+Aa-
    Zalo

    Lời cuối cùng của phi công Đài Loan và nguyên tắc “cộng 3 trừ 8"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Một chiếc máy bay của hãng Hàng không Đài Loan TransAsia, chở theo 58 người, đã đụng vào xa lộ và rơi xuống một con sông tại Đài Bắc hôm 04/01/2015.

    (ĐSPL) - Một chiếc máy bay của hãng Hàng không Đài Loan TransAsia, chở theo 58 người, đã đụng vào xa lộ và rơi xuống một con sông tại Đài Bắc hôm 04/01/2015. Ít nhất 31 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ việc đang được làm rõ, tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi về việc hãng TransAsia vẫn "sủng ái" loại máy bay ATR 72, mặc dù nó đã có "lịch sử" nhiều lần gặp tai nạn.

    Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm những hành khách bị mắc kẹt. (Ảnh: AFP)

    Nỗi ám ảnh máy bay rơi

    Một video nghiệp dư được tung lên mạng quay được quá trình chiếc máy bay gặp nạn. Những hình ảnh do một người lái xe quay được cho thấy, máy bay ATR 72-600 của hãng TransAsia đang bị mất độ cao, rồi đụng vào xa lộ nằm trên cao và rơi xuống một con sông, vỡ tan thành nhiều mảnh. Trước khi rơi xuống, cánh của máy bay đã đụng vào một taxi, làm hư hỏng nặng xe này. Tài xế xe taxi và hành khách nữ trong xe bị thương và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. AFP dẫn lời các quan chức Đài Loan cho biết, ngoài những người đã chết trong vụ máy bay của hãng TransAsia lao xuống sông ở Đài Bắc, còn có nhiều người có thể cũng đang bị mắc kẹt trong phần thân máy bay đang chìm một nửa dưới nước.

    Một giới chức thuộc cục Hàng không Dân dụng cho biết, chuyến bay bị mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu tại phi trường Tùng Sơn ở trung tâm Đài Bắc 2 phút sau khi cất cánh. Hiện, mới chỉ có 27 người được cứu, trong khi nhiều người vẫn mắc kẹt trong thân máy bay. Gần một nửa nạn nhân được đưa ra khỏi thân máy bay sau vụ tai nạn đã thiệt mạng.

    Chuyến bay GE235 chở theo 58 người xuất phát từ sân bay Songshan ở Đài Bắc để lên đường tới đảo Kim Môn thì gặp nạn vào lúc 11h theo giờ địa phương. Báo chí Trung Quốc cho biết, trong số hành khách trên máy bay, có 31 du khách từ Trung Quốc đại lục.

    Khoảng 1.000 nhân viên quốc phòng và các toán cứu hộ đã nhanh chóng đưa những người sống sót và các xác người ra khỏi hiện trường. Các toán cứu hộ quốc phòng và cứu hoả dùng xuồng cao su đã kéo những hành khách ra từ cửa trên thân chiếc máy bay gần như bị chìm và đưa những người sống sót đến các bệnh viện địa phương.

    Tổng Giám đốc TransAsia Peter Chan nói với các phóng viên rằng, ông không biết lý do vì sao máy bay rơi. Ông Chan cho biết, tuổi thọ của máy bay chưa được tới 1 năm và đã qua bảo trì theo đúng lịch trình vào ngày 26 tháng trước.

    Cơ quan quản lý hàng không Đài Loan sẽ bắt đầu cuộc điều tra chính thức về tai nạn này. Hai hãng tin Focus Taiwan và Reuters đều cho rằng, nguyên nhân tai nạn có thể do lỗi kỹ thuật. Trong đoạn trao đổi cuối cùng của phi công với kiểm soát viên không lưu, phi công đã hốt hoảng hô: "Cấp cứu, cấp cứu. Động cơ ngừng hoạt động!". Sau đó, máy bay tránh được một số tòa nhà chung cư cao tầng chỉ trong gang tấc trước khi rơi xuống sông.

    Theo phân tích của chuyên gia, tình trạng động cơ ngừng hoạt động xảy ra khi nguồn nhiên liệu cung cấp cho động cơ bị ngắt hoặc động cơ bị cháy. Máy bay bị nạn được trang bị hai động cơ tuốc bin cánh quạt phục vụ những chuyến bay ngắn. Nếu động cơ ngừng hoạt động thì cả hai động cơ phải ngừng hoạt động cùng lúc bởi với một động cơ, máy bay vẫn bay được.

