+Aa-
    Zalo

    Lỡ uống nước giải khát nhiễm chì, phải làm sao?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chì cực độc với hệ thần kinh, trí tuệ của trẻ em. Với phụ nữ mang thai, cho con bú bị nhiễm chì, thai nhi và con có thể bị nhiễm chì nặng hơn.

    Chì cực độc với hệ thần kinh, trí tuệ của trẻ em. Với phụ nữ mang thai, cho con bú bị nhiễm chì, thai nhi và con có thể bị nhiễm chì nặng hơn.

    Chì cao hơn ngưỡng công bố, chắc chắn gây tích lũy

    Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Trần Hồng Côn - giảng viên Khoa Hoá học trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Chì là kim loại nặng được liệt vào mức độc mạnh, vì chì có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể con người. Có thể bình thường sử dụng nước, thức ăn, thực phẩm có lượng chì nhỏ thì không có tác động ngay lập tức, nhưng nếu để chì tích lũy dần trong cơ thể sẽ gây phá hủy dần tủy xương – bộ phận sản xuất ra hồng cầu.

    Khi bị nhiễm độc chì mãn, sẽ gây ra tình trạng thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, sốt chiều, ảnh hưởng thần kinh…

    Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, nếu không có biện pháp đào thải khi chì đã vào trong cơ thể thì chì khó “ra ngoài”. Nếu không có phương pháp điều trị đặc biệt, bệnh nhân sẽ tử vong.

    Trong tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của Việt Nam hay các tổ chức khác, có những quy định về hàm lượng chì trong nước ăn, uống. Nếu hàm lượng chì trong các sản phẩm thực phẩm thấp hơn mức quy định thì không ảnh hưởng. Nếu hàm lượn chì cao hơn mức công bố, quy định, chắc chắn sẽ có tích lũy chì trong cơ thể người uống.

    Chì cực độc với trẻ em

    Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, nhiễm độc chì ở trẻ em nhạy cảm hơn nhiều so với người lớn, khả năng tích lũy chì của trẻ em cao hơn so với người lớn. Đơn cử, nếu sữa mẹ có nhiễm chì, khi cho con bú, lượng chì nhiễm vào trong con sẽ cao hơn trong sữa mẹ, bản thân đứa trẻ sẽ bị ngấm chì.

    Đối với phụ nữ mang thai, nếu mẹ bị nhiễm độc chì sẽ có những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là khả năng tích lũy nồng độ chì trong thai nhi sẽ cao hơn so với mẹ, bởi trẻ em nhạy cảm hơn, thai nhi lại phát triển nhanh, quá trình hấp thụ, trao đổi chất của thai cũng diễn ra nhanh. Do đó, khả năng tích lũy chì sẽ nhanh và nhiều hơn.

    Theo BS Lê Quang Thuận – Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chì đặc biệt độc với hệ thần kinh của trẻ em, gây chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển thể chất. Nồng độ chì máu càng cao thì càng ảnh hưởng xấu tới phát triển trí tuệ của trẻ.

    Về những biểu hiện của trẻ nhiễm độc chì, theo BS Thuận, phần lớn trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng (ví dụ khám chuyên khoa tâm thần và đánh giá bằng thang điểm đánh giá phát triển tinh thần) và xét nghiệm.

    Chì cực độc với hệ thần kinh, trí tuệ của trẻ. Ảnh minh họa

    Khi đã biểu hiện rõ, trẻ sẽ có dấu hiệu thần kinh như: hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25-30\% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn.

    Về đường tiêu hóa, trẻ sẽ bị nôn, đau bụng, chán ăn. Trẻ cũng bị thiếu máu.

    Biểu hiện không rõ nét khác, trẻ chậm phát triển, giảm khả năng nghe, chậm phát triển về thần kinh nhận thức, các hành vi hung hăng, chống đối xã hội, bạo lực, chứng tăng vận động và giảm tập trung.

    Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chỉ số IQ của trẻ em và nồng độ chì trong máu, kể cả khi nồng độ chì máu dưới 10 mMg/dL. Với chứng bệnh tăng vận động và giảm tập trung, ngay cả khi nồng độ chì máu dưới 10 mMg/dL, trẻ có chì máu càng cao thì càng dễ mắc chứng bệnh này. Ngộ độc chì ở trẻ em đặc biệt được quan tâm ở các nước phát triển vì lo ngại về ảnh hưởng của chì lên phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

    Ở người lớn, nhiễm độc chì gây tổn thương trung ương thần kinh, các bộ phận khác

    Cũng theo BS Thuận, ở người lớn, nhiễm độc chì sẽ gây ra tình trạng xấu cho thần kinh trung ương: lơ mơ, lẫn lộn, sảng, dễ buồn ngủ, mất ngủ, hôn mê, co giật, đau đầu, mất trí nhớ, liệt. Bệnh nhân sẽ cảm giác miệng có kim loại, chán ăn, táo bón, cơn đau bụng; Đau cơ, yếu cơ, đau khớp. Bệnh nhân cũng sẽ bị thiếu máu, người ta đã thấy độc tính của chì với máu ngay cả khi chì máu dưới 10 Mg/dL.

    Đặc biệt, nhiễm độc chì có thể gây ra tình trạng giảm tình dục, giảm khả năng sinh đẻ, dễ sảy thai, đẻ non, chậm phát triển thai, dị dạng thai…

    Ngộ độc mạn tính biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ tương quan với nồng độ chì trong máu. Đặc biệt chì trong máu có tương quan với mức độ tăng huyết áp, mức độ các rối loạn của lão hóa, bao gồm suy giảm trí tuệ, các bất thường điện não, rối loạn chức năng thận mạn tính và đục thủy tinh thể.

    Người bệnh có thể cảm thấy bất thường nhưng thường chỉ được phát hiện khi xét nghiệm và khám chuyên khoa để đánh giá kỹ lưỡng.

    Đi xét nghiệm ở đâu nếu lỡ uống nhiều nước giải khát nhiễm chì?

    Vậy cách nào để nhận biết sản phẩm có nhiễm chì hay không? Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, chì là kim loại không mùi, không vị, để biết sản phẩm thực phẩm có chứa chì hay không phải tiến hành kiếm nghiệm.

    Còn theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng chì trong nước vượt ngưỡng, nhưng nếu uống thời gian ngắn không sao, còn nếu uống thời gian dài, hàng năm trời có thể có sự tích tụ chì trong cơ thể.

    Theo TS Dũng, với hàm lượng đã công bố, chưa thể gây ngay triệu chứng nhiễm độc chì, nhưng nếu lo lắng vẫn có thể xét nghiệm chì trong máu tại Trung tâm chống độc, Viện Hóa học.

    Những người liên tục, dài ngày, ngày nào cũng uống thì nên kiểm tra. “Còn nếu uống ít, có lẽ xét nghiệm không thấy, vì nồng độ không nhiều. Vượt ngưỡng là không an toàn, còn từ không an toàn đến lúc xảy ra triệu chứng lâm sàng là thời gian dài.”- TS Dũng chia sẻ.

    Cách đây không lâu, Bệnh viện Bạch Mai cũng lên tiếng cảnh báo tình trạng trẻ em ngộ độc chì vì dùng thuốc cam, điều này có giống ngộ độc chì trong nước giải khát không? Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hai vấn đề này khác nhau. Bởi thuốc cam chứa nồng độ chì cao. Còn nước này nồng độ chì vượt ngưỡng cho phép không nhiều hơn ở môi trường, không thôi nhiễm như những người làm pin, ác quy.

    VÕ THU

    Nguồn: Gia đình & Xã hội

    Xem thêm video:

    [mecloud]N8e4a5rL3y[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lo-uong-nuoc-giai-khat-nhiem-chi-phai-lam-sao-a133456.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.