã ba Đồng Lộc, Chuyện tình bên dòng sông (kịch bản phim), Lập nghiệp, Cô gái mang tên dòng sông, Trở về, Ốc đảo vua… (phim truyền hình nhiều tập), Vú cát, Nữ cảnh sát SBC, Hồ Chí Minh - hồi ức màu đỏ, Sau cơn giông, Sáng trong như ngọc một con người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp & bản hùng ca Điện Biên, Quyền lực tình yêu, Lũ quét, Âm binh... (kịch bản sân khấu).
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh. |
Được khởi nguồn từ lời trích: “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội" (Sắc chỉ Vua Minh Mạng ra lệnh thủy binh ra trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa), cuốn tiểu thuyết Lời thề là luận chứng về thân phận người Việt đã sống truyền đời trên quần đảo cát vàng mà hậu thế đặt tên là Hoàng Sa. Cương giới Việt ở đây là bằng xương cốt của nhiều thế hệ, vì thế nên cát mới vàng, màu vàng của xương cốt, của hồn vía, tầng tầng lớp lớp xương cốt Việt ở đây đã dẫn đường cho nhà văn tìm đến, để nghe họ kể lại và ghi ra đây bằng tất cả những gì mà nhà văn cảm được, thấy được, nghe được.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu lần theo những dấu chân người Việt cổ đầu tiên đặt lên quần đảo cát vàng, khi ấy quần đảo hoang vu, quần đảo mồ côi mà người Việt đã phát hiện, đã đặt tên, đã đưa hình hài nó vào hình hài Tổ quốc.
Bìa tiểu thuyết "Lời thề" của Nguyễn Quang Vinh, sách được bán với giá 120.000 đồng. |
Nguyễn Quang Vinh đã hư cấu lên câu chuyện về Hoàng Sa qua mối tình của Đội Nhất và Lý Thắm, một trong những cô gái theo đoàn thủy binh ra giữ đảo.
Với "Lời thề", Tổ quốc hiện ra chói ngời, trong vắt, rừng rực lửa trong những đôi mắt người Việt đang bám bên nhau, trụ bên nhau, người trong tay người, người trong cát đảo, đảo và người trong nhau thành một khối, tất cả đều đang nhuốm hồng trong ráng chiều, cảm tưởng như các đảo đều là những quả cầu đỏ.
Tổ quốc là lá cờ mang chữ Quốc vương nước Việt, bay trong gió biển, là nơi anh em nhìn tới mà đứng thẳng, mà can trường, là dấu vết muôn đời của người Việt, là câu trả lời kiêu hãnh với thế giới, lá cờ còn, đảo còn, lá cờ màu máu, đi suốt ngàn năm, đi từ cương giới đất liền ra cương giới đảo, đến tay Đội Nhất và anh em, nhìn lá cờ tung bay như thấy vẹn nguyên và vĩnh hằng đất đai bờ cõi, rạng danh Tổ quốc.
Cuộc chiến chắc chắn chưa dừng lại. Đảo xa, biển rộng, người ít giặc nhiều, rồi ai còn ai mất? Sống hay chết ở đây cũng chỉ để cho thiên hạ biết một điều, đảo này là của người Việt, cương giới này là của người Việt, còn một trăm người cũng đứng lên bảo vệ, còn mười người cũng đứng lên bảo vệ, còn một người cũng đứng lên bảo vệ, không còn ai thì thân xác chôn vùi dưới đảo cũng là nhân chứng, cũng là mốc giới, cũng vẹn nguyên một lời thề giữ đảo.