(ĐSPL) – Liên quan đến vụ cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, một số ý kiến cho hay, nguyên nhân cháy khả năng là do chập điện.
Theo thông tin trên báo Dân việt, một chủ tàu ở Hạ Long cho hay, vụ cháy tàu Ánh Dương QN 3598 của Công ty TNHH Du lịch Thương mại Ánh Dương 1 xảy ra sáng hôm nay (10/1), tại khu vực hang Luồn gần đảo Ti tốp không nằm ngoài nguyên nhân do chập điện.
“Tàu đóng từ xa xưa, hệ thống dây điện lắp trên tàu đóng không phải là dây dẫn chuyên dụng cho tàu biển, lâu ngày phần vỏ đã bị hư hại dễ chập điện, gây cháy. Bên cạnh đó, gỗ đóng tàu cũng bị phong hóa càng làm tăng chất liệu dẫn cháy”…, chủ tàu này nói.
Tàu du lịch 3598 bốc cháy ngùn ngụt. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Thống kê cuả tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện 500 tàu du lịch vỏ gỗ trên vịnh Hạ Long có độ tuổi từ 7 đến 10 năm.
Ngay sau khi tàu du lịch QN 3598 của Cty TNHH Du lịch Thương mại Ánh Dương 12 bị cháy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ đội tàu gồm 6 chiếc (Tàu cháy cùng 2 tàu ngủ đêm khác và 3 tàu phục vụ tham quan theo giờ) để phục vụ công tác kiểm tra an toàn phòng cháy.
May mắn, vụ cháy không gây thương vong về người. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Như tin đã đưa, vào khoảng 6h30 hôm nay, tại khu vực hang Luồn gần đảo Titốp, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã xảy ra một vụ cháy tàu du lịch nghỉ đêm. Trên tàu có 21 người, trong đó có 14 du khách người nước ngoài.
Khi phát hiện cháy, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời ứng cứu đưa 14 khách nước ngoài, 1 hướng dẫn viên, 6 thuyền viên về bờ an toàn. Vụ cháy đã thiêu rụi hoàn toàn phần cabin và boong tàu.
Quyền và trách nhiệm của thuyền viên và người lái phương tiện - Thực hiện trách nhiệm của thuyền viên và người lái phương tiện thủy nội địa được quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa. - Khi tham gia giao thông chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường liên quan tới hoạt động của phương tiện vận tải thủy nội địa. - Khi vào khu vực cảng, bến khách du lịch đường thủy phải tuân theo sự điều khiển và hướng dẫn của Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố hoặc ban quản lý cảng bến khách du lịch thủy theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa. - Xử lý tai nạn trong vùng nước cảng, bến du lịch thủy theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa. - Đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, trang bị phương tiện chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; tổ chức phổ biến cho thuyền viên pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn cho khách cách thao tác sử dụng các trang bị chữa cháy và cứu nạn; tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi được các cơ quan chức năng huy động. - Thực hiện lộ trình theo đúng chương trình du lịch, tham quan đã thoả thuận và ký với doanh nghiệp lữ hành hay khách tham quan. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(tổng hợp)