Đường sắt đô thị gần 1.176 triệu Euro chậm tiến độ, dính sai phạm
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội do Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty Systra (Pháp) được chọn làm đơn vị tư vấn. Quy mô toàn tuyến dài 12,5km, trong đó trên cao 8,5km, đi ngầm 4km; điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là ga Hà Nội. Tổng mức đầu tư dự án được tăng từ 783 triệu euro lên 1.176 triệu Euro. Từ tháng 11.2007, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã ký với Công ty Systra hợp đồng trọn gói dịch vụ tư vấn.
Dự án được khởi công từ tháng 6/2010 và ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc trong quá trình thi công nên dự án được điều chỉnh tiến độ thực hiện từ 2018-2022, “vỡ” tiến độ 5 năm so với kế hoạch ban đầu.
Đáng chú ý, đây cũng là dự án được dư luận biết đến với hàng loạt các sai phạm, dẫn tới nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể, tháng 11/2020, Thanh tra Chính Phủ kết luận nội dung tố cáo việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu số 3, hầm và các ga ngầm có dấu hiệu vi phạm pháp luật là có cơ sở.
Theo đó, nhà thầu và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã ký hợp đồng thi công gói thầu số 3 khi chưa có mặt bằng sạch bàn giao để thi công. Mặt bằng các ga 9, 10,11 đang điều chỉnh quy hoạch, chưa thể giải phóng mặt bằng được, dẫn tới chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu trong thời gian này.
Kết luận nêu rõ việc chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch triển khai và yêu cầu bổ sung khoản kinh phí khoảng 40 triệu USD, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Một sai phạm khác được Thanh tra Chính phủ chỉ ra có liên quan tới việc thực hiện gói thầu về rà phá bom mìn, vật nổ đoạn cầu cạn và khu vực depot của nhà thầu Tổng công ty xây dựng Lũng Lô có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như hồ sơ nghiệm thu khối lượng không đảm bảo, có dấu hiệu sai khối lượng thi công; hồ sơ hoàn công chưa đúng quy định, có hiện tượng không đúng với thực tế, và không đúng với phương án kỹ thuật được phê duyệt...
Bên cạnh đó, hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập, bất hợp lý làm phát sinh những vướng mắc giữa các bên. Hợp đồng trọn gói có nhiều nội dung không rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Dự án có quy mô lớn và phức tạp đầu tiên áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài vào Việt Nam, nhưng hợp đồng chỉ xác định thời gian 25 tháng với tổng giá trị 10,6 triệu euro là không khả thi, khó đáp ứng và chưa lường hết được các yêu cầu trong việc thực hiện dự án đặc biệt này.
Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư và tư vấn đã ký 3 phụ lục điều chỉnh thời gian thực hiện và giá hợp đồng. Giá trị hợp đồng sau điều chỉnh trên 17,1 triệu euro - tăng trên 6,5 triệu euro so với hợp đồng ban đầu.
Thanh tra Chính phủ xác định việc điều chỉnh hợp đồng tư vấn trọn gói tăng thêm hơn 6,5 triệu euro có những chi phí trong nhiệm vụ, ngoài nhiệm vụ và do bất khả kháng, nhưng khi lập điều chỉnh, thẩm định và phê duyệt dự toán điều chỉnh bổ sung, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đã không xác định cụ thể các khoản chi phí này.
Dự án trọng điểm “vắt” qua 3 đời Chủ tịch
Một dự án khác được coi là trọng điểm của thủ đô là dự án cải tạo Sông tích với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng cũng đã bị kéo dài hơn 10 năm qua và chưa biết bao giờ kết thúc. Cụ thể, ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội có quyết định số 4927/QĐ- UBND phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích” từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội (gọi tắt là dự án cải tạo sông Tích).
Dự án được giao cho Sở NNPTNT Hà Nội làm chủ đầu tư, được kỳ vọng sẽ giảm thiểu ô nhiễm cho toàn bộ hạ lưu sông Đáy Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình…
Được phê duyệt từ thời điểm ông Nguyễn Thế Thảo còn giữ chức Chủ tịch UBND Thành phố (năm 2010), đến nay, dự án đã hai lần thay đổi Chủ tịch UBND Thành phố nhưng mới chỉ thi công được khoảng 70% khối lượng của đoạn 1 (giai đoạn I) gồm các hạng mục như cống phai, nhà điều hành, các cầu dân sinh qua sông cùng các công trình trên sông; đã nạo vét được 18/27km lòng dẫn sông Tích, còn 9km chưa nạo vét được vì chưa có mặt bằng sạch; đơn vị thi công đã đào đã được 11,5km sông Tích...
Theo tìm hiểu của PV, sự chậm trễ của dự án cải tạo sông Tích đến từ những quyết định thiếu hợp lý từ UBND Thành phố Hà Nội. Cụ thể, thành phố không thực hiện đúng các điều khoản theo như Quyết định số 4927/QĐ - UBND (về việc phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích" từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) ngày 6/10/2010 của UBND TP Hà Nội. Theo Quyết định số 4927, dự án được bố trí 44 bãi thải chạy dọc theo hai bên bờ sông Tích với diện tích là 240 ha, kinh phí thực hiện là 1.440 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND Thành phố không bố trí tiền GPMB cho 44 bãi thải nên Chủ đầu tư và đơn vị thi công phải “tự lo các bãi thải” là đào xúc trực tiếp lên ô tô vận chuyển ra các bãi thải được các bên tự khai thác. Khác với xúc quăng ra bãi thải liền kề tại quyết định số 4927.
Bất cập nữa là chủ đầu tư và nhà thầu không có đường khi thi công công trình. Cụ thể, theo Văn bản số 1572 ngày 1/3/2013, UBND TP Hà Nội yêu cầu “không làm đường phụ vụ thi công riêng” mà tận dụng bờ trong quá trình thi công. Đây là một quyết định vô lý, không đúng với thực tế thi công hiện trường. Do không có đường nên nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển vật tư cũng như đưa đất ra bãi thải vì không có đường vận chuyển.
Không dừng lại ở đó, đơn vị thi công dự án còn gặp khó khăn bởi Thành phố Hà Nội chưa thực hiện quy hoạch mỏ đất và xếp loại cấp đường theo quy định tại Quyết định số 32 ngày 17/6/2005 của Bộ GTVT.
“Đã đến lúc người dân Hà Nội cần biết trách nhiệm thuộc về ai”
Liên quan đến hàng loạt dự án trọng điểm đội vốn, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố Hà Nội, trao đổi với PV, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII - khẳng định: “Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rồi, do vậy cần làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan, sở ngành nào”, bà An nói và cho rằng sự chậm trễ của các dự án trên đã gây ra hàng loạt vấn đề như đội vốn, ảnh hưởng tới niềm tin của người dân.
Dưới góc độ của một người từng giữ cương vị đại diện cho tiếng nói của nhân dân, bà Bùi Thị An nhấn mạnh cần chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng “hứa”rồi lại không thực hiện: “Sự chậm trễ đã gây ảnh hưởng tới sự phát triển chung của thành phố. Bây giờ mọi thứ lên bàn cân, phải giao và chỉ đạo cụ thể nhiệm vụ”. Theo bà An, đã đến lúc những câu hỏi “Tại sao chậm tiến độ?”, “Chậm ở đâu?”, “Ai phải chịu trách nhiệm?” cần được nhìn nhận thẳng thắn, đi kèm với đó là các mốc thời gian, thời hạn cụ thể để giải quyết vấn đề.
“Tại sao Chính phủ đã chỉ đạo mà vẫn để xảy ra chậm trễ tiến độ. Theo tôi có thể tồn tại những khó khăn, nhưng đã hứa thì phải thực hiện, không thể cứ hứa rồi lại để đấy. Trong trường hợp đã chỉ đạo mà không thực hiện thì cần xử lý thật nghiêm. Người dân thủ đô Hà Nội thực sự cần biết lý do chậm trễ là gì, vì ai và xử lý những cá nhân sai phạm như thế nào”, bà Bùi Thị An nói.
Cùng nói về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương, cho rằng nếu đã giao nhiệm vụ cụ thể mà còn chậm trễ thì phải có cách thức xử lý: “Một dự án có thể liên quan tới nhiều sở, ngành. Có thể chưa tìm được tiếng nói chung nên vẫn còn vướng mắc”. Theo ông Hùng, cần phải xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND Thành phố cũng như xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức để dự án để chậm tiến độ, gây lãng phí tài sản Nhà nước, nhất là trong bối cảnh các vụ việc tiêu biểu đã xảy ra như Gang Thép Thái Nguyên.
Hiếu Nguyễn