Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank khi mới nhậm chức đã tự tin rằng sẽ giúp ngân hàng đạt mức lợi nhuận lên hơn 1 nghìn tỷ đồng và có vẻ như lời hứa của ông Minh đang dần trở thành hiện thực.
Nhiều ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh cơ bản 9 tháng đầu năm 2017 với triển vọng khả quan cho cả năm 2017.
Cụ thể, ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đa đầy triển vọng thiết lập mốc lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng sau khi công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017. Lợi nhuận trước thuế Vietcombank đạt 7.687 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ (mục tiêu cả năm là 9.200 tỷ đồng), cao nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam.
Còn ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vẫn vững vàng ở vị trí đầu với lợi nhuận hợp nhất trước thuế sau 9 tháng đạt 5.635 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78% kế hoạch đề ra trong cả năm.
Ngân hàng Sacombank có kết quả kinh doanh ấn tượng. Ảnh: Soha.vn |
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trên 1.550 tỷ đồng với thời điểm giữa tháng 10, đạt 103,5% so với kế hoạch năm. Năm 2017 cũng dự kiến sẽ là năm lợi nhuận của ngân hàng này bứt phá mạnh sau 9 năm có mặt trên thị trường, nhất là sau hai năm liên dồn lực đầu tư cho kế hoạch mở loạt chi nhánh mới để phủ kín cả nước và đầu tư cho công nghệ.
Một trong những ngân hàng nhận được nhiều sự chú ý nhất trong báo cáo tài chính trên là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với mức lợi nhuận ấn tượng. Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 363 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9,3% so với thời điểm đầu năm.
Cho vay khách hàng đạt 223 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6%. Tiền gửi của khách hàng đạt 312 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2%. Trong quý III, thu nhập từ lãi của Sacombank đạt 1.696 tỷ đồng, tăng trưởng 77% so với cùng kỳ năm trước.
Các hoạt động kinh doanh khác hầu hết đều đem lại kết quả khả quan hơn cùng kỳ. Song có thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần lỗ 99 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi dù rất ít.
Sacombank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế quý III/2017 là 449 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ và đột biến hơn cả so với 2 quý đầu năm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập thuần từ lãi của Sacombank đạt 3.759 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 1.025 tỷ đồng và 771 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.
Quý III/2017 là quý kinh doanh đầu tiên thể hiện dấu ấn lãnh đạo của ông Dương Công Minh. Trước đó, hồi tháng 6, tại đại hội đồng cổ đông thường niên của Sacombank, ông chủ Tập đoàn Him Lam - ông Dương Công Minh đã được lựa chọn ngồi vào “ghế nóng” ngân hàng Sacombank.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, ông Minh được kỳ vọng sẽ mang lại một làn gió mới cho Sacombank, giúp ngân hàng nhanh chóng thực hiện đề án tái cơ cấu, giải quyết triệt để nợ xấu, vốn tồn đọng phần lớn ở các bất động sản.
Trả lời về mục tiêu lợi nhuận trong năm 2017 khi tham gia vào Sacombank, ông Dương Công Minh cho biết, ông tự tin có thể giúp ngân hàng đạt gấp đôi mức lợi nhuận mà HĐQT đã đề ra trong năm nay. Cụ thể là, HĐQT Sacombank có lên kế hoạch lợi nhuận năm nay đạt hơn 500 tỷ đồng nhưng ông Minh khẳng định sẽ đưa lợi nhuận trong năm của ngân hàng lên hơn 1.000 tỷ.
Theo ông Minh, để đạt được kết quả như vậy, ngân hàng sẽ phải tăng cường công tác xử lý nợ, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và quan trọng nhất là xây dựng lại mô hình tổ chức quản lý, sắp xếp lại nhân sự và quản trị chi phí.
Tính đến thời điểm 30/9/2017, tổng nợ xấu thể hiện trong BCTC của ngân hàng Sacombank ở mức 13.264 tỷ đồng, trong số này có đến gần 9,6 nghìn tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 6,91% đầu năm xuống 5,95%, đây là con số cao nhất trong số các ngân hàng minh bạch về số liệu nợ xấu.
Về nhân sự, ngay sau khi đảm nhiệm ghế nóng ở Sacombank, vị Tân chủ tịch Sacombank đã cho “thay máu” toàn bộ bộ máy lãnh đạo, thay đổi chính sách lương thưởng cho người lao động theo hướng tăng lên, bắt tay vào xử lý nợ xấu bằng việc hợp tác cùng VAMC và tuyên bố chỉ 3-5 năm có thể đưa Sacombank trở lại thời hoàng kim.
Một điều nữa người ta cũng nhớ nhiều khi nhắc đến Dương Công Minh trong thời gian gần đây là ông Minh đã đưa ra kế hoạch đổi tên mã cổ phiếu STB sang SCM và chuyển sàn chứng khoán từ HoSE sang HNX. STB theo ông lý giải là “Sao Thái Bạch”, còn SCM là Công khai - Minh bạch, và việc đổi mã chuyển sàn chính là để "phá dớp" sao Thái Bạch đeo bám ngân hàng này. Nói cách khác, Dương Công Minh đang muốn thay tên để đổi vận cho Sacombank.
Với mùa kinh doanh đầu tiên dưới thời ông Dương Công Minh, với những con số bước đầu cho thấy ông Minh đã nói được và làm được, tuy nhiên quá trình tái cấu trúc còn rất dài ở phía trước, hành trình đưa Sacombank trở lại quỹ đạo ban đầu vẫn còn rất nhiều thử thách với người lãnh đạo nổi tiếng này.
Nhân Văn(T/h)