+Aa-
    Zalo

    Lo sợ chính sách, nhà giàu Hồng Kông đua nhau tháo chạy ra nước ngoài

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tình hình mang tài sản chạy khỏi Hồng Kông đang thực sự khá nghiêm trọng, đối tượng không chỉ là những triệu phú mà cả những tập đoàn lớn.

    Tình hình mang tài sản chạy khỏi Hồng Kông đang thực sự khá nghiêm trọng, đối tượng không chỉ là những triệu phú mà cả những tập đoàn lớn.

    Chiến dịch biểu tình chống Luật Dẫn độ đã diễn ra được hơn bốn tháng. Tình hình Hồng Kông vẫn đang tiếp tục xấu đi. Với việc chính phủ Hồng Kông ban hành “Lệnh cấm che mặt” vào ngày 5/10, đây là một bước tiến lớn đến gần hơn sự kết thúc của chính sách “một quốc gia, hai chế độ” ở đây.

    Tranh biếm về tình hình những người giàu có chuyển tài sản ra khỏi Hồng Kông.

    Những người giàu có ở Hồng Kông cực kỳ nhạy cảm với tình hình ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội, nên đang đẩy nhanh tốc độ rời bỏ thành phố từng một thời là “Hòn ngọc Viễn Đông” ổn định và phồn vinh này.

    Theo thống kê, kể từ đầu năm đến nay, số người Hồng Kông xin nhập cư Malaysia đã lên tới 7.500, tăng gấp bốn lần so với các năm trước.

    Chương trình Ngôi nhà thứ hai của Malaysia cho phép người nước ngoài được cấp thị thực cư trú 10 năm. Nếu hết hạn 10 năm, chính phủ sẽ căn cứ biểu hiện (không có hồ sơ xấu, không phạm tội) để gia hạn visa hay cấp quyền di trú vĩnh viễn. Trong khi đó, bất động sản Malaysia lại có những lợi thế như quyền sở hữu vĩnh viễn, không phải nộp thuế thừa kế, thuế quà tặng... Hiện tại đã có hàng chục nhóm khách hàng Hồng Kông tổ chức thành các đoàn để đi xem nhà.

    Ông Trần Bình (Chen Ping), người đã từ Trung Quốc Đại lục di cư đến Hồng Kông nhiều năm trước, hiện có tài sản đáng kể, nói: tình hình mang tài sản chạy khỏi Hồng Kông thực sự khá nghiêm trọng. “Chạy thôi! Ai có thể chạy được đều chạy. Quyền con người không được đảm bảo, quyền tài sản không được đảm bảo thì phải chạy thôi”, ông nói.

    Ông Lưu Tế Lương (Liu Jiliang), nguyên cố vấn cho Ban Chính sách Trung ương của chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông, cũng xác nhận: Không chỉ các doanh nhân giàu có của Hồng Kông mang theo tài sản rời đi, mà ngay cả một tập đoàn tài chính lớn của Hồng Kông chuẩn bị tiếp tục đầu tư quy mô lớn cũng đã lựa chọn rút khỏi Hồng Kông vì cục diện tình hình không sáng sủa.

    Ông Lưu nói: “Có một tập đoàn tài chính vốn đã định đầu tư vào dự án xây dựng đường băng thứ ba tại sân bay Hồng Kông. Bây giờ họ đã từ bỏ do các vấn đề chính trị và kinh tế ở Hồng Kông, bất chấp khoản tiền 25 triệu đô la đã đặt cọc”.

    Một công ty môi giới di cư ở Hồng Kông nói rằng, trước khi xảy ra làn sóng biểu tình chống Luật Dẫn độ Hồng Kông, hầu như không có ai xin tư vấn về việc đầu tư để nhập cư Ireland. Nhưng khi tình hình ở Hồng Kông xấu đi, đã có hơn 30 triệu phú Hồng Kông đang đẩy nhanh thủ tục xin lưu trú tại địa phương này. Ngoài ra số người xin nhập cư Đài Loan và Canada, thậm chí Bồ Đào Nha đã tăng vọt.

    Một số công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho các gia tộc giàu có châu Á cho biết, gần đây đã nhận được nhiều yêu cầu tư vấn hơn từ các văn phòng gia tộc lớn. các quỹ phòng hộ và nhà đầu tư về các vấn đề như làm thế nào để chuyển tài sản khỏi Hồng Kông. Một số trong đó đã thực hiện và đã chuyển tiền tới Ngân hàng Singapore.

    Bloomberg News ngày 7/10 cũng đưa tin: Các gia tộc giàu có và các quỹ phòng hộ Hồng Kông đang triển khai di chuyển tài sản từ Hồng Kông đến Singapore và một số đã chuyển tài sản trót lọt.

    Ông Clifford Ng, đối tác quản lý của Công ty luật Trung Luân (Zhong Lun) Hong Kong, nói: Việc khách hàng có ý định chuyển tài sản từ Hồng Kông sang Singapore là một điều chưa từng có. Ông mô tả ở Hồng Kông đã hình thành một “cơn bão nhỏ” giữa cơn lốc chống Luật Dẫn độ và các khách hàng muốn tránh được rủi ro.

    Trung tâm mua sắm trước đây luôn chật ních khách du lịch, giờ trở nên vắng vẻ do các cuộc biểu tình, bạo động.

    Các nhà phân tích dự báo xu hướng này sẽ giáng đòn mạnh vào ngành dịch vụ tài chính vốn chiếm tới 1/5 GDP của Hồng Kông và có thể khiến Hồng Kông một lần nữa rơi vào suy thoái kinh tế kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính.

    Hiện, cổ phiếu bất động sản Hồng Kông – nơi từng có giá nhà đất thuộc loại cao nhất thế giới – đã bắt đầu giảm kể từ tháng 6. Các hãng phát triển nhà ở buộc phải giảm giá cho các dự án nhà ở mới và giảm giá văn phòng cho thuê.

    Tuần trước, Goldman Sachs - một ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Mỹ - ước tính rằng có tới 4 tỷ USD đã được chuyển từ Hồng Kông đến Singapore vào mùa Hè này.

    Khảo sát cho thấy các điểm đến phổ biến nhất với người Hong Kong là Canada và Australia, theo sau đó là Đài Loan và Singapore. Chỉ khoảng 2,9% người được hỏi cho biết muốn di cư sang Mỹ.

    Trước khi phong trào biểu tình bùng nổ tại Hong Kong, Mỹ đã mất đi sức hấp dẫn với người dân thành phố này do chi phí quá cao cũng như chính sách ngăn ngặt nghèo về di dân. Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 12/2018 của Đại học Hong Kong, một phần ba người dân Hương Cảng đang cân nhắc việc ra đi.

    Minh Khôi(T/h)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lo-so-chinh-sach-nha-giau-hong-kong-dua-nhau-thao-chay-ra-nuoc-ngoai-a297092.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan