Thời gian qua, có một số cá nhân livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube nhằm “bóc phốt” các tổ chức, cá nhân khác. Trong đó, gần đây nhất là một cá nhân ở Bình Dương gây xôn xao dư luận khi thực hiện hàng loạt buổi livestream "bóc phốt" nhiều nghệ sĩ trong showbiz Việt, thậm chí có lời lẽ không chuẩn mực.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, luật gia Trần Công Phàn, ĐBQH khoá XV, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký hội Luật gia Việt Nam cho biết, việc cá nhân livestream chia sẻ trên không gian mạng thể hiện văn hoá ứng xử.
“Ngay cả khi nói đúng sự thật thì cũng phải thể hiện văn hoá, còn nếu nói sai sự thật thì phải xử lý theo hình thức bịa đặt, nói sai. Đối với cá nhân tuyên truyền, phát tán những điều không đúng sự thật thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm về việc này”, luật gia Trần Công Phàn nói.
Ông Trần Công Phàn cũng nhấn mạnh, khi sự việc đúng, chuẩn thì việc phát ngôn, thông tin ra sao cũng có quy định, không phải cứ thế là phát ngôn. “Những thông tin truyền đi mà đúng thì cần phải xem thông tin đó phát tán đến ai và đến những đối tượng nào. Còn nếu sai thì phải chịu xử lý, pháp luật đã quy định rất rõ. Nếu lợi dụng livestream để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự”, luật gia Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với luật gia Trần Công Phàn, luật gia Vũ Xuân Trường, ĐBQH khoá XIII, Chủ tịch hội Luật gia tỉnh Nam Định cho biết: “Theo luật An ninh mạng, luật Hình sự cũng đã có những quy định rất cụ thể, chi tiết. Nếu lợi dụng không gian mạng để làm nhục, bôi nhọ, vu khống tổ chức, cá nhân hoặc truyền thông tin không đúng sự thật mà lan truyền cho nhiều người khác thì cá nhân đó vi phạm pháp luật.
Đồng thời, cơ quan quản lý mạng xã hội Facebook, Youtube…, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan pháp luật của nước ta phải theo dõi, xem xét và xử lý. Có thể thông qua hình thức cá nhân, doanh nghiệp bị bôi nhọ lên tiếng tố cáo hoặc qua báo chí có thông tin vu khống, bôi nhọ… thì cơ quan điều tra, cơ quan truyền thông, cơ quan an ninh mạng cần vào cuộc”.
Xung quanh vấn đề trên, luật sư Nghiêm Quang Vinh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhìn nhận: “Hiện nay, tiêu chuẩn cộng đồng của các mạng xã hội chưa được cao nên vẫn có nhiều video, lời lẽ thô tục xuất hiện trên không gian mạng. Cần phải nâng cao việc tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, ăn nói văn minh, có chuẩn mực. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thì đều có quy định về ứng xử, giao tiếp hoặc đối với doanh nghiệp thì có quy định về văn hóa doanh nghiệp…”.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp trong lực lượng công an nhân dân cũng bày tỏ quan điểm: “Hiện nay, đã có các quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm trên mạng xã hội như lợi dụng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thời gian vừa qua xuất hiện các video, bài viết có dấu hiệu lăng mạ, xúc phạm người khác nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để, khiến cho không gian mạng bị ảnh hưởng, “ô nhiễm”, lộn xộn. Tôi nghĩ rằng, lực lượng chức năng cần xem xét từng trường hợp cụ thể để có hướng xử lý phù hợp, tạo môi trường lành mạnh cho không gian mạng”.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, đối với hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Theo Điều 5 của Nghị định này, người có cử chỉ, lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người bị thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin phải công khai xin lỗi.
Nếu hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ bị xem xét xử lý về tội Làm nhục người khác, quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác mà người thực hiện có thể bị xử phạt cao nhất đến 5 năm tù.
Vị Thượng tá cũng nhấn mạnh thêm: “Các mạng xã hội cũng phải có tiêu chí rõ ràng, những trường hợp trái với tiêu chí đề ra thì cần ngăn chặn, “loại bỏ”, không được đăng lên. Đối với mạng xã hội của Việt Nam thì bộ Thông tin Truyền thông phải có hướng dẫn. Còn đối với các mạng ở nước ngoài thì mình cũng thông qua các kênh khả thi để yêu cầu họ có biện pháp “cứng rắn”, ngăn chặn những thông tin độc hại, vi phạm thuần phong mĩ tục”.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật