+Aa-
    Zalo

    "Lợi bất cập hại" khi đề thi cho học sinh "ăn theo" sự kiện nóng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gần đây có rất nhiều đề thi Ngữ văn dùng đội tuyển bóng đá Việt Nam và HLV Park Hang-seo để yêu cầu học sinh viết văn cảm tưởng, phân tích, thậm chí có cả môn hóa học.

    Gần đây, xuất rất nhiều đề thi dùng các "sự kiện nóng" yêu cầu học sinh viết văn cảm tưởng, phân tích. Có rất nhiều ý kiến đồng tình về việc này, tuy nhiên cũng không ít người cho rằng không phù hợp, lợi bất cập hại.

    Được mạng xã hội tung hô, ngày càng nhiều đề thi "nóng" ra lò

    Mới đây nhất, đề thi học kỳ môn Ngữ văn lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) yêu cầu "viết đoạn văn, trình bày suy nghĩ về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, lứa cầu thủ: yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động, học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần”.

    Đề Ngữ văn gây tranh luận của Trường THPT Nguyễn Du.

    Hay Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) đã chọn bài thơ "Mẹ đâu? Mẹ đâu?" viết về cầu thủ Anh Đức làm ngữ liệu của đề thi học kỳ I môn Ngữ văn lớp 11.

    Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (TP.HCM) đưa câu nói của HLV Park Hang-seo vào đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 10.

    Đề thi học kỳ I của lớp 11 Trường THPT Chuyên Sơn La, giáo viên cũng đã đưa nhóm nhạc BTS và ông Park Hang Seo vào để hỏi về việc "mỗi người khi đi ra nước ngoài đều là đại sứ văn hoá, còn chúng ta, khi xuất cảnh đã làm được gì?".

    Đặc biệt, đề thi học kì 1 lớp 10 môn Hóa học cúa trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) yêu cầu học sinh trả lời những câu hỏi liên quan đến thành phần bình xịt tê giảm đau giúp cầu thủ Quang Hải có thể nhanh chóng quay lại sân bóng trong trận chung kết lượt về AFF CUP 2018.

    Câu hỏi về bình xịt gây tê cho Quang Hải làm học sinh bất ngờ.

    Không chỉ có những đề thi về đội tuyển bóng đá Việt Nam như vừa qua, mà năm 2015, ca khúc Thái Bình mồ hôi rơi do Sơn Tùng sáng tác và trình bày đã được đưa vào đề thi học kỳ II môn Ngữ văn lớp 9 của Trường THCS Diêm Điền (Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) với yêu cầu viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề được gợi ra từ câu hát: Chạy theo đam mê, con sợ con quên đi quê hương. Quên mất một điều tuyệt vời, con mãi là người con Thái Bình, là con bố mẹ.

    Năm 2017, đề thi Ngữ văn lớp 11 Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc yêu cầu học sinh chỉ ra thông điệp đoạn trích bài hát Lạc trôi của ca sĩ Sơn Tùng.

    Những đề thi như thế này được nhiều trang thông tin mạng đăng tải, được nhiều người thích thú coi đó như là cách khiến học sinh thích thú với môn học, đưa văn chương gần với cuộc sống và phát huy sự sáng tạo của các em.

    Lợi bất cập hại khi đề thi chạy theo "tin nóng"

    Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ điều này. Rất nhiều các thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục cho rằng việc ra những đề thi theo phong trào là không khoa học.

    PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn - Chương trình Giáo dục phổ thông mới, cũng chia sẻ sự không hài lòng khi nhiều tờ báo khen ngợi hết lời một số đề kiểm tra học kỳ I liên quan tới đội tuyển bóng đá Việt Nam.

    Theo ông Thống, có những đề thi mà lập trường và tư tưởng của người ra đề đã lấn át khoa học, làm cho đề văn vừa dài dòng vừa sai về nội dung bàn luận.

    “Nghị luận xã hội yêu cầu học sinh phải biết thể hiện tình cảm và suy nghĩ của mình trước 1 ý kiến, 1 vấn đề hay 1 sự kiện của đời sống. Đó là đổi mới đáng trân trọng của chương trình Ngữ văn hiện hành. Việc yêu cầu học sinh phát biểu xung quanh sự kiện đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 không sai. Nhưng, ví dụ như với đề của Trường THPT Nguyễn Du, lẽ ra đề chỉ nên nêu là: “Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018” là đủ và đúng (hay thì chưa phải). Tuy nhiên, có lẽ do sợ nêu như thế chưa thể hiện được lập trường… nên người ra đề cho thêm phần sau rất dài để làm rõ đặc điểm, phẩm chất của “lứa cầu thủ” này" - ông Thống phân tích.

    Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF CUP 2018 trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều đề thi của các trường - Ảnh minh họa.

    Theo ông Thống, chính vì thế mà thành đề hỏng: "Bởi thứ nhất, câu nghị luận xã hội chỉ 2/10 điểm và học sinh chỉ có khoảng 20 phút để viết; vậy làm sao mà phát biểu tình cảm và suy nghĩ về nhiều vấn đề thế được? Trong khi lẽ ra chỉ tập trung vào 1 ý, đó là “sự cống hiến hết mình của các cầu thủ”, thì học sinh sẽ phải bàn sang cả “tình yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động và học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần”.

    Chưa kể, nội dung nêu thêm vế sau như thế sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi: lẽ nào chỉ lứa cầu thủ này mới yêu nước và tự hào, tự tôn dân tộc như thế, còn tất cả các cầu thủ trước đây thì không?

    Thứ ba, bóng đá chỉ là bóng đá thôi. Đành rằng các cầu thủ vào trận với tất cả sự hăng say, quyết thắng bởi màu cờ sắc áo… và đó cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Nhưng đừng vội khái quát, khoác lên cho trận đấu bóng nhiều mỹ từ bóng lộn, nhiều chữ nghĩa thiêng liêng.

    Cô giáo Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), thì cho rằng cần phải xác định rõ là đề nghị luận xã hội cập nhật hay bất cập. "Đề thi trong nhà trường dành cho đối tượng học trò, do đó bên cạnh yêu cầu cập nhật cuộc sống đương đại, vẫn đặc biệt cần tính chuẩn mực và sự cẩn trọng khi chọn ngữ liệu, xác định vấn đề nghị luận… để đảm bảo các yêu cầu về nhận thức, giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ".

    Theo đó, cô Tuyết cho rằng rất cần có tiếng nói cảnh báo của công luận về những đề văn cập nhật thời sự mà bất cập với giáo dục học đường.

    Theo cô Tuyết, cần rút ra bài học cho việc ra đề, tôn trọng học trò và cuộc sống và tuyệt đối không cho ra những đề bài khiến các em thấy mơ hồ, nghi hoặc, phản cảm về những giá trị Chân - Thiện - Mỹ trong cuộc sống.

    Ông Đỗ Ngọc Thống cũng mong rằng các thầy cô giáo dạy văn suy nghĩ cẩn trọng trước khi ra đề cho học sinh bàn luận.

    “Xin báo chí cũng đừng vội tung hô những đề văn non nớt và nông cạn như thế nữa”, ông Thống chia sẻ.

    Minh Minh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-bat-cap-hai-khi-de-thi-cho-hoc-sinh-an-theo-su-kien-nong-a256641.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan