+Aa-
    Zalo

    Loạt đại dự án yếu kém ngành Công Thương: Vẫn chưa tìm được "lối ra"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau gần 4 năm triển khai xử lý, tái cơ cấu 12 dự án yếu kém ngành Công Thương, cho đến nay, nhiều dự án vẫn đang trong tình trạng "bị treo", chưa có tiến triển gì.

    loat dai du an yeu kem nganh cong thuong van chua tim duoc loi ra dspl
    Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: Báo Thanh tra

    Một trong 6 nhiệm vụ đặt ra trong Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 -2020 là xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương.

    Sau gần 4 năm triển khai tái cơ cấu, xử lý triệt để các vấn đề mà 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương với nhiều chỉ đạo cùng hàng loạt các cuộc họp để giải quyết thì đến nay, hầu hết các dự án vẫn đang trong cảnh “bị treo", chưa có tiến triển gì.

    Tính đến tháng 3/2021, đã có 3 dự án gồm: DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo xử lý của Ban Chỉ đạo. Một số dự án đã duy trì vận hành sản xuất, có sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động nhưng còn nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn. Một số dự án còn dở dang hoặc dừng hoạt động.

    Cụ thể, các dự án Gang thép Thái Nguyên, Thép Việt Trung và Xơ sợi Đình Vũ đang được tiếp tục xử lý tái cơ cấu các dự án.

    Dự án mở rộng Tisco giai đoạn II có tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 8.100 tỷ đồng đến nay vẫn trong tình trạng “án binh bất động” do thiếu vốn.

    Dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ đã dừng thi công và đóng băng từ năm 2011 không khác gì đã phá sản, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

    2 dự án Ethanol Bình Phước, Ethanol Quảng Ngãi đã dừng hoạt động theo quyết định của cổ đông đa số đầu tư 70% vốn.

    Ngoài ra, còn có 5 dự án tranh chấp hợp đồng EPC (DAP số 2 - Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Dự án Đạm Ninh Bình, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Gang thép Thái Nguyên) đã đàm phán nhiều lần nhưng không thành công. Báo cáo của bộ Công Thương cho thấy, do việc chưa quyết toán được hợp đồng EPC nên các dự án trên không đủ cơ sở pháp lý để thoái vốn.

    Theo báo cáo của Chính phủ, việc xử lý các dự án thua lỗ này vẫn đang bế tắc do không xác định, phân định rõ trách nhiệm và cơ quan khiến xử lý không đúng thẩm quyền, thậm chí đùn đẩy, không dám làm.

    Ngoài ra, việc nhiều dự án đã âm vốn trong khi yêu cầu xử lý lại thường bám lấy nguyên tắc “bảo toàn vốn nhà nước” theo cách cố lấy lại giá trị như giá trị sổ sách khiến các dự án không thể thoát được vòng luẩn quẩn.

    Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ phải trả của 12 dự án thua lỗ, yếu kém chậm tiến độ lên đến hơn 63.300 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu đã âm tới 7.200 tỷ đồng.

    Sự chậm trễ trong việc xử lý 12 dự án này đã không ít lần khiến giới chuyên gia, các đại biểu Quốc hội bức xúc. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị khẩn trương giải quyết công việc tồn đọng, liên quan 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương.

    Cần lựa chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể, nhìn thẳng vào sự thật và đối mặt sự thật để giải quyết, chọn một vài dự án để xử lý khắc phục, vừa làm vừa mở rộng, rút kinh nghiệm.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loat-dai-du-an-thua-lo-nganh-cong-thuong-van-chua-tim-duoc-loi-ra-a509596.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan