Với mục đích hạ uy tín và gây ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty "đối thủ", nhóm đối tượng đã nhắn tin đe dọa đến các lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.
Liên quan đến việc nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cùng nhiều cán bộ khác, tin tức đăng tải trên báo Công an nhân dân cho biết, công an đã xác định 4 đối tượng liên quan. Hiện 2 đối tượng có vai trò chính đã bị bắt khẩn cấp để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Được biết, 4 đối tượng này không phải là người thuộc các công ty đang thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. Các đối tượng này thuộc một doanh nghiệp không được cấp phép nạo vét như các công ty nói trên.
Theo lời khai của 2 nghi can, với mục đích hạ uy tín và gây ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty kia, nhóm đối tượng đã nhắn tin đe dọa đến các lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh để dồn sự chú ý của lực lượng chức năng nhằm vào các công ty kia cho “bõ tức”.
Dự án khai thác cát trên sông Cầu qua huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã tạm dừng - Ảnh: báo Dân Trí |
Như báo VnExpress đã đưa tin trước đó, giữa tháng 3, UBND Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra các cá nhân từ Trung ương đến địa phương đứng ra bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh sau khi tỉnh này kiến nghị dừng khai thác cát trên sông Cầu.
Theo UBND tỉnh, quá trình triển khai dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu xảy ra việc lợi dụng khai thác cát trái phép. Hậu quả làm sạt lở bờ sông, buộc tỉnh phải bố trí 30 tỷ đồng xử lý. UBND Bắc Ninh nhiều lần kiến nghị dừng dự án nạo vét.
Ngày 16/3, Công an Bắc Ninh lập ban chuyên án điều tra các trường hợp nhắn tin đe dọa. Bộ Công an cũng vào cuộc.
Thông tin thêm trên báo Thanh Niên được biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc.
Điều 135. Tội đe dọa người khác (Bộ Luật Hình Sự sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp