(ĐSPL) - Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, vì những tác động của môi trường, sinh hoạt, áp lực công việc khiến cho mọi người rơi vào tình trạng căng thẳng và gây mất ngủ thường xuyên.
Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, đối với những trường hợp mắc chứng mất ngủ kinh niên thì nguyên nhân không đơn giản là việc thần kinh bị căng thẳng mà còn do những thói quen tiêu cực khiến cho giấc ngủ bị ảnh hưởng. Tình trạng này kéo dài đã tác động tới “đồng hồ sinh học” và trở thành căn bệnh mất ngủ kinh niên.
Nguyên nhân của chứng mất ngủ
Việc phân tích nguyên nhân chứng mất ngủ kinh niên chính là yếu tố then chốt trong việc chữa trị cũng như nghiên cứu ra các pháp đồ, các loại thuốc điều trị. Trong cuộc sống, rất nhiều người áp dụng phương pháp chữa trị bằng những bài thuốc cổ truyền, chữa mẹo, còn trong nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy, việc tìm ra nguyên nhân của chứng mất ngủ chẳng cần uống thuốc mà chỉ cần thay đổi một số quy luật trong sinh hoạt là có thể khắc phục được tình trạng này.
Với những người mất ngủ do bệnh tật thì phải tìm ra căn bệnh mà mình đang gặp phải là gì thì mới có thể khắc phục được tình trạng mất ngủ. Hầu hết những người mất ngủ kinh niên hiện nay mà do bệnh tật gây ra là do căn bệnh thiểu năng tuần hoàn não, là sự suy giảm lưu thông máu lên não, não không được cung cấp đủ oxy, dưỡng chất làm suy nhược hệ thần kinh trung ương, gây ra nhiều bệnh trong đó có mất ngủ. Rối loạn giấc ngủ do thiếu máu não thường khó chịu, khó chữa với các biểu hiện đa dạng như: Không buồn ngủ, rất khó đi vào giấc ngủ, trở mình mãi mà không ngủ được, ngủ không sâu, nửa đêm thức giấc, cổ, lưng mỏi, chân tay tê buồn, bồn chồn, trằn trọc không ngủ tiếp được, gần sáng lại ngủ, sáng dậy thiếu ngủ, mệt mỏi, ban ngày ngủ gà ngủ gật.
Những căn bệnh như đau xương khớp, bệnh tim mạch, những bệnh về hô hấp rồi ngay cả tình trạng cơ địa hoặc chu kỳ tuổi đời như những người mãn kinh, bị sốt, đau… cũng đều có thể trở thành nguyên nhân gây mất ngủ. Vì vậy, muốn khắc phục tình trạng mất ngủ thì phải điều trị tận gốc những căn bệnh mà mình mắc phải.
Môi trường sống cũng có thể trở thành nguyên nhân gây mất ngủ. Không gian chật chội, ô nhiễm, ồn ào cũng tác động xấu đến giấc ngủ của bạn. Bên cạnh đó, việc sinh hoạt bất thường, không điều độ cũng có thể trở thành nguyên nhân gây mất ngủ. Các nghiên cứu khoa học gần đây còn cho thấy, tâm trạng, suy nghĩ cũng là nguyên nhân gây mất ngủ. Những người thường xuyên lo âu, có tâm lí tức giận, cáu gắt, hay ghen tị, thù tức với những người khác sẽ có nguy cơ gây mất ngủ cao khi mà tâm lí của họ luôn bị dồn vào tình trạng căng thẳng, suy tư.
Mất ngủ kinh niên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Ảnh minh họa. |
Mất ngủ kinh niên do suy giảm các chức năng của cơ thể, suy giảm hàm lượng hoóc môn. Đây được coi là một trong những nguyên nhân mà rất nhiều người khó có thể tránh khỏi. Khi mà tuổi tác của mọi người càng cao thì các chức năng của từng bộ phận trong cơ thể đều suy giảm. Các hoạt động của những cơ quan chức năng của cơ thể suy yếu cũng tác động trực tiếp tới sức khỏe. Sau tuổi 25, hệ thần kinh hoàn thiện hoàn toàn và từ đây mỗi ngày sẽ có vài nghìn notron bị hủy hại mà không thể tái tạo. Chính từ việc các notron bị hủy hoại sẽ tác động đến hoạt động của não và từ đây sẽ gây ra chứng mất ngủ.
Các nhà khoa học thì cho rằng, mất ngủ chủ yếu do thể trạng tâm lí và thể trạng cơ thể. Hoặc là người mắc chứng mất ngủ rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng liên tục hoặc là cơ thể mắc căn bệnh nào đó thì mới khiến cho việc sinh hoạt ăn ngủ bị ảnh hưởng. Đối với những người bình thường, đồng hồ sinh học sẽ luôn hoạt động theo một quán tính đã định và khó có thể thay đổi. Nhưng nếu như việc không ngủ đều đặn trong thời gian dài thì nó sẽ thay đổi các quy luật, tạo thành lối mòn thói quen và sẽ khiến cho chúng ta khó có thể sinh hoạt điều độ được.
Một số bài thuốc đặc biệt
Việc điều trị chứng mất ngủ cần thiết phải tìm ra rõ nguồn gốc của tình trạng này. Nếu mất ngủ là do một căn bệnh nào đó gây nên thì phải điều trị căn bệnh này khỏi hoàn toàn thì mới có hi vọng sẽ cải thiện được việc ăn ngủ. Tuy nhiên, các nhà điều trị tâm lí, các căn bệnh thần kinh cũng như tim mạch có những lời khuyên cụ thể về việc giúp những người mắc chứng bệnh mất ngủ kinh niên có thể cải thiện được tình trạng của mình.
Phương pháp sử dụng thuốc thần kinh được các chuyên gia khuyến cáo là không nên sử dụng, nếu bắt buộc phải dùng thì phải theo pháp đồ cụ thể của bác sĩ. Có một số phương pháp mà không cần dùng thuốc mà mọi người có thể tự làm để giúp cải thiện giấc ngủ cho mình ngay tại nhà. Tập quán sinh hoạt phải thật sự nghiêm túc, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thực hiện thói quen đó một cách đều đặn sẽ tác động trực tiếp tới giấc ngủ của mọi người.
Chú ý đến không gian phòng ngủ, phòng ngủ có nhiệt độ thích hợp, ánh sáng hợp lý, yên tĩnh để tránh bị thức giấc trong khi ngủ. Nên tắm bằng nước ấm, ngâm chân bằng nước ấm 30 phút trước khi ngủ giúp tuần hoàn máu, lưu thông khí huyết tốt hơn. Ngoài ra nên làm chủ cảm xúc của mình, điều này rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ. Việc hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, nước tăng lực, cà phê… cũng là một trong những biện pháp mọi người có thể tự phòng tránh cho mình. Thực phẩm, chế độ ăn uống cũng tác động đến giấc ngủ, bên cạnh đó hãy giữ cho mình một thể trạng tâm lí thoải mái, tránh lo nghĩ, suy tư quá nhiều khiến thần kinh bị ảnh hưởng.
Thông qua tài liệu của Hội Đông y thành phố Hà Nội, có một số bài thuốc Nam cụ thể sau mà mọi người có thể tự điều chế để sử dụng giúp cho giấc ngủ của mình tốt hơn, cải thiện tình trạng mất ngủ kinh niên:
Bài thuốc 1: Lá vông nấu canh, tầm sen 8 gram. Cách dùng: đun uống hàng ngày.
Bài thuốc 2: Phục thần 8 gram, táo nhân xao 12 gram, đan sâm 12 gram, đương qui 12 gram. Cách dùng: sắc uống.
Bài thuốc 3: Liên tâm 8 gram, sinh thảo quyết minh 20 gram, hòe hoa 12 gram. Cách dùng: sắc uống.
Bài thuốc 4: Dùng 50 gram hạt táo chua, giã nhỏ. Đun sôi kĩ với 300 ml nước trong 15 phút, uống hàng ngày trước khi đi ngủ.
Bài thuốc 5: Lấy 100 gram cùi nhãn tươi với 200 ml nước, nấu thành canh, để nguội. Dùng hàng ngày, trước khi đi ngủ 30 phút.
Bài thuốc 6: Hấp chín 200 gram hoa bách hợp. Cho thêm một lòng đỏ trứng gà và 50 gram đường phèn rồi trộn đều. Sau đó tiếp tục hấp cách thủy trong vòng 10 phút. Nên dùng nóng trước khi đi ngủ 1 tiếng.
Bài thuốc 7: Dùng 200 gram táo đỏ tươi và 500 ml nước, sắc lấy nước. Có thể dùng nước này thay nước uống hàng ngày, giúp bổ thận, mát gan, tinh thần thoải mái.
Bài thuốc 8: Lấy 10 gram quế khô trộn với 100 gram hạt sen tươi và 300 ml nước. Nấu kĩ thành canh. Có thể cho thêm một chút đường phèn.
Bài thuốc 9: Dùng 50 gram đậu xanh và 10 gram đường phèn nấu kĩ với 200 ml nước. Dùng khi còn nóng. Khi dùng có thể cho thêm chút sữa.
Bài thuốc 10: Mắc cỡ (trinh nữ), cây này chứa ancaloit là mimosin và crocetin, flavonosit. Trong lá và rễ đều có selen nên chữa đau nhức xương khớp rất hiệu quả. Dân gian thường dùng nước sắc của mắc cỡ hoặc phối hợp với một số vị khác chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ. Mỗi ngày dùng lấy 20 gram sắc khoảng 100 ml nước uống mỗi tối trước khi đi ngủ.
Bài thuốc 11: Dây nhãn lồng, chùm bao, tên khoa học là Passiflora foetida. Dân gain tin rằng dùng đọt lá luộc chín làm rau trị mất ngủ rất hiệu quả. Trong lạc tiên có chứa cyanohydrin glycoside, sul-phate ester, tetraphiline A, B, deidaclin, volkenin, passiforin. Nhiều nước châu Âu đã ly trích chất passiflorin từ lạc tiên để bào chê thành một loại thuốc an thần nhẹ, giúp những người lớn tuổi dễ ngủ.
Bài thuốc 12: Lấy rễ hoa nhài 100-200 gram, ngâm trong 1 lít rượu trắng 35-40 độ. Mỗi ngày uống 10-20 ml trước khi đi ngủ. Nếu không uống được rượu, có thể dùng rễ nhài hãm uống thay trà. Hoặc, hoa nhài 10 gram, tâm sen 10 gram, hạt muồng (quyết minh tử) 12 gram (sao đen). Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, uống 3-5 ngày liên tục.
(Bài viết có tham khảo một số tài liệu của Hội Đông y thành phố Hà Nội)
AN NHIÊN
Bài đã được đăng trên tờ Pháp luật & Cuộc sống – một chuyên trang của báo Đời sống và Pháp luật
Xem thêm video Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
[mecloud]QGx5FB6Ej1 [/mecloud]