Tổng quan về quả dứa
Dứa, còn được gọi là thơm hay khóm, là loại quả đa dạng về chủng loại, được hình thành từ trục hoa và lá bắc mọng nước kết hợp lại. Mắt thơm mới chính là quả thật của dứa.
Trong 100g dứa ăn được, chứa 25kcal cùng nhiều dưỡng chất như caroten, vitamin B1, B2, C, các khoáng chất Ca, phospho, Fe, Cu, protein, lipid, hydrat cacbon, nước và chất xơ.
Đặc biệt, dứa chứa enzyme bromelin có khả năng phân hủy protein, giúp làm mềm thịt nhanh chóng và tạo hương vị đặc trưng cho món ăn. Vì vậy, dứa thường được sử dụng trong chế biến các món xào như thịt bò, thịt vịt, hoặc ướp với các loại thịt dai để giúp thịt mềm và dễ tiêu hóa hơn.
Dứa giúp giảm nguy cơ sỏi thận?
Sỏi thận là vấn đề sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số, theo thống kê của Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ. Trong khi một số sỏi thận nhỏ không gây triệu chứng, sỏi lớn hơn có thể gây đau lưng dưới, sốt, tiểu ra máu hoặc nước tiểu có mùi.
Mất nước và chế độ ăn uống không lành mạnh là hai yếu tố chính dẫn đến sỏi thận. Chế độ ăn nhiều natri, thịt và ít canxi, chất lỏng làm tăng nồng độ và độ axit của nước tiểu, tạo điều kiện cho các tinh thể hình thành sỏi thận.
Rau quả, đặc biệt là dứa, là lựa chọn lý tưởng để phòng ngừa sỏi thận. Dứa không chỉ chứa 86% nước mà còn chứa hàm lượng axit citric cao (685mg/100g), cùng với kali và magie, giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận hiệu quả.
Dứa làm cho nước tiểu bớt axit
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trái cây giàu axit citric lại giúp giảm độ axit trong nước tiểu. Điều này là do axit trong thực phẩm không trực tiếp làm tăng độ axit trong quá trình trao đổi chất. Thay vào đó, lượng protein, phốt pho, kali, magie và canxi mới là yếu tố quyết định độ axit trong thận (PRAL).
Thực phẩm có điểm PRAL cao có tính axit, trong khi điểm PRAL thấp hoặc âm cho thấy thực phẩm có tính kiềm. Protein và phốt pho làm tăng độ axit, gây áp lực lên thận, ngược lại, kali, magie và canxi giúp giảm độ axit.
Dứa, với điểm PRAL thấp (-3,6), tạo môi trường ít axit hơn trong cơ thể, giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Trong khi đó, chân gà nướng có điểm PRAL cao (33), làm tăng độ axit.
Ai không nên ăn dứa?
Người bị dị ứng: Dứa có thể gây dị ứng ở một số người, với các triệu chứng như ngứa ngáy, nổi mề đay, sưng môi, khó thở.
Người bị tiểu đường: Dứa chứa lượng đường cao, có thể làm tăng đường huyết.
Phụ nữ mang thai: Dứa có thể gây co bóp tử cung, tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
Người đang dùng thuốc kháng sinh, chống đông máu: Bromelain trong dứa có thể tương tác với các loại thuốc này, gây ra tác dụng phụ.
Ngoài ra, những người có vấn đề về răng miệng, người bị bệnh gan cũng nên hạn chế ăn dứa.