“Sau khi khống chế được em, chúng nhốt vào một ngôi nhà nơi có 20 đứa trẻ rách rưới, tật nguyền”.
"Canh chừng chúng em luôn có 16 thanh niên lực lưỡng, khuôn mặt lúc nào cũng đầy sát khí. Để người ta thương cho tiền, chúng đã đánh gãy chân em và bắt mang quần áo rách, uống thuốc lạ để quên đi tất cả. Mỗi ngày, chúng em phải nộp đủ 100.000 đồng, nếu không sẽ bị đánh dã man và bắt nhịn ăn”, đó là lời kể kinh hoàng của em L.V.B. (SN 1999, Bình Thuận) khi trở về sau 2 năm mất tích với bộ dạng vô cùng thê thảm.
Chị Bông và đứa con trai mất tích 2 năm. |
Bị bắt cóc vì tin lời người lạ
Đã hơn 3 năm kể từ ngày tìm thấy đứa con trai bị bắt cóc, chị Nguyễn Thị Bông (SN 1969, mẹ em L.V.B. - PV) ngụ KP.1 (P.Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) vẫn chưa hồi phục được sức khỏe. Được biết, sau một năm tìm kiếm không có kết quả, chị đã vô cùng tuyệt vọng. Rồi khi gặp lại, thấy con bị nhóm bắt cóc hành hạ đến thân tàn ma dại, người mẹ này càng suy sụp hơn. Từ một người khỏe mạnh, chị trở nên bệnh tật, mất sức lao động và suy giảm trí nhớ.
Khi bị bắt cóc, B. đang là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Tân An 1 (thị xã La Gi). Vào tối thứ 7 hàng tuần, em thường cùng đám bạn ra công viên thị xã chơi đuổi bắt. Nhưng không như mọi lần, tối thứ bảy ngày 17/5/2010, em ra công viên chơi nhưng sau đó đã mất tích một cách bí ẩn. “Suốt đêm ấy không thấy con về, tôi cứ ngỡ cháu ghé nhà ngoại chơi vì mỗi lần xuống công viên chơi, cháu thường ngủ lại nhà bà ngoại. Khoảng 6h sáng hôm sau, không thấy con về như mọi lần để đi học, chồng tôi liền chạy xe đi tìm thì không thấy cháu ở nhà ngoại, hỏi bạn bè cũng không ai hay. Lúc này, gia đình tôi mới hoảng loạn và trình báo công an”, chị Bông nhớ lại.
Ngồi cạnh vợ, anh Hạ (chồng chị Bông - PV) tiếp lời: “Tôi chạy tới mấy đứa bạn cháu hay chơi cùng thì nghe được thông tin, tối qua Bình đã đi theo một người đàn ông lạ. Lúc này, tôi mới hoang loạn vì nghĩ rằng con đã bị bắt cóc. Vợ tôi hét lên và ngất tại chỗ. Vừa lo cho con không biết giờ này ra sao, tôi vừa lo cấp cứu cho mẹ nó. Sau hôm ấy, tôi nghỉ hẳn đi biển để tìm con.
Tôi in hình cháu dán khắp nơi, gửi các tài xế chạy xe trên đường với hy vọng, ai đó tình cờ gặp được sẽ giúp. Nhưng dù cố gắng bao nhiêu thì tin tức về con vẫn bặt vô âm tín”. Từ ngày con mất tích, kinh tế của gia đình chị Bông cũng rơi vào khủng hoảng bởi không ai còn tâm trí đâu đi làm. Ngày ngày, chứng kiến vợ vì thương nhớ con mà suy sụp dần, anh Hạ vô cùng xót xa nhưng cũng không làm được gì. Khổ nhất là thời gian đó, tin đồn về nạn bắt cóc trẻ con mổ bụng lấy nội tạng bán đi Trung Quốc lan truyền khắp nơi. Vì quá lo lắng, chị Bông dần trở nên mất tỉnh táo.
Có lần đi chợ mua đồ ăn nhưng trả tiền xong, chị bỏ đồ ở chợ rồi đi về tay không. Cứ thế hơn một năm trôi qua, vợ chồng chị sống trong nỗi thấp thỏm âu lo về số phận đứa con trai duy nhất của mình. Người mẹ dường như đã kiệt sức, không còn nước mắt để khóc con. Còn người cha dồn nén nỗi đau trong lòng, gắng gượng để không gục ngã. Nhiều lần, vợ chồng chị còn bàn tính với họ hàng định lập bàn thờ con trong nỗi tuyệt vọng vô bờ.
Đúng trong giai đoạn tuyệt vọng đó thì bất ngờ một ngày, anh Hạ nhận được tin từ công an thị xã, B. còn sống và muốn gặp ba mẹ. Cặp vợ chồng vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Chị Bông nhớ lại: “Công an thông báo với gia đình tôi rằng ở Trà Vinh, người ta bắt được con tôi vì tội ăn cắp điện thoại. Lúc lấy lời khai, cháu mới nói nhà mình ở Bình Thuận”.
Theo đó, B. thoát thân được khỏi ổ chăn dắt cũng nhờ vào sự may mắn của bản thân. Vào tối ngày 19/5/2011, bà Dư Thị Thẩm (ngụ khóm 6, thị trấn Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đến trình báo công an bị mất chiếc điện thoại di động. Theo bà Thẩm, đối tượng tình nghi là đứa con ruột tên C.V.T (SN 1998) và một đứa trẻ lạ mặt mà T. đưa về nhà chơi (đứa trẻ lạ mặt đó chính là B.- PV). Khi Công an thị trấn Cầu Kè mời B. đến làm việc và cần người giám hộ thì bất ngờ cháu khai gia đình ở tận TX. La Gi (Bình Thuận) và bị một người đàn ông bắt, đưa đến đây bắt phải đi ăn xin. Chính nhờ những tình tiết này, B. mới được giải cứu.
Sức khỏe B. bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau 2 năm bị bạo hành. |
Bị hành hạ thậm tệ trong đường dây chăn dắt trẻ em?
Sau khi được công an thông báo, đêm đó, vợ chồng chị Bông đã vội vã bắt xe đò vào Trà Vinh đón con. Trong cảm nhận của hai người, đoạn đường từ thị xã La Gi đến Trà Vinh nơi B. bị giam giữ chưa bao giờ xa đến thế. Gặp được con sau những tháng ngày mòn mỏi trông tin, chị Bông chưa kịp vui mừng đã ngã khụy khi nhìn thấy B.. Em mặc bộ quần áo rách tả tơi, người gầy gò, đen nhẻm, bước chân tập tễnh lê bước trên đường. Sau giây phút trùng phùng đầy nước mắt, em đã kể cho gia đình nghe về buổi tối định mệnh ở công viên thiếu nhi thị xã. Vì cả tin người lạ, cậu bé ngây thơ đã suýt đánh mất cả cuộc đời.
Đêm ấy, khoảng 11h, khi B. và cậu bạn đang chuẩn bị rời công viên về thì một người đàn ông lạ tiến đến hỏi hai đứa có khát nước không và cho tiền dẫn đi mua. Nhưng cậu bạn đi cùng muốn về nhà nên chỉ còn Bình đi với người này. Em vừa đi, vừa quay lại dặn bạn: “Về trước đi, tí nữa tao sẽ về”. B. được người đàn ông mua cho chai trà xanh 0 độ. “Nhưng sau khi uống, con lịm dần đi và không còn biết gì nữa. Sáng mai tỉnh dậy, thấy mình đang ngồi trên xe đò cùng người đàn ông lạ mặt đó, con la khóc, đòi về nhưng bị hăm dọa, nạt nộ. Con được đưa đến một khu nhà vắng. Nơi đây, có khoảng 20 đứa trẻ trạc tuổi con nhưng trông đứa nào cũng rách rưới, thương tật khắp người. Trò chuyện với các bạn ấy, con mới biết mình đã rơi vào bẫy của bọn chuyên chăn dắt trẻ em. Nơi con bị giam giữ là thị xã Trà Vinh”, B. kể.
Video tham khảo:
Hành trình trở về từ "động quỷ" của thiếu nữ
Những ngày tiếp theo, Bình vừa phải nhịn đói, vừa bị đánh gãy chân để lết đi xin, vì như thế mới được nhiều người thương. Theo lời cậu bé, chăn dắt 20 đứa trẻ có 16 người thanh niên lực lưỡng, khuôn mặt lúc nào cũng tràn đầy sắc khí. Mỗi ngày, chỉ tiêu phải nộp là 100.000 đồng, ai không xin đủ thì bị đánh dã man và bắt nhịn ăn. B. kể lại: “Trước khi ra khỏi nhà, bọn chúng còn bắt mỗi đứa phải uống một viên thuốc màu trắng, trước sự kiểm tra của mấy tên chăn dắt. Con không biết đó là thuốc gì, chỉ thấy khi uống vào, con không còn nhớ mình là ai, ở đâu…Chiều tối về đến nhà lại tỉnh táo bình thường nhưng chúng giam cầm không cho đi nửa bước. Một người bạn của con lén lấy điện thoại gọi cho gia đình, bị đánh chết tại chỗ. Sau đó, chúng bỏ bạn vào cái bao ném xuống sông”.
Bên cạnh niềm vui tìm được con, vợ chồng chị Bông đau đớn như đứt từng khúc ruột khi nghe con kể về những ngày tháng lưu lạc. B. đã được trở về bên gia đình nhưng thân thể em không còn nguyên vẹn như trước. Có lẽ do bị hành hạ, bị đánh đập và uống thuốc “tẩy não” trong thời gian quá dài, em đã mắc chứng bệnh động kinh, bị mất trí nhớ và không thể đi học trở lại. “Hiện tại, tất cả chỉ trông mong vào những đồng tiền từ nghề đi biển của cha nó. Từ ngày Bình trở về, nó bệnh nặng quá nên thứ gì có giá trị ở trong nhà, vợ chồng tôi cũng đều bán hết. Mỗi lần nó lên cơn động kinh là lại cắn lưỡi, sùi bọt mép, chẳng giúp gì được cho gia đình. Nhiều lúc tôi còn phát hoảng khi thấy nó đi lơ ngơ, cười nói một mình giữa trưa nắng. Tôi cứ sợ cháu đi lung tung rồi lại bị bắt cóc tiếp”, chị Bông nói trong bất lực.
Kẻ chăn dắt trẻ em có dấu hiệu tâm thần Trung tá Đặng Văn Mười, Trưởng Công an thị trấn Cầu Kè, cho biết: Khi bị bắt, em L.V.B. (SN 1999) đã trình báo về việc mình bị bắt đi ăn xin và người cầm đầu tên Nguyễn Kỳ Lâm (SN 1969, quê Tiền Giang). Nhưng khi được mời lên làm việc thì người đàn ông này một mực khẳng định, B. là con ruột của mình. Quá trình xác minh tại địa phương (P.Tân An, TX La Gi), Công an thị trấn Cầu Kè phát hiện B. không phải là con ông Lâm và bị người này buộc đi ăn xin đúng như lời em đã khai. Điều khá bất ngờ là trong khi làm việc, ông Lâm đưa ra giấy chứng nhận mình bị bệnh tâm thần do Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang cấp năm 2006, phiếu theo dõi bệnh của Bệnh viện tỉnh An Giang cấp năm 2009 và nhiều giấy tờ trị bệnh khác. Do đó, công an đã cho phép ông Lâm đến Bệnh viện Cầu Kè để điều trị. |