    Một chuyên gia hàng không giấu tên cho biết, ATR 72 là loại máy bay đời cũ, sản xuất từ năm 1989, tiêu chuẩn thời kỳ đó đã lạc hậu so với tiêu chuẩn hiện hành. Trên thế giới cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan tới ATR 72. Theo số liệu toàn cầu của mạng dữ liệu hàng không dân dụng Carnoc, kể từ năm 1994 đến nay đã có 13 sự cố nghiêm trọng liên quan đến ATR 72, trong đó có 10 vụ xảy ra thương vong. Theo cơ quan quản lý An toàn bay Đài Loan (ASC), từ năm 2002 đến nay, hãng TransAsia xảy ra 9 sự cố máy bay, trong đó 7 sự cố liên quan tới máy bay ATR 72, bao gồm cả vụ rơi máy bay ngày 4/2.

    Phi công anh hùng

    Trong khi đó, Cơ trưởng của chiếc máy bay gặp nạn đang được ca ngợi là những anh hùng sau khi đã lái chiếc máy bay tránh nhiều tòa cao ốc và lao xuống sông. Các chuyên gia cho rằng, hành động này của ông đã giúp giảm thiểu thương vong.

    Cơ trưởng của chuyến bay gặp nạn GE235 Liêu Kiến Tông năm nay 41 tuổi, có một cậu con trai 9 tuổi và gia cảnh tương đối khó khăn, cha mẹ bán quần áo ở chợ đêm. Ông Liêu gia nhập Không quân Đài Loan năm 1997, sau khi giải ngũ về công tác tại Hàng không Trung Hoa (Đài Loan) và TransAsia Airways. Một người bạn của Liêu cho biết, ông này đã rất nỗ lực học tập để trở thành phi công, nhưng lại không may gặp nạn. Người Cơ trưởng này có kinh nghiệm 5.000 giờ bay trong khi Cơ phó có kinh nghiệm 2.000 giờ bay.

    Hãng hàng không đã từng có hoạt động 63 năm này có một thành tích an toàn. Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng thứ hai liên quan đến hãng Hàng không TransAsia Airways trong vài tháng qua sau vụ máy bay rơi hồi tháng Bảy năm ngoái tại Bành Hồ khiến 48 người thiệt mạng do gặp bão.

    Sau các vụ tai nạn nổi tiếng của hai chuyến bay Malaysia Airlines và một chiếc thuộc AirAsia hồi năm ngoái, các hành khách đang tự hỏi, liệu có phải việc di chuyển bằng đường hàng không đang trở nên nguy hiểm hơn.

    Năm ngoái rõ ràng là năm tồi tệ hơn so với những năm khác, với số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn hàng không dân dụng lên tới 986, mà riêng của Malaysia Airlines đã là 537 người.

    Thực tế các hãng hàng không dân dụng trên thế giới cũng đã có một năm chuyên chở với lượng hành khách kỷ lục trong năm ngoái, với 3,3 tỉ lượt hành khách trên 27 triệu chuyến bay, theo một tường thuật an toàn đăng trên trang mạng AirlineRatings.com. Trang này nói, tuy đã có 21 vụ tai nạn chết người trong năm ngoái, nhưng con số cũng là thấp kỷ lục. Vì theo tính toán, cứ 1,3 triệu chuyến bay thì xảy ra một vụ tai nạn.

    50 năm trước, các chuyến bay chỉ chiếm 5\% so với ngày nay, nhưng số các vụ tai nạn thì cao gấp bốn lần. Tuy nhiên, 60\% hành khách nói ít nhiều cảm thấy sợ hãi khi bay.

    Làm sao để sống sót khi gặp tai nạn máy bay và nghiên cứu của chuyên gia

    Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tai nạn máy bay có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nhà nghiên cứu Ed Galea cho biết, năm hàng ghế ngồi gần cửa nhất sẽ có cơ hội sống sót cao nhất khi máy bay rơi xuống nước. Càng ra xa, tỉ lệ trên càng giảm. Nếu không thể may mắn có được những vị trí ghế này, vị trí ngồi sát lối đi chính sẽ giúp hành khách chạy thoát thân nhanh hơn trước khi nước tràn vào khoang hành khách của máy bay. Tỉ lệ sống sót của hàng ghế này là 64\%, cao hơn hàng ghế gần cửa sổ (58\% cơ hội). Trong ngành hàng không có quy tắc "cộng ba trừ tám" có nghĩa là ba phút sau khi cất cánh và tám phút trước khi hạ cánh. Theo các chuyên gia nghiên cứu máy bay, 80\% các tai nạn (phát nổ trên không, gặp bão, rơi xuống biển...) xảy ra trong khoảng thời gian này. Ở giữa hai khoảng nói trên, tỉ lệ tai nạn giảm một cách đáng kể.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-cuoi-cung-cua-phi-cong-dai-loan-va-nguyen-tac-cong-3-tru-8-a82860.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan