Theo Nhịp sống thị trường, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 báo lãi 89 tỷ đồng nửa đầu năm 2024. Con số trên cải thiện so với mức lỗ hơn 368 tỷ đồng cùng kỳ và lỗ gần 529 tỷ đồng của cả năm trước. Trước đó vào quý I/2024, công ty đã báo lãi sau thuế 31 tỷ đồng.
Lợi nhuận bán niên năm nay cao hơn tổng lãi cả năm giai đoạn 2019 - 2021. Doanh nghiệp này cho biết hoạt động kinh doanh đã bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2023. Ban lãnh đạo chia sẻ nguyên nhân nhờ vào các khoản vay chất lượng, quản lý rủi ro tốt hơn.
Quy trình thu hồi nợ cũng hiệu quả hơn giúp cải thiện chi phí, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ khách hàng mới cũng tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 9%. Đồng thời, F88 chuyển đổi cấu trúc đội ngũ bán hàng, tăng cường nhân lực bán hàng trực tiếp giảm các cấp quản lý trung gian… giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí.
Tương tự, sau khi lỗ lớn năm 2023, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) cho biết đã có lãi trở lại trong quý II/2024 sau thời gian liên tiếp ghi nhận lỗ do chất lượng tài sản đi xuống. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 145 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 853 tỷ quý I/2024.
FE Credit cho biết đã tái cấu trúc và tinh chỉnh trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, công ty cũng cho vay thận trọng hơn, tập trung vào tệp khách hàng có rủi ro thấp và áp dụng mô hình tập đoàn tối ưu chi phí hoạt động.
Trước đó, trong tờ trình đại hội đồng cổ đông vào tháng 4/2024 FE Credit dự kiến sẽ đạt lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng, với dư nợ tín dụng vượt 66.500 tỷ đồng.
Theo Nhà đầu tư, nhiều đơn vị cũng có kết quả kinh doanh sáng nửa đầu năm. Như Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam báo cáo lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm gấp 2,2 lần cùng kỳ lên 474 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ 3,22% lên 6,77%. Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam giảm lỗ từ 246 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống 95 tỷ. Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) cũng giảm lỗ từ 392 tỷ xuống 347 tỷ đồng.
Mặc dù tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 nhưng thị trường tài chính tiêu dùng được đánh giá còn nhiều triển vọng phát triển. Theo FiinGroup, quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam mới đạt trên 10% GDP, thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc (hơn 40% GDP), Hồng Kông – Trung Quốc (hơn 20% GDP)…